Hà Nội Duyên Khởi

(Bài viết dưới đây chỉ là Vĩ Thanh cho một chi tiết của bài Ký ức đô thị. Nó cũng giúp để đọc hiểu về Hà nội cũ trong Ba Mùa Yêu.)

Gần một ngàn năm trước, khi thiền sư Minh Không đi thuyền trên sông Hồng về kinh đô chữa bệnh cho vua, từ trên sông ông đã thấy Tháp Báo Thiên nằm kế bên kinh thành và ở khu đất cao hiếm hoi giữa vùng đầm lầy kinh rạch.

Năm 1873, Francis Garnier đi tàu vào sông hồng rồi đổ bộ vào vùng đất lúc đó nằm ngoài khu Hoàng Thành cũ, thuộc tỉnh Hà Nội lúc bấy giờ, và chính là quận Hoàn Kiếm hiện nay. Quang cảnh vùng đất Garnier đặt chân xuống có lẽ cũng không khác nhiều cảnh mà thiền sư Minh Không nhìn thấy, chỉ thiếu tháp Báo Thiên.

Chỗ Garnier đổ bộ, chỗ Minh Không rẽ thuyền vào để tiếp cận cung vua, chỗ mà Henry Riviere đi tàu chiến vào bắn Hoàng Thành, tất cả có lẽ cùng là một khu vực, có thể đâu đó quanh khu chân cầu Long Biên bây giờ.

Năm 1789  ở tít tận bên Châu Âu có một cuộc cách mạng lớn lao mà về sau người ta nhận ra rằng nó đã làm thay đổi tận gốc rễ của xã hội. Trong lúc đó ở mảnh đất đã bắt đầu mang hình chữ S, Nguyễn Huệ đang thắng thế với lần thứ ba kéo quân ra Thăng Long và chính thức xóa bỏ nhà Lê. Cuộc nội chiến ba phe đi vào hồi kết với hoang tàn lửa cháy từ Bắc tới Nam.

Trước đó 2 năm, năm 1787, hoàng tử Nguyễn Ánh giã từ cuộc sống lưu vong ở Xiêm La để quay lại Sa Đéc (Đồng Tháp, Hậu Giang) rồi lập căn cứ ở đây. Từ căn cứ này, Nguyễn Ánh sử dụng đường biển để bơm chi viện cho nhà Thanh giúp đánh Quang Trung ở phía bắc, dẫu cho thực tế thì kẻ dẫn quân nhà Thanh vào Đàng Ngoài là Lê Chiêu Thống, để khiến cho Nguyễn Huệ đau đầu mà chốc lát lãng quên mặt trận phía nam.

Nguyễn Ánh vốn được lòng dân miền nam nên sự trở về của ông không khác gì Napoléon quay về nước Pháp từ đảo Elba. Đi đến đâu cổng thành mở đến đấy. Chả mấy chốc miền nam về hẳn tay Nguyễn Ánh. Chỉ trong hai năm kể từ khi về Sa Đéc, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định và bắt đầu xây mới thành lũy theo kiểu Châu Âu ở đây. Dưới tay của Nguyễn Ánh lúc đó có các sỹ quan công binh người Pháp, những người đã giúp quân đội của Nguyễn Ánh xây dựng thành lũy cố thủ kiểu Vauban.

Sau khi có Gia Định, Nguyễn Ánh giàu và mạnh hơn trước. Quân đội được đầu tư mạnh mẽ cả về vũ khí, đặc biệt là thủy quân, lẫn sĩ quan chỉ huy, trong đó có nhiều sĩ quan Pháp được tuyển mộ để đi choảng quân Tây Sơn. Quân đội của Nguyễn Ánh cũng là đội quân đa chủng tộc nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam với các đội quân người Hoa, người Chăm và người Khmer. Các hàng binh, hàng tướng chạy từ Tây Sơn qua cũng rất được trọng dụng. Tiêu biểu có Lê Chất, sau này làm quan lớn trong triều Nguyễn.

Năm 1802 Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân. Bắt vợ chồng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu. Tiến quân ra Bắc Hà chiếm Thăng Long. Giết sạch quân Tây Sơn. Đào mồ mả Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc. Hoàng tử công chúa nhà Tây Sơn mang cho voi xé xác. Tướng lĩnh nhà Tây Sơn cho voi dày.

Cùng năm này, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy một cái tên rất đẹp là Gia Long (Gia Định và Thăng Long), thống nhất lãnh thổ (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa), đặt tên nước chính thức là Việt Nam (thường được lý giải là Việt Thường và An Nam), dời đô về Phú Xuân.

Gia Long chia Việt Nam thành bốn vùng: Tổng Trấn Bắc Hà, Tổng Trấn Nam Hà, Miền Trung và Kinh Kỳ (Huế).

Kể từ 1802 kinh thành Thăng Long trở thành phế đô.
(Về Thăng Long, có thể xem thông tin ở đây, hehehe)

Năm 1805, Gia Long cho mang những gì đẹp đẽ của Hoàng Thành về Phú Xuân. Năm 1848 ,vua Tự Đức cho dỡ nốt các cung điện còn sót lại để mang về Huế.

Cùng năm 1805, Gia Long cho phá bỏ tường thành để xây thành mới nhỏ hơn, bắt chước Gia Định cũng xây kiểu thành Vauban. Đến năm 1812 ông cho xây Cột Cờ Hà Nội.
Đến năm 1831, Minh Mạng xóa hẳn tên Thăng Long để thành lập tỉnh Hà Nội rất rộng lớn, chính thức biến Thăng Long thành Phế Đô.

Hơn nửa thế kỷ sau khi Thăng Long bị biến thành Phế Đô thì chính cái phần phế đô ấy co mình thành một mảnh đất nhỏ bé bị lãng quên  trong lòng một tỉnh Hà Nội rộng lớn. Còn Bắc Hà (xứ Đàng Ngoài) trở thành mảnh đất gần như vô chủ khi chính quyền sở tại hoạt động dưới sự cai trị của nhà Nguyễn vô cùng yếu ớt, quân đội bạc nhược, kinh tế suy sụp, quân cướp có vũ trang của nhà Thanh chạy qua nhũng nhiễu ngày đêm. Ở trong cái xứ ấy, chính mảnh đất Thăng Long xưa lại là vùng xác xơ nhất, thậm chí ngay cả những người truyền giáo cũng đặt chân đến đây rất muộn, rất nhiều năm sau khi họ đã vững chân ở Nam Định, Ninh Bình.

***

Năm 1858, quân đội viễn chinh Pháp tấn công Việt Nam. Chỉ 4 năm sau họ đã chiếm được 3 tỉnh Miền Đông (1862) và mất thêm 5 năm nữa để chiếm 3 tỉnh Miền Tây (1867) và làm chủ Nam Kỳ Lục Tỉnh (Basse Cochinchine tức Hạ Đàng Trong). Ngay lập tức họ xóa bỏ chính quyền nhà Nguyễn và áp đặt chính quyền do các sỹ quan hải quân đứng đầu. Trụ sở (quân sự nên gọi là Soái phủ) đặt ở Gia Định do Bộ Hải Quân quản lý.

Đến năm 1879 thì chuyển qua chính quyền dân sự. Người đứng đầu không còn là sĩ quan nữa nên gọi là Thống Đốc Nam Kỳ.

Trong những năm phức tạp này, Nam Kỳ là đất (thuộc địa) của Pháp, do chính quyền (dân sự) Pháp quản lý, chính quyền này thuộc Bộ Thuộc Địa. Trung Kỳ lúc này vẫn còn triều đình nhà Nguyễn, được coi là mảnh đất bảo hộ của Pháp, do đó được Pháp cai quản thông qua Bộ Ngoại Giao. Tương tự như vậy là xứ Bắc Kỳ. Những người Pháp thuộc Bộ Ngoại Giao, cai quản Trung Kỳ và Bắc Kỳ được gọi là Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ.

***

Trong vòng mười năm, từ 1864 đến 1874, quân đội viễn chinh Pháp và chính quyền thuộc địa đã xây dựng gần như mới thành phố Saigon, mà sau này nổi tiếng với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông. Mốc 1874 là cái mốc Tổng Thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Có thể xem một số thông tin về hạ tầng đô thị Sài Gòn thời đầu tiên ở Sound of Silence.

Thế lúc đó Hà Nội, mà chúng ta bây giờ gọi là thủ đô, hay nhất là từ sau khi sáp nhập với Hà Tây, chúng ta gọi là Hà Nội cũ, lúc đó thế nào?

***

Năm 1874 là năm mà Sài Gòn đã được đô thị hóa xong và trở thành đô thị của nước Pháp, do tổng thống Pháp ký sắc lệnh, và 5 năm sau đó nó trở thành thủ phủ của xứ Nam Kỳ với một ông thống đốc Nam Kỳ thực sự là dân sự, cũng là do chính phủ Pháp bổ nhiệm.

Thế mà chỉ một năm trước đó, năm 1873, quân đội Pháp mới cử nhóm quân đầu tiên, do Garnier cầm đầu, ra Hà Nội và nổ súng vào thành Thăng Long. Đám quân này còn rất bất ngờ khi thấy thành Thăng Long được xây theo kiểu Tây và thất thủ nhanh đến thế.

***

Vào thời điểm Garnier cầm quân ra Hà Nội, chính quyền nhà Nguyễn ở đây rất yếu kém và nhu nhược. Để chống lại quân Pháp một cách hình thức (vì Nam Kỳ và Trung Kỳ đã thực sự bị Pháp nắm), chính quyền nhà Nguyễn ở Hà Nội phải dựa vào các đám cướp có vũ trang chạy từ Trung Quốc qua. Đám giặc cướp này rất nổi tiếng với tên quân Cờ Đen, đồng thời sau này rất nổi tiếng với các chiến công lớn như chém đầu hai sỹ quan Pháp đánh thành Hà Nội là Garnier và Rivier, đánh khu nhà thờ công giáo ở Phố Thừa Sai (phố Hội Truyền Giáo) của Giám mục Puginier. Mặt khác, quân Cờ Đen cũng nhũng nhiễu người dân và quan lại bản địa không thể chịu nổi.

Việc quân Pháp tiến ra Bắc Kỳ, cùng sự níu kéo ngu xuẩn của triều đình Huế với nhà Thanh, đã chính thức đặt nhà Thanh vào thế phải chiến đấu bảo vệ miền đất mà họ bảo hộ. Cuộc chiến tranh Pháp Thanh kéo dài hơn chục năm trên miền bắc và có những lúc quân nhà Thanh kéo vào đóng quân ở tận Bắc Ninh. Những trận đánh lớn của quân Pháp với liên quân nhà Thanh và quân cướp Cờ Đen diễn ra liên tiếp từ Sơn Tây, Bắc Ninh đến tận Lạng Sơn. Kết thúc là Pháp thắng thế, nhà Nguyễn buộc phải bỏ sự bảo hộ của Nhà Thanh (nấu chảy ấn bạc nhà Thanh phong vương cho Gia Long) để nhận sự bảo hộ của Pháp. Đồng thời nhà Thanh cũng ký Hiệp Ước Huế với chính quyền Pháp để biến khỏi đất Bắc Kỳ.

Quá trình này kéo dài khoảng 10 năm. Từ lúc Francis Garnier đánh thành Hà Nội năm 1873 đến lúc ký Pháp và triều đình Huế ký Hòa ước Patrenôtre năm 1884. Đây cũng là thời gian hình thành Hà Nội như chúng ta “đang nhận thức”: thanh lịch, hào hoa, trí tuệ. Hay như các tên gọi: Hà Nội cũ, Hà Nội xưa, Hà Nội Gốc (như rất nhiều người lầm tưởng).

***

Gần một ngàn năm trước, khi thiền sư Minh Không đi thuyền trên sông Hồng về kinh đô chữa bệnh cho vua, từ trên sông ông đã thấy Tháp Báo Thiên nằm kế bên kinh thành và ở khu đất cao hiếm hoi giữa vùng đầm lầy kinh rạch.

Năm 1873, Francis Garnier đi tàu vào sông hồng rồi đổ bộ vào vùng đất lúc đó nằm ngoài khu Hoàng Thành cũ, thuộc tỉnh Hà Nội lúc bấy giờ, và chính là quận Hoàn Kiếm hiện nay. Quang cảnh vùng đất Garnier đặt chân xuống có lẽ cũng không khác nhiều cảnh mà thiền sư Minh Không nhìn thấy, chỉ thiếu tháp Báo Thiên.

Thậm chí gần 10 năm sau, năm 1882, khi Henri Riviere đánh thành Hà Nội lần thứ 2, tình hình Hà Nội tiêu điều hơn do quân Cờ Đen hoành hành dữ dội, đốt phá khu phố thương mại suốt ngày.

Từ đây sẽ lấy mốc 1873 và 1882 để làm mốc.

Chỗ Garnier đổ bộ, chỗ Minh Không rẽ thuyền vào để tiếp cận cung vua, chỗ mà Henry Riviere đi tàu chiến vào bắn Hoàng Thành, tất cả có lẽ cùng là một khu vực, có thể đâu đó quanh khu chân cầu Long Biên bây giờ.

Lúc Garnier tiến quân vào, Hà Nội chỉ có một khu phố thương mại và có dân cư sinh sống, nơi mà người bản xứ và người Hoa ở gần như lẫn lộn, tuy họ có phân biệt rạch ròi phố nào là của người Hoa. Khu phố ấy, cũng đồng thời, là một cái chợ khổng lồ, ồn ào, bẩn thỉu. Nó họp theo phiên (ngày sóc vọng hằng tháng). Người dân quê hoặc các làng nghề cứ đến phiên là mang sản phẩm của mình về khu thương mại này để bán hàng theo từng khu, sau này là các phố mang tên món hàng mà nó chuyên bán. Các con phố hồi đó bản chất vẫn là sinh hoạt xã thôn với các nhà mái tranh nằm dọc theo các con đường bằng đất mà mỗi khi mưa về là bùn đất tràn vào nhà. Các con phố cũng không hoàn toàn thông thương mà có các cổng phố, có lẽ nên gọi là cổng làng, mỗi khi tối trời người ta đóng lại không cho ai vào ra nữa. Khu phố thương mại bẩn thỉu hồi đó, lại rất nổi tiếng đến tận sau này với cái tên Kẻ Chợ. Và bây giờ chúng ta quen gọi là Khu phố cổ Hà Nội. Khu vực người Hoa sinh sống nằm xung quanh phố Hàng Buồm bây giờ.

Trước khi quân viễn chinh Pháp (Garnier là người đầu tiên) tiến vào Hà Nội, các nhân viên ngoại giao Pháp đã đến và sống ở đất Kẻ Chợ này. Có lẽ đó là sự lựa chọn rất khôn ngoan bởi nó rất gần bến Sông Hồng và người dân tuy buôn bán nhếch nhác nhưng rất thân thiện và có thể cung cấp đủ loại nhu yếu phẩm cho đám công chức ngoại giao mắt xanh mũi lõ. Sự “ở” của đám nhân viên ngoại giao, các sỹ quan và lính viễn chinh đi cùng họ, và các thương gia kiêm thám hiểm Pháp cũng chỉ là ngắn hạn và không kéo dài. Từ ngày Garnier tấn công thành Thăng Long (tháng 11 năm 1873), đến lúc người Pháp được triều đình Huế cho phép đi tàu vào sông Hồng theo Hiệp ước Saigon 1874 (tức là 1 năm sau) và đến lúc Riviere tấn công Hà Nội lần hai năm 1884 (tức là 10 năm sau nữa) thì khu phố thương mại này vẫn thường xuyên bị cướp Cờ Đen tấn công, càng về sau càng tấn công và đốt phá hung dữ đến mức người bỏ đi hết.

Sau hiệp ước Patrenôtre năm 1884, người Pháp chính thức bảo hộ Bắc Kỳ, viên trú sứ Raymond Bonnal cải tạo triệt để khu phố thương mại bằng cách lấy phế liệu ở các khu khác (bị Cờ Đen tàn phá) như khu phố Hội Truyền Giáo (phố Nhà Chung bây giờ) mang về lát các con phố, mở rộng vỉa hè … Chỉ sau một năm, tức là vào năm 1885, khu phố thương mại đã có hình hài như khu Phố Cổ Hà Nội ta thấy bây giờ. Những năm sau đó, khu phố này trở thành nơi sầm uất nhất với Lãnh Sự Pháp ở Hàng Gai, các xưởng in ở Hàng Bông, các nhà hàng khách sạn lớn ở khu người Hoa (Hàng Buồm), văn phòng các công ty thương mại quốc tế, các trường học, đồn cảnh sát. Quan trọng nhất là việc người Pháp dẹp các chợ kiểu chợ làng để xây các chợ tập trung và có mái che, đó là các chợ Đồng Xuân và Hàng Da ngày nay. Sự chuyển biến của khu phố thương mại vốn đầy rẫy người bản xứ và người Hoa này thực chất vẫn do người Pháp quy hoạch và sự chỉ đạo triển khai.

Khu phố thương mại, khu vực Hoàng Thành, và khu Tràng Thi là ba phần sát nhau nằm trên cùng một mảnh đất châu thổ không lớn lắm sát bãi sông Hồng.

Tràng Thi, vốn cùng với Tràng Tiền, là khu đất cao của khu đầm lầy Sông Hồng. Từ khi triều đình trở về Huế, Hoàng Thành bị Gia Long đập đi và xây nhỏ lại theo kiểu chiến lũy Pháp, khu vực Tràng Thi chỉ còn hoạt động vào mỗi mùa thi. Khi Garnier mang đạo quân nhỏ đến Hà Nội, ông ta bỏ qua khu vực khu phố thương mại lúc đó rất bẩn thỉu và thiếu an toàn, để đóng quân trong Tràng Thi. Sau khi đóng quân, dưới sự thu xếp của bên ngoại giao và các cố đạo, Garnier đã vào Hoàng Thành gặp Nguyễn Tri Phương. Hai bên nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Nguyễn Tri Phương vốn rất cứng rắn, đã từng đánh nhau với quân đội Pháp ở Gia Định và Kỳ Hòa. Cuộc nói chuyện đổ vỡ. Vài ngày sau Garnier tấn công Hoàng Thành chỉ vẻn vẹn với mấy chục lính trong tay. Hoàng Thành thất thủ. Nguyễn Tri Phương bị bắt, bị thương, tuyệt thực rồi hy sinh. Sau đó một thời gian, kẻ thù của Nguyễn Tri Phương là quân Cờ Đen, đánh nhau với quân Pháp và chặt đầu Garnier. Sự hiện diện ngắn ngủi của người Pháp ở Hà Nội chấm dứt cùng với sự trỗi dậy tàn bạo của quân Cờ Đen và sau đó là quân chính quy nhà Thanh kéo vào Việt Nam.

Cái chết của Garnier không vô nghĩa lắm bởi nó mở ra một thỏa ước ký một năm sau đó. Hiệp ước Philastre ký năm 1874. Hiệp ước này cho phép người Pháp được mua đất và kinh doanh ở HN. Người Pháp đã mua một khu đầm lầy khá rộng, vốn chỉ là các xưởng thuộc da hoặc làm gỗ, nằm ven Sông Hồng. Khu vực này kéo dài từ sát khu phố thương mại Kẻ Chợ, nơi có bến tàu thương mại và các khu chợ sầm uất, kéo dài đến biên giới cuối cùng của khu vực phòng thủ cũ cho Hoàng Thành là Đồn Thủy. Khu vực này được gọi là Nhượng Địa, một phần đất rất xấu theo quan điểm của quan lại địa phương, hóa ra sau này thành rất đẹp như ta thấy về sau. Kể từ khi có Nhượng Địa, lãnh sự Pháp bắt đầu quay lại và ở đây. Nhưng sự sống thực sự của nó chỉ có khi quân đội Pháp do Henri Riviere kéo đến đóng quân ở đây để đánh thành Hà Nội lần thứ 2. Lúc này thành Hà Nội do Hoàng Diệu nắm. Ông đã trái mệnh triều đình, chống trả quân Pháp quyết liệt, lúc thất thủ ông đã tự vẫn để không rơi vào tay giặc.

Henri Riviere đã xây dựng khu nhượng địa thành một pháo đài nhỏ tuy rất bẩn thỉu và vô cùng thiếu tiện nghi để làm bàn đạp chống lại quân Cờ Đen. Cho đến thời điểm đấy, quân Cờ Đen cực mạnh, thường xuyên vây hãm Hà Nội. Một trong những lần kéo quân ra khỏi thành lũy để đánh nhau, Riviere đã bị giết và chặt đầu thảm khốc (1883) để lại một số …tiểu thuyết viết dở. Một năm sau thì quân Pháp đánh thắng quân chính quy Nhà Thanh, dẹp tan quân cướp Cờ Đen, ký được hiệp ước với triều đình Huế, ký thỏa ước với nhà Thanh, chính thức biến Bắc Kỳ từ miền đất do triều đình nhà Thanh bảo hộ thành miền đất do Pháp bảo hộ (1884).

Khu vực nhượng địa đã có sẵn văn hóa Pháp do binh lính, sỹ quan, dân ngoại giao và gia đình họ tạo nên qua sinh hoạt hằng ngày. Tổng Lãnh sự đầu tiên của Bắc và Trung Kỳ là Paul Bert đã xây dựng những đại lộ Pháp đầu tiên trên khu Nhượng Địa, xây dựng những công sở đầu tiên, bưu điện, trường học, … Mặc dù chết rất hài hước là do bị bệnh kiết lị, ông này đã kịp định hình khu phố Tây ở Hà Nội kể từ năm 1884. Cho đến gần đây khu phố Tây này vẫn còn gần như nguyên vẹn (thuộc quận Hoàn Kiếm và một phần Hai Bà Trưng). Nó không chỉ còn nguyên vẹn về mặt quy hoạch mà còn các công trình kiến trúc Nhà hát, Đại học, Nhà Ga, … Chiến tranh và thời mở cửa là lần tàn phá cuối cùng khu phố Tây này, các biệt thự (được cấp cho tư nhân) đã bị phá đi để xây cao ốc. Cũng nhờ sự phát triển của khu phố Tây về phía Bờ Hồ mà cái đầm này, vào thời đấy chỉ là nơi tập trung toàn dân lao động ở nhà lá đến sát mép hồ, được cải tạo lại và trở thành vật trang điểm đẹp đẽ của Hà Nội cho đến tận ngày nay.

Giữa khu Nhượng Địa (phố Tây sau này), khu Tràng Thi (khu thư viện sau này), khu phố thương mại (phố cổ bây giờ) và Hoàng Thành là một phố nhỏ nhưng là một nhát cắt rất độc đáo để nối tất cả với nhau. Nó độc đáo đến mức chính nó là tuyến xe trạm (xe công cộng) đầu tiên kết nối con phố mua sắm của dân Tây (Hàng Khay) đến khu vực thương mại của người bản xứ và người Hoa (phố cổ) và khu đồn trú của lính Pháp (trong Hoàng Thành). Nó chính là phố Hội Người Truyền Giáo, nay là phố Nhà Chung.

Cho đến trước khi Garnier đến Hà Nội, mọi liên lạc để đàm phán giữa quân đội Pháp, chính quyền Hà Nội (thuộc nhà Nguyễn) đều bế tắc. Một cha cố người Pháp tên là Puginier (cha Phước) được chính các quan lại bản địa mời đến để làm trung gian. Ông đến đây năm 1872, một năm trước khi Garnier đến Hà Nội. Điều kỳ lạ nhất là trước đó, ở Hà nội rất vắng bóng dân Ki tô giáo.

Puginier sau này bị buộc tội lừa dân bản xứ để lấy đất tháp Báo Thiên xây Nhà Thờ Lớn. Lúc đó khu vực này rất rộng, việc Puginer đến đây đã khiến khu vực này tụ hội nhiều giáo dân, họ xây những nhà thờ đầu tiên, chủng viện đầu tiên ở giáo phận gần như mới tinh này. Lúc đó khu vực rộng lớn này đã hoang tàn, nền đất tháp báo thiên vốn rất cao, được Quang Trung dùng làm nơi xử tử kẻ thù. Ngay cả khi giáo dân bắt đầu tụ về đây và xây các nhà thờ nhỏ thì quân Cờ Đen vẫn đến quấy phá. Khi Garnier bị giết, quân Pháp phải rút về Hải Phòng, thì các cố đạo Pháp cũng rút đi. Tuy nhiên có một người rất dũng cảm, là cố đạo Landais đã ở lại với giáo dân. Ông này không những ở lại mà còn vũ trang cho giáo dân bằng súng để chống lại quân Cờ Đen.

Với sự trụ lại của Landais, khu phố Hội người truyền giáo bắt đầu được xây dựng cùng thời với các công trình của khu Nhượng Địa cùng với sự trợ giúp của các sỹ quan công binh. Điều này khiến cho khu vực Nhà Thờ, vốn không phải phố Tây, lại có quy hoạch và có những căn nhà cổ và đẹp nhất Hà Nội.

***

Sự xuất hiện chính thức và hợp pháp của người Pháp ở Hà Nội bắt đầu tính từ năm 1874 (sau thỏa ước Philastre). Mười năm sau đó Bắc Kì sạch bóng quân Tàu và chính thức trở thành miền đất bảo hộ của Pháp. Bốn năm sau đó, năm 1888, khu Nhượng Địa được chính thức mở rộng ra toàn thành phố Hà Nội. Bên ngoài khu vực này là các làng cổ trong đó có làng Ngọc Hà bị lấy một phần đất để làm Bách Thảo.

Năm 1885 lần đầu tiên có biểu diễn kịch của người Pháp ở Hà Nội.

Các cuộc đua ngựa đã có từ trước đấy trong Hoàng Thành, nơi đua chính là bảo tàng Quân Đội bây giờ và sân bóng Thể Công cách đây mấy năm. Khu vực Cột Cờ trở thành khán đài. Đua thuyền cũng đã có từ năm 1883 trên Hồ Gươm.

Khu Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền không phải vô cớ mà nổi tiếng. Đó là khu cà phê, mua sắm của sỹ quan Pháp (từ Hoàng Thành và Tràng Thi kéo ra), dân Tây thương mại từ khu phố cổ kéo đến, và dân Pháp thuộc địa từ phố Tây đi qua.

Năm 1888, tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Tính đến nay mới được hơn 100 năm.

***

Năm 1902, một trăm năm sau khi Thăng Long trở thành Phế Đô thì một thành phố Hà Nội hoàn toàn mới (khác hẳn cái tỉnh Hà Nội của Minh Mạng) đã hiện hữu bên bờ sông Hồng. Nó là sự kết hợp kỳ diệu giữa những người bản địa buôn bán Kẻ Chợ (khu phố cổ) với binh lính và thương gia Pháp (Tràng Tri và Khu Phố Tây) và một khu Hoàng Thành ngay cả lúc đó đã thuộc dòng di tích.

Cũng vào năm 1902, một trăm năm sau khi kinh đô chuyển về Huế, Hà Nội (mới) trở thành Thủ Đô của Liên Bang Đông Dương. Toàn quyền Paul Doumer bắt đầu xây dựng cây cầu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, nay là cầu Long Biên, tuyến đường sắt xuyên Đông Dương và rất nhiều cơ sở hạ tầng khác. Ông Paul này về sau trở thành Tổng thống Pháp.

Từ năm 1902 đến 1954, Hà Nội lột xác bên ngoài, thay đổi về chất bên trong với sự xuất hiện của tầng lớp tư sản và giới trí thức, nghệ sỹ bản địa. Nhờ đó Hà Nội được các nhà văn nhà thơ kiểu Tự Lực Văn Đoàn ban cho một đống mỹ từ: từ hào hoa thanh lịch đến trí tuệ đỉnh cao. Những mỹ từ mà chỉ mấy chục năm trước đó thôi, nếu ai lỡ nói về HN như vậy sẽ tưởng là bị thần kinh. Tiếc rằng Hà Nội với một đống mỹ từ ấy thực ra rất trẻ so với 1000 năm Thăng Long, và sự tồn tại phù hoa của nó chỉ quá nửa thế kỷ một chút thì đứt bóng. (Thực ra còn có thời gian gián đoạn từ Cách Mạng Tháng 8 và năm Toàn Quốc Kháng Chiến).

Vào lúc phồn hoa đỉnh cao nhất, Hà Nội thủ phủ Đông Dương có tới 10 ngàn người Pháp và nhõn 100 ngàn người bản xứ. Đến năm 1954 khi giải phóng thủ đô, dân số còn 53 ngàn người. Tây biến sạch không nói làm gì. Còn 40 ngàn người Việt nào đó cũng đã biến ra đi.

***

1. Con đường của rồng và Chuyện học sách.

2. Trong vỏ hạt dẻ phần 1 và Trong vỏ hạt dẻ phần 2.

3. Luận văn của ông Nhu và Chuyện thừa thiếu.

4. Chính luận vắn

5. Nhân sự trong vỏ hạt dẻ.

6. Chuyện Hiến Pháp

7.  Viện Dân Biểu và Liên Bang

8. Khác lối

Từ chuyện Trại trở về chuyện Hồng Bàng

Hà Nội duyên khởi

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong phát triển, đời và được gắn thẻ , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

26 Responses to Hà Nội Duyên Khởi

  1. nguasat nói:

    Bài viết thú vị và bổ ích quá anh ơi. Ngồn ngộn thông tin.

  2. nhà quê nói:

    Cái ảnh của web này chủ blog chụp ở quán cafe Năng

  3. thành xeko nói:

    Kính bác,
    Bài viết của bác rất hay, logic và đầy ắp thông tin.
    Theo cá nhân em, trước thời nhà Nguyễn, Thăng Long HN vẫn là đô thị lớn nhất, không đâu sánh bằng suốt 700,800 năm. Chủ trương của nhà Nguyễn là làm nguội tinh thần sĩ phu Bắc Hà, bằng cách thu nhỏ và bỏ quên Thăng Long. Bác nêu cái thảm hại của Thăng Long thời Nguyễn mà dường như bỏ qua Đông Đô thời Lê Trịnh :
    Giáo sĩ Richard ở thế kỷ XVIII, cũng rất ca ngợi cảnh buôn bán sầm uất trên bến sông Hồng ở kinh thành Thăng Long: “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông: những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (Âu châu), ngay thành phố Vơnidơ (Venise) nữa với tất cả những thuyền lớn thuyền nhỏ của nó cũng không thể đem đến cho người ta được một ý niệm về sự hoạt động buôn bán về dân số trên sông Kẻ Chợ” (Trần Huy Liệu (Chủ biên): Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Sđd, tr. 72).

  4. GM nói:

    Bài này, nghiêm túc mà nói, vừa thừa vừa thiếu, bác

  5. PTT nói:

    Với một bài quá nhiều thông tin thế này, mặc dù là rất hâm mộ bác 5xu nhưng nếu không cung cấp ref thì em nghĩ là phương án tốt nhất với người đọc là đừng có tin những gì anh ấy nói :).

  6. Nkd nói:

    Bài này hay. Ref về lịch sử nhiều khi cũng do bọn nó sáng tác ra thôi.

  7. thành xeko nói:

    chắc bác Xu muốn làm tí chữ hạ nhục cái nghìn năm ^^

  8. Theo dõi blog bác Xu đã lâu hôm nay mạo muội comment :

    Bài viết của bác chính xác với những gì CÂNT tìm hiểu trong thời gian qua về Hà Nội . Đây là một bài viết trên trang blog cá nhân bác chứ đâu phải là báo cáo khoa học hay cái gì Academic quá mà cứ phải khăng khăng ref này với material nọ . Xu mà cứ trích dẫn lằng nhằng sách vở này nọ như cái mạng nhện thì đã chẳng có nhiều người đọc Xu . Tiện đây, chia sẻ với Xu cảm nhận của CÂNT về HN qua âm nhạc .

    Nhạc VN viết về Hà Nội nhiều không kém gì người ngoại tỉnh lẫn ngoại quốc đổ tiền về Hà Nội nhưng đa phần cái HN mà người ta nhắc tới trong nhạc Phú Quang , Trần Tiến, Trọng Đài ,Hoàng Hiệp … là HN đau thương , mốc mốc , nghèo nghèo , loạn lạc , chia ly , quằn quại, rên rỉ , chứa đựng tinh thần bao cấp âm ỉ . CÂNT gọi nhóm này là HN mộc ( mốc) . Nêu được cái tinh thần Hà Nội ” Paris “, HN Tây hóa “thanh lịch, hào hoa, trí tuệ” chỉ thấy ở sáng tác của các nhạc sỹ tiền chiến , cũng ít chứ không có nhiều . Thứ nhất là Anh Bằng với ” Nỗi lòng người đi ” , Hoàng Dương với ” Hướng về Hà Nội “, cùng với một sáng tác duy nhất của một nhạc sỹ cách mạng là Thế Duy với ” Mối tình đầu ” .CÂNT gọi nhóm này là Hà Nội quý sờ tộc . Một Hà Nội nữa được các bác cách mạng điểm tô là HN anh hùng , diễm lệ trong chiến đấu , lao động và bảo vệ tổ quốc như ” Trời HN xanh ” ( Văn Ký” ), ” Hà Nội một trái tim hồng” , Hà Nội những đêm không ngủ , Người Hà Nội, … CÂNT gọi nhóm này là ” HN huân huy chương ” . Còn viết được về HN linh thiêng ,lịch sử, mang khí chất của một vùng đất thánh ( như Jerusalem của bọn Nhà Chung ) thì CÂNT thấy tuyệt nhiên chưa có ai , mà có lẽ nền âm nhạc VN với 99% ca khúc , không có trường ca , giao hưởng không đủ khả năng để diễn tả được cái thiêng liêng, thần bí đấy . Tựu chung lại có 3 nhóm :
    – HN mộc ( mốc)
    – HN quý xờ tộc
    – HN huân huy chương
    Bác Xu thuộc nhóm nào ?

    Tán thêm về Trần Tiến ( do biết bác Xu thích TT) . Trần Tiến hiểu HN rất sâu sắc , một trăn trở lớn của TT về Hà Nội là tinh thần kẻ sỹ Thăng Long . Nó biểu hiện rõ ràng nhất là ở chủ nghĩa xê dịch trong Nguyễn Tuân) , máu giang hồ vặt trong Nguyễn Bính , chất Du ca trong Trần Tiến , hội chứng” bay bay ” trong Trần Dần ( Tôi thương những chân trời không có người bay / Tôi thương những người bay không có chân trời) . Cụ thể ở Trần Tiến , đó là chất phiêu bạt trong Phố Nghèo :

    Dòng máu SĨ bao kẻ ra đi phiêu bạt không về

    và đến những năm 2000 , ông vẫn còn mơ mộng:

    Để trái sấu chín lăn lăn trên hè
    Cho bao niềm SĨ xưa , làm thơ .

    Than ôi, HN những năm 2000 , kẻ sỹ Thăng Long có còn không ? Nhạc trẻ VN đầu thập kỉ 90 vẫn còn hiển hiện rõ ràng khí chất này trong : Có phải em mùa thu Hà Nội, Hà Nội đêm trở gió , … nhưng đến những năm đầu tiên của thế kỉ 21 thì thui chột dần dần . MK , nghe bọn bốc thơm Nguyễn Đức Cường với ” Nồng nàn HN ” mà thấy lộn cả tiết .

    Than ôi, HN những năm 2000 , kẻ sỹ Thăng Long có còn không ? Nhuộm tóc đỏ đi Xu cho xứng danh cái hy vọng của Bắc kỳ .

    ====>

  9. Bùi Chọn Lọc nói:

    Bác em quên mất là cái đời Lê thì dân chúng buôn bán sầm uất kha khá rồi chứ có phải toàn ất ơ đâu. Khi nhà Nguyễn gỡ đền đài, thành quách vào Huế thì dân chúng không bỏ đi đâu hết, họ vẫn ở đấy. Việc triều đình không còn dẫu có ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động kinh doanh song không vì thế mà Thăng Long đi bụi cả. Dẫu rằng hình hài Hà Nội bây giờ có nhiều bàn tay người Pháp trong đó nhưng không nên phủ định sạch trơn cái thành tựu của hơn 800 năm trước. Nói phét tí thì ok nhưng nếu nghiêm túc thì chắc cần một luận án tiến sĩ để bàn về kinh tế, thương mại, văn hóa, quy hoạch kiến trúc của Thăng Long giai đoạn nhà Nguyễn.

  10. Blog của 5xu nói:

    Bạn gì hỏi Ref làm Xu béo cười vãi chưởng. Chính Xu là Ref chứ còn gì nữa, hé hé hé.

    Các bác phân biệt hộ Thăng Long và Hà Nội. Đừng có đánh lộn vào nhau. Các bác cứ nói đến thời Lê, thời Lê-Trịnh làm gì, lúc đó có Hà Nội đâu mà chỉ có Thăng Long + Kẻ Chợ. Sau này Hoàng Thành thì mất mà Kẻ Chợ vẫn là cái chợ. Tại sao cứ tự hào là “nơi đây đã từng là cái chợ sầm uất trên bến dưới thuyền” để làm gì? Và đừng huyễn hoặc “buôn bán kha khá rồi thì không phải là ất ơ”. Tự hào thế thì còn kém gia đình nhà Wal Mart nhiều lắm.

    Hà Nội cũng phải tách bạch ra. Hà Nội Tỉnh (Minh Mạng), Thành Phố Hà Nội (thuộc Pháp). Hà Nội thủ đô Đông Dương (thuộc Pháp), Hà Nội tiếp quản (thủ đô Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa), Hà Nội sau chiến tranh. Và Hà Nội mở rộng hiện nay.

    Các bác cũng lưu ý là nếu tính đến đoạn “chân truyền” thì thủ đô của Đế Quốc Việt Nam (của Bảo Đại) là ở SG năm 1949 (lúc đó HN là thủ đô của Liên Bang Đông Dương). Đến thời Diệm thay Bảo Đại thì SG tiếp tục là thủ đô của Việt Nam (chân truyền từ thời phong kiến Nguyễn với Bảo Đại là ông vua đời chót qua thời Cộng Hòa của sát thủ Ngô Đình Diệm)

    Bọn Pháp lúc xây dựng Hà Nội nó bắt đám công binh phải thiết kế Hà Nội sao cho giữ được những gì thuộc về giá trị truyền thống của mảnh đất này. Chính vì thế khu phố cổ chủ yếu là: làm vỉa hè, ngói hóa (bỏ mái lá), rồi gạch hóa (xây tường, làm móng) chứ không nắn lại các con phố.

    Thậm chí khu phố Tây nó giữ các tuyến đường cũ kết nối Tràng Tiền (nơi đúc tiền), Tràng Thi (nơi thi) với trục Cửa Nam – Thợ Nhuộm để tạo thành tam giác phố Tây.

    Riêng về thành cổ và cửa ô, bọn Công Binh Pháp phá đi, khi Paul Bert (hoặc 1 ông nào đó tương đương) đến nhậm chức đã phải nói là tôi sang muộn có mấy tháng mà các anh phá mẹ nó hết, lẽ ra phải giữ lại các cổng thành và nắn tuyến phố mới đi qua (với giọng đầy tiếc nuối).

  11. When nói:

    Xin cám ơn anh rất nhiều vì những bài viết như thế này.

  12. Moám nói:

    Xu béo sư huynh cứ lấp liếm vụ ref để giấu tài liệu quý à 😛

  13. Blog của 5xu nói:

    Sách nhiều lắm, chọn các cuốn mỏng và dịch (mấy thằng Tây thực dân nó viết) mà đọc. Cộng với mấy cuốn sử về thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi Tây Sơn đánh chúa Nguyễn.

    Sách nói chung nhiều và …rẻ, ăn thua là đọc theo cách của mình thôi.

  14. Mộng Mỵ nói:

    dài quá!:D

  15. trantuananh nói:

    Trước Thăng Long thì Hà Nội còn có tên là Đại La do Cao Biền lập ra và đóng An Nam đô hộ phủ ở đó. Nói về đô thị như vậy phát tích từ thời Cao Biền (khoảng 778) như vậy là phải thêm khoảng 232 năm nữa vô lịch sử Hà lội

  16. Quốc Anh nói:

    Bài đọc thích phết. Nói thêm là cầu Long Biên được đặt tên là cầu Paul Doumer, xây bởi công ty Eiffel, tác giả của cái tháp và cái tượng nữ thần to uỵch . Nhờ ông Doumer này, Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á có điện. Công ty Eiffel cũng dựng tượng Bà đầm xòe, cũng là kết cấu thép toàn bộ, nhưng nay đã bị đun sạch mất, thay vào đó là tượng Ông Ninh đứng.

  17. Blog của 5xu nói:

    Thì cứ lấy điện ra đun sắt nên từ thành phố đầu tiên ở Châu Á có điện, nay HN là thành phố bị cúp điện bất thình lình nhiều nhất Á Châu.

  18. Nkd nói:

    Sao lại lấy điện ra đun sắt, chị không hiểu? Sớm muộn gì cũng sẽ có oánh nhau trên biển đông vì dầu lửa thôi. Hôm trước đọc bài thấy bảo VN với các nước đang ráo riết mua tầm ngầm với thủy lôi để oánh nhau. VN vừa chi 2.4 tỷ $.

  19. Blog của 5xu nói:

    Thì lấy điện ra đun bà đầm xòe đấy, bác Nkd không đọc comment của bạn Noy à?

  20. Nkd nói:

    Chị tưởng Xu nói nguyên nhân thật ấy chứ.

  21. Hoang Lan nói:

    Hay quá ạ, cảm ơn bác Xu

  22. mont_blanc nói:

    Bài viết hay quá, cảm ơn tác giả.
    Mình nghĩ có thể câu này gõ thiếu một chữ “không”… không khác nhiều.
    “có lẽ cũng khác nhiều cảnh mà thiền sư Minh Không nhìn thấy, chỉ thiếu tháp Báo Thiên”.

  23. minhminh nói:

    Cam on bac ve bai viet, nhung noi chung van nham va chan.

  24. hien nói:

    5 xu rất chịu khó viết blog ! sao không ghé qua diễn đàn bọn mình chém vài câu cho các chú ở đó lác luôn : đây !

  25. efacx nói:

    Mình efacx thích những người VN chịu đọc như 5xu. Người VN ngu dốt ít chịu đọc lắm.

  26. Bùi Chọn Lọc nói:

    Thích bác xu chiêng thì cứ thích chứ làm gì phải lồng thêm câu chửi cả dân tộc để lấy số, lấy má thế exfuck.

Đã đóng bình luận.