Biển Đông

Đọc các tài liệu về Việt Nam ở thế kỷ 16, 17 và 18 thấy nhiều cái thực sự thích thú (thực ra lúc đó chưa có Việt Nam). Thích thú bởi bao lâu nay cá nhân tôi (và có lẽ nhiều người khác cũng thế) luôn nhìn đất nước, dân tộc và lịch sử từ trong ra. Kiểu như tự soi gương rồi tự nghĩ về mình. Hoặc cao thủ hơn chút là vẽ chân dung tự họa. Nay đọc các sách của người Châu Âu viết về đất nước, con người và lịch sử của chúng ta từ những năm cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, thấy họ nhìn nhận chúng ta thật là thú vị.

Một trong những điểm họ đánh giá về đất nước chúng ta, ở cái thời kỳ mông muội ấy, là chẳng có gì ngoài lợi thế địa lý. Họ ở đây là các hải đội của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và sau này là Pháp. Trên các con tàu ấy là hải quân, là các tu sỹ dòng Tên, dòng Đa Minh, dòng Phan Xi Cô, là các nhà buôn Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Ở giữa những người Châu Âu văn minh, người Việt mông muội, là các thương gia Hoa, thương gia Nhật và cả giáo dân Nhật, các linh mục lai giữa người Bồ và người Đông Nam Á.

Hôm qua tôi đọc bài này của Nguyễn Đình Đầu và hơi băn khoăn. Lập luận của bài viết này có một điểm yếu và bị ẩn đi: bài viết này dựa trên giả định là người Châu Âu biết đến phía nam nước ta trước khi biết đến Trung Quốc và các nước khác.

Theo như tôi hiểu chưa bao giờ có cái tên Biển Cochinchina để rồi bị méo mó thành Biển Nam Trung Hoa. Lý do đơn giản thế này. Người Châu Âu là người vẽ bản đồ thế giới. Họ biết cái gì thì vẽ cái đấy. Biết tên gì thì đặt tên đấy. Thực tế trước khi người Bồ vẽ lại bản đồ thế giới, chỉ có biển của người Chàm (Sea of Champa, Champa Sea).  Người Châu Âu biết đến Trung Hoa, Nhật Bản, Malaysia và Chăm Pa trước khi biết đến chúng ta. Biển Đông của chúng ta được chúng ta gọi là Biển Đông vì biển ở phía Đông. Được người Trung Quốc gọi là Nan Hai vì ở phía Nam, được các nước Đông Nam Á gọi là China Sea. Rồi trên bản đồ tên Biển Chăm Pa được thay thành Biển Trung Hoa bởi người Bồ Đào Nha, lúc đó là cương quốc số một về hàng hải, vẽ bản đồ là Mar Da China. Sau này đổi thành Nam Trung Hoa để phân biệt với vùng biển phía bắc.

Quay lại lợi thế địa lý. Vì các lý do cấm xuất nhập khẩu ở Nhật, cấm đạo ở Nhật và Trung Quốc, tự nhiên Phố Hiến và Hội An trở thành hai thương cảng lớn, đặc biệt là Hội An. Các tàu buôn và truyền giáo bắt đầu đi từ Mallaca, Macao và Nhật bản đến Hội An và Phố Hiến.

Phố Hiến còn là nơi tụ tập của thương nhân Hoa bởi triều đình, lúc đó là chúa Trịnh, cấm tiệt người Hoa sống ở Kẻ Chợ.

Người Châu Âu gọi tên hai nước riêng biệt. Nước của Vua Nguyễn là Cochinchina. Nước của vua Lê và Chúa Trịnh là Tonkin. Bất chấp nguồn gốc của hai cái tên này, nhưng khi dịch ra tiếng Việt thì Cochinchina phải là Vương Quốc Đàng Trong (Xứ Đàng Trong, Nam Hà) còn Tonkin phải là Vương Quốc Đàng Ngoài (Xứ Đàng Ngoài, Bắc Hà, Bắc Kỳ, Bắc Bộ). Tên riêng Gulf of Tonkin hiện vẫn còn tồn tại.

Cochin là cách đọc tên Giao Chỉ bằng tiếng Malay rồi phiên âm qua tiếng Bồ. Cochinchina là Nước Giao Chỉ thuộc Trung Hoa, nhưng chỉ là tên gọi, bản chất là chỉ Đàng Trong. Sau này xứ Đàng Trong (Cochinchina) sáp nhập với Miền Tây (của Mạc Thiên Tứ) và được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Nam Phần, Nam Kỳ, Nam Bộ … và rồi hiện nay được gọi là Miền Nam.

Tất cả các thuyền bè, của hải quân, nhà buôn hay truyền giáo. Đến Đàng Trong hay Đàng Ngoài, từ Macao, Mallaca đều đi qua một bãi đá ngầm lớn rồi vào cửa biển Hội An hoặc ra bắc vào cửa Thái bình rồi đến Phố Hiến. Bãi đá ngầm lớn này dần dần được ghi trên bản đồ là Paracel rồi là Paracel và Spratly. Bãi đá ngầm này được người Châu Âu cho rằng thuộc về Xứ Đàng Trong. Không phải vô cớ mà khi thống nhất đất nước, Nguyễn Ánh Gia Long, xác lập lãnh thổ của Đế Quốc An Nam (Việt Nam) trên các hòn đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo … Ở đây có một sự tò mò, xứ Đàng Ngoài, thời Lê Thánh Tôn, hải quân khá mạnh, đánh được cả Champa là nước có hải quân một thời hoành tráng, tại sao không biết nhiều về biển đảo?

Có một chi tiết là trong cuộc cạnh tranh chiếm đất thuộc địa của Anh và Pháp nhân lúc Bồ Đào Nha suy yếu, người Anh đã đến Việt Nam (ngày nay) rất sớm. Họ đã chiếm Côn Đảo (đặt căn cứ hải quân, văn phòng thương mại) mấy năm rồi lại bỏ đi. Họ cũng đặt văn phòng thương mại ở Phố Hiến, rồi Kẻ Chợ, rồi cũng bỏ đi. Người Hà Lan cũng bỏ xứ Đàng Ngoài mà đi. Người đến sau, là người Pháp, cuối cùng lại là kẻ chiếm miền đất này. Khi người Pháp đến Côn Đảo hơn 100 năm sau, họ còn thấy tàn tích nhà cửa pháo đài do người Anh xây dựng. Có lẽ ở gần cái vũng phía đầu sân bay Cỏ Ống bây giờ. Ở Côn Đảo có một mũi là mũi Tàu Chìm hay gì đó, có lẽ là tàu của quân Anh đến đây và bị đắm.

Một chi tiết nữa là các Vua Đàng Trong (Chúa Nguyễn) rất thích sử dụng người Châu Âu (linh mục, sỹ quan có kiến thức) vào các việc sau đây: bác sỹ, nhà thiên văn, xây dựng, sản xuất vũ khí. Cho nên công cuộc xây dựng đế chế và sau này là xây dựng đất nước của Nguyễn Ánh dựa vào các cá nhân Châu Âu rất nhiều. Trong đó có Cha Cả, một linh mục khi chết, coi như là được Gia Long cho làm quốc tang. Câu chuyện sử dụng ngoại bang (cầu viện) của Nguyễn Ánh không chỉ bị miền bắc sỉ vả là cõng rắn cắn gà nhà (có lẽ bây giờ sách giáo khoa vẫn dạy thế), bị Nguyễn Huệ đánh cho một trận tơi bời Rạch Gầm, mà còn lưu truyền trong dân gian Côn Đảo dưới câu chuyện Hoàng Tử Cải và bà phi tên tục là Răm. Nhưng những gì ông làm được, cho đến nay, vẫn chưa có ai làm được hơn.

Trước khi Nguyễn Huệ nổi lên như một thế lực thì đã có những người Châu Âu buôn súng đại bác bán cho Đàng Trong (Chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (Chúa Trịnh). Có cả người Bồ ở lại xứ Đàng Trong, mở xưởng đúc đại bác ở gần Huế để bán cho vua Đàng Trong. Người nước ngoài cho rằng người Việt học nghề và làm nghề giỏi. Chỉ cho họ cách làm là họ có thể làm được. Người nước ngoài cũng cho rằng xứ Đàng Ngoài quá nghèo, không có vốn, họ làm được nhiều thứ để xuất khẩu, nhưng phải đặt hàng và ứng tiền thì họ mới làm. Điều này khiến cho quay vòng vốn rất chậm. Sản lượng xuất khẩu thấp. Họ cũng nhận thấy phụ nữ thích lấy người Châu Âu, kể cả với giá rẻ, để sinh con lai cho đẹp. Giá rẻ là vì hồi đó có thể bán vợ. Đàn ông nghèo, bán vợ cho các nhà buôn nước ngoài vài tháng, khi họ đang ở Phố Hiến hoặc Kẻ Chợ để đợi giao hàng.

Quay lại bài viết của Nguyễn Đình Đầu. Câu diễn giải của NĐĐ rằng Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa) là thuộc về Giao Chỉ (Cochi) là không chính xác. Chính xác phải nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Vương Quốc Đàng Trong (Cochinchina) của các Vua Nguyễn.

***

Nhân cái comment của thaothucsg mới xem lại blog của chính mình, thấy mình mấy năm rồi viết nhảm nhí phét lác về cổ sử và địa lý nhiều phết. Tranh thủ tổng kết lại luôn các chuỗi bài dưới đây, coi như là Mục Lục hehehehe:
1. Bí Ẩn Vụ Ám Sát Vạn Thắng Vương
2. Phong Thủy Thăng Long
3. Ngày Giỗ Tổ Ở Đâu Ra
4. Chim Lạc Là Con Chim Gì?
5. Hà Nội Duyên Khởi
6. Bonus hai bài
6.1 Truyền Thuyết, Phân Tâm Học và Bản Sắc Việt
6.2 Ký Ức Đô Thị

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong nhảm và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

17 Responses to Biển Đông

  1. efacxcx nói:

    Cảm ơn 5xu về bài viết này. Tôi thích đọc lịch sử VN viết bởi người Tây để có thêm kiến thức mới, chứ lịch sử của ta viết hoặc của người Việt viết thì tôi đọc nhàm rồi.

    Bạn nói tới “Đọc các tài liệu về Việt Nam ở thế kỷ 16, 17 và 18”, xin hỏi bạn có thể chỉ tôi biết đó là các tài liệu, cuốn sách nào không?

    Ngoài ra, tôi đang muốn mua 1 cuổn sách tốt về lịch sử VN trên amazon, vì tôi thấy tôi chẳng biết về lịch sử VN 1 chút gì, mặc dù tôi là người VN sinh ra ở VN. Các bạn recommend cuốn nào không ?

    Xin cảm tạ

  2. efacxcx nói:

    Tìm trên amazon với “History of Vietnam” hoặc “Vietnam history” thì có tới 95% là nói về cuộc nội chiến 30-75 tại VN. Thật là nhàm quá đi.

    Có ai biết cuốn nào nói tới trước năm 1930, thì thật tuyệt vời.

    • Chịu khó google là ra thôi mà bác. Các cuốn Tây viết về Annam, Tonkin, Cochinchina … hầu hết đều đã hết bản quyền nên download hoặc xem online thoải mái. Ví dụ cuốn A Voyage to Cochin China. Nếu biết tiếng Pháp thì còn nhiều vô số. Trong đó có các cuốn của linh mục Đắc Lộ (A. De Rhodes).

    • Leobio nói:

      Có nhiều cuốn tiếng Anh lắm bác. Về lịch sử VN thời kỳ Bắc thuộc có cuốn The Birth of VietNam của Keith Taylor là khách quan và khá nổi tiếng. Thời kỳ Tam Quốc viết về Giao chỉ thì có cuốn Generals of the South của Rafe De Crespigny (có ebook). Các cuốn Đàng Trong Đàng Ngoài thì bác tham khảo list bác Xu. Hoặc nếu bác ở nước ngoài tìm catalog thư viện có nhiều luận văn viết về thời kỳ Đàng Trong Đàng Ngoài lắm, nhất là Đàng Trong vì nơi đây là giao thoa của 3 nền văn hóa Việt Cham và Hoa (các tác giả là người TQ).

  3. efacxcx nói:

    Cảm ơn bác 5xu vì link. Ai quan tâm có thể download tool sau để download Google Books

  4. Tran nói:

    Thế bác có đọc cái này chưa,
    ‘(Bồ Đào Nha)Họ khám phá ra miền Đông Nam Á là miền mà họ gọi là “Presqu’ile de l’Inde delà le Gange” tức là “Ấn Độ bên kia sông Hằng”. Trong sự nhìn ngược như thế suốt mấy thế kỷ họ gọi cái bán đảo mà về sau ta gọi là Bán Đảo Đông Dương, là “bán đảo Ấn Độ bên kia sông Hằng. Mãi về sau đến thế kỷ 19 thì họ mới gọi là bán đảo Đông Dương, tức Indochine. Đông Dương tức là Biển Đông, tức là cái biển bên cạnh nước Việt Nam đấy. Thì chính người Trung Hoa gọi là Đông Dương, hay là Đông Dương Đại Hải.’ Nguyễn Đình Đầu

    Đông Dương Đại Hải chứ không phải Biển Nam Trung Hoa

  5. Lắm người dốt nhỉ. Đông Dương thì là cách bọn Tàu nó gọi, rồi ta cũng gọi. Còn cái Indochine là cách bọn Châu Âu nó gọi. Chữ Indo với chữ Chine thòi lòi ra đấy, có chữ nào là Đông với Dương đâu.

  6. efacx nói:

    5xu cũng chưa có lý. Tại sao người tàu lại gọi là Đông Dương ?

    WIkipedia cũng nói vớ vẩn “Người Việt thường gọi là Đông Dương để phân biệt với Tây Dương (châu Âu) và Tiểu Tây Dương (khu vực bán đảo Ấn Độ).”

  7. Tôi ko hiểu về TQ lắm nên ko biết họ có gọi là Đông Dương thực hay không. Nhưng giả sử họ có gọi vậy thì có thể là do họ coi Giao Chỉ là của họ.

    Nếu các bác có dịp nói chuyện với dân Tàu thế hệ mới (8x), họ sẽ bảo với các bác rằng VN là nước li khai ra khỏi Trung Hoa. Tức là các cuộc khởi nghĩa kháng chiến chống TQ của các bác, ví dụ Hai Bà Trưng, đối với dân Tàu là các cuộc chiến tranh li khai (và sắc tộc).

    Cho nên bác Nguyễn Đình Đầu nói Hoàng Sa Trường Sa thuộc Giao Chỉ là hết sức nguy hiểm. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Vương Quốc Đàng Trong, là một đất nước chưa bao giờ liên quan đến Trung Hoa cả. Đây là một điểm cực kỳ quan trọng.

  8. Lê Tê nói:

    Đây là một điểm mà sách vở (phổ thông) chưa nói được một cách sòng phẳng. Cái đất nước vẫn được nói trong Toàn thư (và vài quyển đã thất lạc khác) là phần lớn Bắc bộ bây giờ. Phía trong, vương quốc Chàm, rất tiếc thấy rất ít tư liệu đối chiếu. Theo hiểu biết của Tê thì có lẽ vương quốc này yếu dần từ nhà Lê, đến thời Nguyễn version 1.0 thì hẹp dần và teo biến. Hoặc giả bản thân vương quốc này cũng là tập hợp lỏng lẻo của nhiều tiểu quốc nhỏ, lúc hợp lúc tan, khi thịnh khi suy. Phần đất miến Tây là chồng lấn người Xiêm, Campuchia, Khơme và người cuối cùng gom lại, nhập vào Đàng Trong là Mạc Thiên Tứ. Nói vậy không phải để phân rẽ sắc tộc. Tất cả bây giờ đã vào chung một nồi lẩu VN :D. Nhưng chí ít cũng phải công nhận nhiều thứ quá khứ thì mới có cơ hội giải quyết vấn đề hiện tại. Thôi, nói đến đây thôi kẻo lại nhỡ mồm, hihi

  9. Thaothucsg nói:

    Anh quan tâm đến lịch sử thì qua bên blog bạn Quách Hiền (blogspot). Anh thích góc nhìn khác với các sử gia trong nước thì đọc thử Tạ Chí Đại Trường, em chua đọc nhiều của ông này nhưng thấy phương pháp làm việc trong cuốn lịch sử nội chiến thời Quang Trung – Gia Long (em không nhớ chính xác tên) khá hay. Tạ Chí Đại Trường đã biết sử dụng thêm các tư liệu từ các nhà truyền giáo của Bồ thời đó chứ không chỉ dựa vào sử ta và sử Tàu.

  10. Hải Văn nói:

    Xin chép hiến các bác một bài khảo cứu của học giả An Chi đăng trên Kiến thức ngày nay số 186, ngày 20-9-1995, có thể bổ ích cho chúng ta khi dõi theo những nhận định của bác Nguyễn Đình Đầu và bác 5Xu.

    Độc giả hỏi: Tại sao lại gọi miền Nam Bộ Việt Nam là Cochinchine ?

    Bác An Chi trả lời nguyên văn như sau:

    Thật ra, địa danh Cochinchine ban đầu được dùng để chỉ đất Bắc nghĩa là Đàng Ngoài, sau mới chỉ Đàng Trong và cuối cùng mới chỉ Nam Bộ Việt Nam. Theo khảo chứng của Nguyễn Bạt Tuỵ, thì tiền thân xa xưa nhất cuả địa danh đó trong các ngôn ngữ châu Âu ghi bằng chữ cái La Tinh là Caugigu, dạng phiên âm của ba tiếng Giao Chỉ Quốc, trong quyển du ký của Marco Polo (1254-1324). Kế đến là hình thức ghi âm Kafchekuo trong quyển Lịch sử Mông Cổ của một người Iran tên là Rasid-ad-din (Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm cũng có nhắc đến chi tiết này trong sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, (Hà Nội, 1972, tr.5-6). Còn L. Aurousseau, cũng theo Nguyễn Bạt Tuỵ, thì đã sưu tầm được những hình thức kế tiếp sau đây: -Chinacochim trong bức địa đồ của người Ý Alberto Cotino năm 1502; – Chanacochim trong bức địa đồ của một người Ý khác nữa là Nicolo de Canerio năm 1503; – Quachymchina trong một bức thư của Jorge de Albuquerque gởi cho vua Bồ Đào Nha năm 1515. Rồi L. Fournereau, cũng theo Nguyễn Bạt Tuỵ, lại cho biết thêm như sau: – Cauchichina trong bức địa đồ của anh em Van Lagran năm 1595; – Cochinchina trong địa đồ của J.Hondius in năm 1613; Couchinchina trong bản đồ của Peter Goos năm 1666 đã dùng để chỉ đất Trung còn đất Bắc là Gan-nan; Cochinchine trong địa đồ của cố Placide khoảng 1688 để chỉ đất Trung còn đất Bắc là Tonquin, đặc biệt là Golfe de Cochinchine để chỉ vịnh Bắc Bộ mà sau này là Golfe du Tonkin (X. Nguyễn Bạt Tuỵ, Chữ và vần Việt khoa học, Sài Gòn, 1959, tr.2-3).

    Cũng về danh xưng Cochinchine, A. de Rhodes đã viết như sau: “Và để nói thêm đôi điều ở đây về danh xưng dành cho Vương quốc Cocinchine (Đàng Trong – AC), ngày nay tách ra khỏi Vương quốc Tunquin (Đàng Ngoài – AC), cần biết rằng tên gọi của Thủ đô của toàn bộ Vương quốc Annan (An Nam – AC) là Che ce (nhiều nhà nghiên cứu đã nhất trí rằng đây là hình thức phiên âm của hai tiếng Kẻ Chợ – AC). Rồi các thương nhân người Nhật buôn bán trong kinh thành này đã làm sai lạc mà gọi nó là Coci. Thế là, để phân biệt xứ Coci này với xứ Cocin bên Đông Ấn, không xa thành phố Goa bao nhiêu, người Bồ Đào Nha trong giao dịch với người Nhật, đã đặt ra danh xưng Cocinchine, ý muốn nói rằng đó là xứ Cocin gần Trung Hoa. Và danh xưng này không phải mới mẻ gì: xứ này đã được gọi như thế từ một thế kỷ qua, như chúng ta đã biết được nhờ những bức thư của Thánh Francois Xavier, trong đó ngài đã tả một trận bão dữ dội mà ngài đã gặp phải tại bờ biển xứ này trong chuyến đi Nhật Bản của ngài. Ngay cả cái xứ mà ngày nay chúng ta gọi là Vương quốc Tunquin, ở thời ấy, cũng đã được gọi gộp vào trong danh xưng đó mà không có phân biệt. Vậy không nên lấy làm lạ rằng trong nhiều bản đồ địa lý, thậm chí những bức mới nhất, Vương quốc Tunquin lại được gọi gộp vào danh xưng và vào phạm vi của Vương quốc Cocinchine hoặc rằng hai vưong quốc đó đều tách ra từ xứ Cauchinchine” (Dịch lại từ nguyên văn tiếng Pháp in trong: Alexandre de Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Tủ sách Đại Kết, Uỷ ban đoàn kết Công Giáo Tp. HCM, 1994, phần nguyên văn tiếng Pháp, tr.3).

    Trở lên là trích dẫn để ghi nhận những hình thức tiền thân của địa danh Cochinchine, trong đó – China/chine rõ ràng là dùng để chỉ nước Trung Hoa. Vậy còn lại các biến thể Cochim-, Quachym-, Cauchin-, Couchin-, Cocin-, v.v. thì vốn là địa danh chỉ xứ nào? Như đã thấy, A.de Rhoes cho rằng đó là kinh đô của cả nước Việt Nam thời bấy giờ, gọi là Kẻ Chợ (Che ce) mà người Nhật đã phát âm sai thành Coci, ghi theo cách của người Bồ Đào Nha. Thực ra, ở đây, vị giáo sĩ danh tiếng người Pháp này đã nhầm đến ba điểm: – Coci không phải là cách phát âm sai của Kẻ Chợ; – đó là cách phiên âm rất sát của hai tiếng Giao Chỉ, biết rằng chữ giao xưa vốn đọc là cao; – đó cũng không phải là cách phiên âm của người Bồ mà của người Ý: nếu là của người Bồ thì nó phải là Cochi (với h sau c và trước i). Tóm lại, yếu tố thứ nhất trong địa danh Cochinchine chính là hình thức phiên âm của hai tiếng Giao Chỉ đọc theo âm xưa, tương ứng với hai âm Caugi(gu) của Marco Polo mà Nguyễn Bạt Tuỵ đã nêu ra.

    Nhưng tại sao Cochi, Coci lại biến thành Cochin, Cochim (-m cuối là cách viết của người Bồ Đào Nha), Cocin, nghĩa là lại có thêm n (hoặc m) vào cuối? Đó là vì người ta đã nhầm tên của xứ Cochi (coci) ở phía Nam Trung Hoa – mà người ta chỉ biết loáng thoáng qua quyển du ký củ Marco Polo, hoặc qua những lời miêu tả của các nhà du hành và những điều ghi nhận của những nhà hoạ đồ người A Rập và người Ba Tư – với tên của xứ Cocin ở Ấn Độ – là nơi mà người ta đã thực sự đặt chân đến từ sau năm 1497, năm mà Vasco de Gama phát hiện ra con đường biển từ châu Âu sang Ấn Độ vòng qua Hảo Vọng Giác ở cực Nam châu Phi (bấy giờ chưa có kênh Suez). Cochin ở Ấn Độ là nơi mà người Bồ Đào Nha đã có thương điếm từ năm 1502 còn Cochi ở phía Nam Trung Hoa thì người phưong Tây chỉ chính thức và liên tục lui tới từ đầu thế kỷ XVII, nghĩa là sau đó trên dưới đến 100 năm. Vì sự nhầm lẫn trên đây mà danh xưng Cochi đã bị đồng hoá với danh xưng Cochin.

    Thế là Cochin trở thành một địa danh dùng để chỉ hai xứ khác nhau và đây là một điều bất tiện. Để khắc phục sự bất tiện này, nghĩa là để phân biẹt với xứ Cochin bên Ấn Độ, người ta mới thêm china (chine) vào Cochin mà gọi xứ Cochin gần Trung Hoa là Cochinchina (Cochinchine) cùng với các biến thể đã biết. Danh xưng này ban đầu dùng để chỉ toàn bộ lãnh thổ của quôc gia Đại Việt đầu thế kỷ XVI như nhiều bản đồ đã chứng minh (xin xem lại phần trên). Về sau khi nước Đại Việt bị chia thành Đàng Ngoài và Đàng Trong thì địa danh Cochinchine lại được dùng để chỉ Đàng Trong (Còn Đàng Ngoài là Annan hoặc Tunquin). Cuối cùng, người Pháp đã tận dụng những danh từ sẵn có mà lấy Tonkin (Tunquin) để chỉ Bắc Kỳ, Annam (Annan) để chỉ Trung Kỳ và Cochinchine để chỉ Nam Kỳ. Vậy xét về lịch sử của nó thì Cochinchine là một địa danh đã từng được dùng để chỉ miền Bắc, miền Trung rồi cuối cùng mới được dùng để chỉ miền Nam (Nam Bộ) chứ không phải vốn chỉ được dùng để gọi Nam Bộ ngay từ đầu như người ta vẫn thường nghĩ./.

  11. Tôi không tin lắm vào việc Cochinchina lúc đầu để chỉ toàn cõi Đại Việt từ đầu thế kỷ 16. Có nhiều lý do, nhưng lý do chủ yếu thì là vì lúc đấy Đại Việt bé tý, to hơn Bắc Bộ bây giờ một chút. Nam Bộ và Nam Trung Bộ bây giờ hồi đó là của người khác. Chẳng có lý gì mà cái tên Cochichina lúc đầu để gọi vương quốc có kinh đô là Kẻ Chợ (Thăng Long) mà về sau lại để gọi một vùng đất khác hẳn, do một triều đại khác hẳn khai phá (Chúa nguyễn).

    Tôi nghĩ đầu tiên từ Cochinchina là để chỉ vùng đất trong đó phải Quảng Nam bây giờ, do Vua Nguyễn (Chúa Nguyễn) cai quản.

    Người Bồ có hiệp ước thương mại với Quảng Châu (1523), rồi sau đó họ mới thử giao lưu với người Việt. Mà là người Việt Đàng Trong. Lý do là họ chỉ biết đường biển đi vào Coulao Cham (Cù Lao Chàm) rồi đi vào tỉnh Chàm (Quảng Nam). Họ đến lần đầu vào năm 1523 nhưng cuộc tiếp xúc bất thành. Bẵng đi rất lâu sau họ mới quay lại. Ngay sau lần thử giao lưu đầu tiên vài năm, ngay cả Thánh Francois Xavier mấy lần đi qua mấy lần mà không đi vào: “bão gần bờ biển Cocincina”.

    Nói chung là tôi tin chắc rằng lập luận phải rất rõ ràng rằng cái tên Cochinchina bắt nguồn từ tên Giao Chỉ (thuộc, cận) Trung Hoa nhưng lại để chỉ Vương Quốc Đàng Trong của các Vương (chúa) nhà Nguyễn. Vương Quốc này không liên quan một tí tị tì ti gì đến Vương Quốc Đàng Ngoài, tức là Tonkin, tức là Giao Chỉ. Và Hoàng Sa Trường Sa là thuộc sở hữu lãnh thổ của Vương Quốc Đàng Trong.

    Ngoài ra, có thể thấy danh từ Indochina (thuộc Pháp) là chỉ vùng đất chịu ảnh hưởng, kẹp giữa, India và China. Từ này cũng là chỉ vùng đất, bắt đầu từ Quảng Nam (tỉnh Chàm, dinh Chàm) là vùng đất bị ảnh hưởng, lúc đầu của Ấn Độ, sau mới có 1 tý Trung Hoa. French Indochina chỉ toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp, có thủ đô là Hà Nội. Nhưng nếu tinh ý sẽ thấy Hà Nội nói riêng và Bắc Kỳ nói chung, chả có tí India nào, chỉ có China.

  12. Bép nói:

    Làm người khổ nhỉ, đã luôn luôn giống các loại động vật khác là lúc dek nào cũng phải oánh nhau để chiếm ít đất sống, mà còn phải thêm mấy cái khổ nữa là chửi nhau, viết báo, viết sách, viết lung tung tí mẹt lên để chứng tỏ “nhà tao là nhà tao, nhà tao phải to và quan trọng hơn nhà mày, nhà tao có từ rất lâu rồi và ko phải do nhà mày đẻ ra” 😀

  13. Mr. Do nói:

    Theo em đọc hiểu thì Cochinchina ban đầu để chỉ Giao Chỉ quốc, sau chỉ Đàng Trong (Từ Quảng Bình trở vô), rồi sau là Nam Kỳ (tức chỉ phần Nam Bộ thôi). Tức là khái niệm Cochinchina biến thiên theo thời gian. Nó cũng như, nói thể nào nhỉ, Hà Nội ấy. Hà Nội trước đây vài năm thì là một khái niệm khiêm tốn hơn, giờ Hà Nội là một khái niệm to hơn nhiều.

    • Hà Nội nguyên bản là tỉnh Hà Nội do Minh Mạng lập, rất to, trong cái tỉnh Hà Nội đấy có thành Thăng Long.

      Hà Nội do người Pháp dùng làm thủ đô Đông Dương thì nhỏ, gồm các khu phố Tây, phố Thương Mại, Tràng Thi, Vườn Bách Thú, Khu Bến Tàu, … và ngoại thành.

      Hà Nội sau cách mạng về cơ bản là Hà Nội thủ đô Đông Dương, tức là nhỏ hơn tỉnh Hà Nội của Minh Mạng.

Đã đóng bình luận.