Hội An, Kẻ Chàm, Nước Mặn

Kỷ niệm 100 năm chữ Quốc Ngữ

Bài 1: Hội An, Kẻ Chàm, Nước Mặn

Bài 2: Tại sao Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư?

Năm 1917, Toàn quyền Đông Dương cải cách lại hệ thống giáo dục nhà Nguyễn, chuyển thành các hệ tiểu học, trung học và đại học. Năm 1918, khoa thi Hương cuối cùng sử dụng chữ Hán. Năm 1919  kỳ thi Hương đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ. Kỳ thi Hội và thi Đình thi lần cuối cùng, vua Khải Định viết: “Kỳ thi năm nay là cuối cùng, đường khoa cử từ đây đứt hẳn.”

Để có kỳ thi Hương (kỳ thi thấp nhất nên cũng là phổ cập nhất) sử dụng chữ quốc ngữ thì từ trước đó đã có các trường dạy quốc ngữ: trường thông ngôn ở Nam Kỳ (1861-1862), các trường học Nam Kỳ (1871), các văn bản ở Nam kỳ (1882), các trường học ở Bắc Kỳ (1884, sau khi có Hòa ước Giáp thân Patenôtre).

Hình dưới đây là đơn kiện, do một người gốc Hoa (Triều Châu) sống ở tổng Thạnh An, thôn Xa Man (nay là Sóc Trăng) thuê viết bằng chữ quốc ngữ. Nội dung kiện người vay nợ mà không trả. Năm kiện là năm 1897 (Đinh Dậu). 

Sài Gòn Đơn Kiện Quốc Ngữ 1897

Bài dưới đây chỉ là một bản tóm tắt theo dòng thời gian giai đoạn phôi thai chữ quốc ngữ, dựa theo một vài tư liệu chính, còn các văn bản gốc, tức ảnh chụp từ lưu trữ văn khố bên Nhà Mẹ của Dòng Tên ở Rome, thực ra rất khó đọc, khó đoán, nhất là các văn bản viết tay chữ lí nhí, mờ tịt, câu văn thì không có chấm phảy như tiếng Việt hiện nay, đọc cũng rất khó hiểu.

*

Đầu thế kỷ 19, tức những năm đầu tiên của nước Việt Nam mới toe và thống nhất, dưới triều Gia Long và Minh Mạng, thủ đô nước ta đặt ở Huế, giọng nói (cách phát âm) chính thức ở Huế là tiếng Quảng Nam (aka giọng thủ đô chuẩn là giọng Quảng Nam). Việc tiếng Quảng được coi là tiếng Việt chuẩn ở Huế lúc bấy giờ là một câu chuyện dài hàng trăm năm, và cùng với nó là sự hình thành chữ quốc ngữ.

*

Hội An (Hải Phố) thời đầu những năm 1600, nói theo ngôn ngữ bây giờ, là một đặc khu cả về hành chính lẫn kinh tế của nước Đàng Trong. “Phố Biển” này là một thương cảng rất quan trọng để kết nối Macau, Nagasaki (Nhật) và Malacca.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập dinh trấn Quảng Nam vào khoảng năm 1602 và cử hoàng tử thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ dinh này. Khi Nguyễn Phúc Nguyên thay cha lên ngôi “Chúa”, ông cử con trai mình là Nguyễn Phúc Kỳ làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Như vậy, với nước Đàng Trong khi ấy, Quảng Nam chắc chắn có vai trò cực kỳ quan trọng, tương đương vai trò của Sài Gòn đối với Việt Nam bây giờ. Có thể Nguyễn Ánh đặt cho cậu Cải (Hoàng tử Cải, con bà phi Yến) cái tên Hội An là vì lý do này.

Đặc khu Hội An có hai khu phố buôn, một của người Nhật (phố Nhật), và một của người Hoa (phố Khách). Chúa Nguyễn giao quyền cai trị (trưởng phố) khu người Nhật cho một thương gia Nhật, và trao khu người Hoa cho một thương gia Hoa. Các thương gia châu Âu như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tây Ban Nha cũng được giao cho người Nhật quản lý.

Kém quan trọng hơn Hội An một chút là thương cảng Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Nước Mặn (Quy Nhơn).

*

Từ cuối những năm 1500, các dòng Phan Sinh (Franciscan), dòng Đa Minh (Dominican), và dòng Âu Tinh (Augustine) đã vào Đàng Trong thông qua các cửa biển Cần Cạo (Hà Tiên), Cửa Hàn. Họ đến Hà Tiên chỉ để đi qua đất Cambodia, hoặc đến Cửa Hàn để phục vụ thương nhân ngoại quốc ở Đàng Trong. Giai đoạn này họ chưa quan tâm nhiều đến việc truyền giáo cho người bản xứ.

Khoảng năm 1614, ở Nhật bắt đầu cấm đạo và bế quan, các thương gia và dân có đạo ở Nhật chuyển đến sống ở Hội An. Các linh mục truyền giáo của Dòng Tên đang hoạt động ở Nhật cũng buộc phải rời nước này. Họ bắt đầu di chuyển qua lại giữa Macao/Malacca (là hai nơi đặt trụ sở của tỉnh dòng) với Hội An và Nhật Bản (hai vùng đang được truyền giáo). Lý do Hội An trở nên nổi bật là do tuyến đường đi từ Malacca đến Nhật bị hải quân Nhật kiểm soát rất chặt chẽ. Mallacca lúc bấy giờ thuộc Bồ Đào Nha, là nơi Dòng Tên đang được vua Bồ Đào Nha bảo trợ đặt trụ sở để phục vụ truyền giáo tới Nhật Bản.

Linh mục Francesco Buzomi, sinh năm 1576 ở Napoli, bị trục xuất khỏi Nhật, ông lui về Tỉnh dòng của Dòng Tên đặt ở Macao (Áo Môn) làm giáo sư thần học, rồi được cử đến Hội An năm 1615. Sứ vụ của ông ở vùng này (bao gồm Quảng Nam và Quy Nhơn) bất ngờ có những tiến triển tích cực, nên Tỉnh Dòng cử thêm linh mục Francisco de Pina sang trợ giúp.

Linh mục Pina là người đặt viên móng đầu tiên cho việc thiết kế và tạo tác chữ quốc ngữ, mà chúng ta đang dùng ngày nay: ông sử dụng các ký tự Latin (abc) để ký âm tiếng Việt.

*

Francisco de Pina, sinh 1585 ở Bồ Đào Nha, tới Đàng Trong năm 1617, ở Hội An năm 1618. Ông sống ở cảng Nước Mặn hai hoặc ba năm (1618-1620), có lẽ để học tiếng “Đàng Trong” với linh mục Buzomi vốn đang sống ở đây từ trước.  Rời Nước Mặn, ông về Hội An và làm việc thêm ba năm, đến năm 1623 ông chuyển đến Kẻ Chàm (tức trấn Thanh Chiêm)  là thủ phủ của Quảng Nam. Ông chết đuối trên biển ở đây năm 1625.

Những năm này, trong các linh mục Dòng Tên đến Hội An còn có các linh mục người Nhật. Trong đó có Pedro Marques (1575-1670), ông này có bố người Bồ Đào Nha và mẹ người Nhật. Linh mục Marques không chỉ tham gia truyền giáo tới người Việt ở Đàng Trong mà còn làm sứ vụ này ở đảo Hải Nam. Ngoài ra, còn có các thầy tu người Nhật đi cùng, mà không rõ tên thật, tài liệu chỉ chép tên thánh là Joseph và Paulus Saito. Thầy Saito sau đi ra Đàng Ngoài cùng linh mục Gaspar d’Amaral quãng năm 1629-1630.

Các linh mục và thầy tu người Nhật là cầu nối rất quan trọng để các linh mục Dòng Tên hội nhập vào cộng đồng thương gia Nhật ở Hội An, từ đó mở rộng quan hệ qua quan chức của chúa Nguyễn. Nhờ vậy học học nói tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt Nam.

Chúa Nguyễn Hoàng trong thập niên đầu tiên của 1600 có quan hệ tốt với Nhật. Ông có trao đổi thư từ với Tokugawa trong nhiều năm. Ông nhận Hunamoto, phái viên thương mại của Tokugawa, làm con nuôi. Khi hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên lên thay Chúa Nguyễn Hoàng, ông này gả nghĩa nữ (con gái nuôi) cho thương gia kiêm trưởng phố Nhật là Araki Sotaro, qua đó nhận vị Nhật kiều gốc gác samurai này vào hoàng tộc nhà Nguyễn. Hai linh mục Buzomi và Pina có quan hệ rất tốt với quan trấn thủ Quảng Nam lúc đó là hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ, và từ đây và ở đây chữ quốc ngữ đã ra đời. Còn người con gái kia, nay được biết đến với tên gọi Công nữ Ngọc Hoa, con gái của Nguyễn Phúc Kỳ. Ở Nhật bà được biết đến với tên Wakaku (王加久).

Linh mục Pina là người nói tiếng Việt giỏi nhất nhất, hiểu người Việt nhất và quảng giao nhất. Nhờ vậy ông kết thân được với giới thượng lưu ở Quảng Nam. Ở Kẻ Chàm, nơi hội tụ đông đảo trí thức và giới thượng lưu nhất bấy giờ, Pina đã hoàn thành những bước đầu tiên của việc chuẩn hóa cách dùng ký tự Latin để ghi tiếng “Đàng Trong”. Ông viết “Tại Kẻ Chàm, con đã thu hoạch mọi hoa trái mà con đã gieo năm ngoái qua biết bao cuộc tranh luận, và thậm chí hơn thế nữa”. Cái “thu hoạch” ở đây có lẽ Pina muốn nói đến tiểu luận “Nhập môn tiếng Đàng Ngoài” của mình.

Để giảng đạo cho người bản xứ, Pina soạn sách giáo lý để giảng miệng bằng tiếng Việt, hồi đó họ gọi là tiếng Đàng Trong. Sách này dùng ký tự Latin để ký âm thành bài giảng theo âm đọc tiếng Việt. Các linh mục chép tay cuốn sách này rồi cầm lên đọc lúc giảng kinh. Cách viết ấy, đại khái giống như cách ta viết âm tiếng Anh kiểu báo Nhân Dân: hê-lô, đô-la, uôn-cúp, đô-nan-trum. Các sách này cũng được chép qua chữ nôm để dùng cho giáo dân.

4-kinh-pina_imrq

(Ai thuộc kinh Lạy Cha, có thể đoán được đoạn ký tự rắc rối, vốn là chữ quốc ngữ sơ khai ở trên. Ví dụ hai câu đầu: Cha chúng tôi ở trên trời [tlên blời] chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng. Cuốc Cha trị đến. Hoặc “cho chúng tôi hằng ngày dùng đủ” – “cio ciúm toi hàm ngãì dum đủ”.  Hoặc hai câu cuối: Lại chớ để chúng tôi sa cám dỗ. Bèn chữa (cẽa) chúng tôi trước cái (tai) dữ”.) 

Cách thức dùng ký tự Latin để ký âm tiếng địa phương như thế này, không quá xa lạ với các nhà truyền giáo, nhất là khi họ được các linh mục gốc Nhật vốn có sẵn kinh nghiệm trong việc la tinh hóa tiếng Nhật và tiếng Hoa.

Cho tới quãng đầu 1620, Dòng Tên ở Đàng Trong đã có hai tu viện (dòng này có cách gọi riêng là cư sở) rất vững chắc ở Nước Mặn (Quy Nhơn) và Kẻ Chàm (Quảng Nam).

*

Các báo cáo của các linh mục Dòng Tên từ Nước Mặn và Kẻ Chàm được gửi về Tỉnh Dòng Nhật (ở Macao) rồi gửi về Nhà Mẹ của Dòng ở Rome. Báo cáo năm 1621, do João Roiz  viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, có các mục “Residencia de Faifo na Provincia de Cacham: Cư sở Hội An ở tỉnh Kẻ Chàm” hay “Residencia de Nuocman na provinia de Pulo Cambi: Cư sở Nước Mặn ở Quy Nhơn” đã nhắc đến các tên tiếng Việt: Sinoa (Thuận Hóa), Cacham (Kẻ Chàm/Dinh Thanh Chiêm/Dinh Chàm), Nuocman (Nước Mặn), Ungue (Ông Nghè), Unsai (ông Sãi), Bafu (Bà Phủ).

Cũng năm này, linh mục Gaspar Luis cũng viết báo cáo tương tự về Đàng Trong, rồi cũng gửi về Nhà Mẹ ở Rome, chỉ có một điều khác là báo cáo này viết bằng tiếng Latin, một số từ tiếng Việt trong đó có khác một chút về chính tả.

*

Có thể linh mục Pina là người giỏi tiếng Việt nhất. Nhưng hẳn là sự hỗ trợ của các linh mục gốc Nhật đã giúp ông rất nhiều trong việc học tiếng Việt, làm quen với chữ Hán, chữ Nôm. Cũng nhờ vào kinh nghiệm chế tác chữ viết để phục vụ truyền giáo bằng tiếng bản xứ ở khắp thế giới, nhất là ở Nhật, các linh mục Dòng Tên ở Kẻ Chàm và Nước Mặn, tìm ra cách sử dụng chữ cái Latin để ký âm tiếng Việt chuẩn xác nhất có thể. Cho đến nay, tuy có rất nhiều thay đổi, nhưng vẫn có thể đoán được rằng chữ quốc ngữ về gốc gác đã được thiết kế khoa học và tinh xảo.

Việc này đòi hỏi người chế tác phải có trình độ khoa học thuộc hàng cao thủ. Rất có thể có một người tham gia khá nhiều vào việc này, đó là Cristoforo Borri. Ông này sinh ở Milan năm 1583, vào Dòng Tên năm 1601, rồi đến Hội An năm 1618. Borri rất giỏi toán, thiên văn và hàng hải. Ông viết nhiều sách về Hàng Hải, Thiên Văn bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latin. Cuộc sống linh đạo của ông khá rắc rối. Sau khi bỏ Đàng Trong về Bồ Đào Nha, ông dạy toán ở Đại học Coimbra (một đại học rất lâu đời, thành lập từ năm 1290). Ở đó ông nổi danh đến mức được vua Tây Ban Nha mời qua làm việc ở Madrid. Ông bỏ Dòng Tên, theo một hai dòng khác, nhưng đều không ở được lâu.

Cuốn sách của Borri về Đàng Trong được xuất bản lần đầu năm 1621 bằng tiếng Ý. Sau đó được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Latin, tiếng Hà Lan, tiếng Đức và tiếng Anh. Trong đó xuất hiện nhiều từ và câu tiếng Việt đơn sơ:  Tunchim (Tonkin, Đông Kinh, Bắc Kỳ), Kemoi (Kẻ Mọi, Tây nguyên ngày nay), Quamguya (Quảng Nghĩa), Dàdèn Lùt (Đã đến lụt, lụt đã đến), scin mocaij (xin một cái), Da an het (đã ăn hết), Tuijciam biet (tui chẳng biết); hoặc có những câu như “Muon bau dau christiam chiam: Muốn vào đạo Christian chăng”.

*

Sau chừng chục năm ở Đàng Trong, các linh mục phương tây bắt đầu quen thuộc với các thanh sắc trong tiếng Việt. Trong thư từ gửi về Rome, họ đã bắt đầu viết tiếng Việt có bỏ dấu. Quãng năm 1624, Pina lúc này đã thành cha bề trên ở cư sở Kẻ Chàm. Ông là người dạy tiếng Việt cho các linh mục Dòng Tên đến sau, trong đó có Antonio de Fontes người Bồ Đào Nha, và Alexandre de Rhodes người Pháp.

Năm 1626, de Fontes viết thư bằng tiếng Bồ Đào Nha, gửi về Rome. Trong đó bắt đầu có những từ tiếng Việt có dấu: Bếndá (Bến Đá), Ondedóc (Ông đề đốc ), Nhít la Khấu (Nhất là không), …

Cũng năm này, Buzomi gửi thư viết bằng tiếng Ý về Rome. Trong đó có chữ “thien chũ”, tức là Thiên Chủ (nay quen thuộc hơn với từ Thiên Chúa). Buzomi là người phát hiện ra nếu dịch Đức Kitô là Thượng Đế sẽ bị lẫn với tôn giáo bản địa lúc đó, đang bị ảnh hưởng của người Hoa, người dân sẽ hiểu Thượng Đế (ông viết là “xán tí”, theo âm tiếng Hoa là “thượng đế:) đồng nhất với Ngọc Hoàng (ông viết là “ngaoc huan”). Ông cũng đề cập đến chùa Ngọc Hoàng ở Đàng Trong (có lẽ chính là chùa mà Obama đã đến thăm): “pagoda por nome, ngaoc huan”.

Còn linh mục Pina thì sao, ông viết hẳn một tiểu luận bằng tiếng Latin về ngôn ngữ: Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài). Tiểu luận này vẫn còn lưu trữ ở  Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha. Trong thư gửi cho cha Jerómino Rodríduez là giám tỉnh ở Macau, linh mục Pina cũng khoe về tiểu luận này, ông nói mình đã phiên âm (tiếng Việt) sang chữ Latin để người Bồ Đào Nha có thể đọc (thành tiếng Việt) được.

*

Mười năm sau, năm 1636, Alexandre de Rhodes (tên Việt là Đắc Lộ) đã tương đối khá tiếng Việt, ông viết một cuốn sách bằng tiếng Latin, rồi sau đó tự mình dịch ra tiếng Pháp. Trong cuốn sách này xuất hiện các từ tiếng Việt được viết y như bây giờ: Annam, Chúacanh (Chúa Canh, chúa Cao Bằng, tức nhà Mạc), Chúa Bàng (Chúa Bằng, tức Bình An Vương Trịnh Tùng), Chúa thanh do (Chúa Thanh Đô, tức Trịnh Tráng), cai xã, cai huyen (cai huyện), cai phu (cai phủ), giô (giỗ)

Cùng quãng này, linh mục Amaral đã ra Đàng Ngoài và tài liệu do ông viết tay đã được bỏ dấu (tài liệu viết tay quan trọng ở chỗ các linh mục bỏ dấu được, trong khi sách các vị viết, đem in ở Rome thì bị mất dấu). Tài liệu viết năm 1636 của Amaral có nhiều từ bỏ dấu gần giống ngày nay: nhà ti, nhà hién (nhà ti, nhà hiến), nhà phũ, nhà huyẹn (nhà phủ, nhà huyện), đàng ngoày (đàng ngoài), tế kì đạo (tên một lễ tế gì đó), đức vương (tức Trịnh Tráng), Chuá cả (tức Trịnh Tạc), Kẻ Chợ, yêu nhău (yêu nhau), thầi (thầy), chặp (tháng chạp), Đình (đình làng), Nghệ An, Bố Chính, …

*

Hai linh mục Dòng Tên người Bồ Đào Nha là Gaspar Amaral và Antonio Barbosa (sinh 1594) lúc này truyền giáo ở Đàng Ngoài, và chắc chắn là giỏi tiếng Việt và giỏi cách dùng ký tự latin để ký âm tiếng Việt (giỏi hơn Alexandre de Rhodes). Amaral soạn từ điến Việt-Bồ-La (Diccionário Anamita-Português-Latin), còn Barbosa soạn từ điển Bồ-Việt (Diccionário Português- Anamita). Cả hai bản thảo chưa được in và đều thất lạc một cách bí ẩn. Trong cuốn từ điển mang tính lịch sử của mình, xuất bản năm 1651, Alexandre Rhodes có nói ông sử dụng hai cuốn từ điển của Amaral và Barbosa.

Đến đây ta có thể hiểu được phần nào, tại sao cách đánh vần tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ lại khá giống tiếng Bồ Đào Nha và (hình như, nếu tôi không nhớ nhầm) một phần của cách đánh vần này có tham khảo cách đánh vần ở vùng Catalonia.

Ở thế kỷ 15, hai cường quốc hàng hải là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hai thế lực bành trướng và làm bá chủ thương mại thế giới. Tòa thánh ở Rome cho hai nước này bảo trợ việc truyền giáo luôn cho tiện. Khi xích mích giữa hai cường quốc quá căng thẳng, năm 1493 Giáo hoàng Alexandre VI vạch một đường từ Bắc Cực đến Nam Cực, đi qua quần đảo Acores, phía Tây  đường này là vùng của Tây Ban Nha, phía Đông là Bồ Đào Nha. Vậy nên châu Á thuộc vùng khai phá của Bồ Đào Nha. Vua Bồ Đào Nha đặt một phó vương ở Goa (Ấn Độ) để cai trị phía Đông. Ở Goa vì vậy có một tòa tổng giám mục, dưới tòa này là hai tòa giám mục đặt ở Malacca và Macao.

Tòa Malacca phụ trách Đàng Trong, Tòa Macao phụ trách Đàng Ngoài. Việc truyền giáo, bản chất cũng rất cạnh tranh. Các dòng cạnh tranh nhau, các tòa cạnh tranh nhau. Đồng thời có hai thế lực hải quân mới nổi lên là Hà Lan và Anh. Hai nước này, không phải Công giáo La Mã, họ không phải tuân theo mệnh lệnh Tòa thánh ở Rome. họ cứ thế mà chinh phục Châu Á. Rồi quãng 1640, chính vua Bồ Đào Nha lại thất thế trước vua Tây Ban Nha.

Hai cuốn từ điển của Amaral và Barbosa được lưu trữ ở Văn khố Tỉnh dòng, Dòng tên, ở Macao.

Từ 1758, Bồ Đào Nha rồi sau đó là Pháp bắt đầu trục suất Dòng Tên ra khỏi đất của mình. Văn khố ở Macao phải chuyển về Dòng Tên ở Manila (thuộc Tây Ban Nha). Nhưng ở đó cũng không yên, vì đến năm 1767, đến lượt triều đình Tây Ban Nha cũng đàn áp Dòng Tên và tịch thu toàn bộ tài liệu ở đây rồi mang về Madrid năm 1770. Có thể bản thảo của Amaral và Barbosa, nếu không bị thất lạc, thì đang nằm ở Madrid.

Vào giai đoạn Dòng Tên bị Giáo hoàng bắt đóng cửa (1773), Dòng Tên đã để mất cả Đàng Trong lẫn Dàng Ngoài vào tay các dòng truyền giáo khác.

*

Alexandre de Rhodes, gốc Do Thái,  sinh ở Pháp năm 1593, nhập Dòng Tên năm 1612, đi Châu Á truyền giáo từ Bồ Đào Nha, qua Goa, rồi đến Macao. Ông muốn đi Nhật Bản, nhưng cuối cùng lại được giao đi Đàng Ngoài. Nhưng trước tiên, ông tới Đàng Trong để học tiếng Việt ở cư sở Kẻ Chàm. May mắn cho ông, khi tới nơi, Kẻ Chàm đã có hai linh mục rất giỏi tiếng Việt là Borri và Pina. Pina trực tiếp dạy tiếng Việt cho de Rhodes. Ông còn học thêm tiếng Việt với một em bé 13 tuổi. Hai người học thông qua tiếng Bồ. Em bé này lớn lên lấy tên là Raphael Rhodes, tham gia truyền giáo ở Lào, rồi quay về Đàng Ngoài, lấy vợ và trở thành một thương gia giàu có  nhờ buôn bán hàng xuất nhập khẩu giữa Thăng Long và Phố Hiến.

Bị trục xuất khỏi Đàng Trong năm 1645, ông quay về Châu Âu, rồi đến Rome. Năm 1651, sau hơn một năm ở Rome, Rhodes xin Dòng Tên chi tiền xuất bản hai cuốn sách quốc ngữ đầu tiên: cuốn “Từ điển Việt Bồ La” và cuốn “Phép giảng tám ngày”.

Khoảng 10 năm sau, năm 1660,  ông qua đời ở Iran.

*

Ở Nhà mẹ Dòng Tên ở Rome người ta còn lưu trữ một số tài liệu liên quan đến giai đoạn Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Trong và Dòng Ngoài. Trong đó có những lá thư viết tay, bằng chữ quốc ngữ, không phải do các linh mục nước ngoài viết, mà là các thầy giảng (nay gọi là giáo lý viên) người Việt Nam. Trong đó có một lá thư của thầy Bento Thiện, viết năm 1659. Bức thư này được gọi là “Lịch sử nước Annam”. Hai đoạn trích dưới đây là chép từ sách của linh mục Đỗ Quang Chính ở Dòng Tên Thủ Đức.

Thư bắt đầu:

“Thuở ấy có một Vua là Triệu Vũ Hoàng sang đánh Vua An Dương Vương. An Dương Vương lấy nỏ mà bắn thì giặc liền chết. Mà Vua An Dương Vương sinh ra được một con gái tên là Mi Chu. Vua Triệu Vũ Hoàng thì có con trai tên là Trọng Thỉ.”

Trong thư có kể nhiều chuyện, ví dụ chuyện Táo quân:

“Bếp thì thờ Táo quân, gọi là Vua bếp. Nó lấy chồng trước thì sa vào lửa mà chết, nó lại lấy chồng sau mà lòng con thương nghĩa chồng trước, thì chồng sau đi xem nơi lỗ xưa, thì mình cũng sa xuống mà chết. Chồng sau thấy vợ chết, thì cũng gieo mình xuống mà chết, thì ba người vào một lỗ ấy, thì người ta nói bày đặt rằng: ấy là Vua bếp. thì phải cậy cho làm mọi việc nên.”

*

Sau Alexandre de Rhodes, khoảng hơn 100 năm sau, khoảng năm 177x, Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc) viết từ điển Việt-Latinh (Dictionarium Anamitico-Latinum). Tiếng Việt trong từ điển này không khác nhiều với tiếng Việt chúng ta đang dùng. Rồi thêm gần 100 năm nữa, đến năm 1865, tờ báo in bằng chữ quốc ngữ là Gia Định Báo, ra đời ở Sài Gòn.

Trong những năm 1800, ở Huế (thủ đô của Đại Nam), giọng Quảng Nam được coi là giọng nói chuẩn.

Còn về Dòng Tên, vì là một dòng đề cao trí thức nên một số quốc gia như Đức và Nga vẫn cho Dòng Tên tồn tại trên đất mình. Năm 1814 Giáo hoàng cho tái lập dòng. Dòng Tên không quay lại Việt Nam vì cơ sở của họ đã mất hết, những người theo Dòng Tên nếu còn sống thì cũng đã già. Mãi đến 1957 họ mới quay trở lại được miền Nam. Theo một nghĩa nào đó, họ đến Việt Nam, để lại chữ Quốc Ngữ, rồi rút đi trước khi Pháp (nói đúng hơn là liên quân Pháp Tây Ban Nha) xâm lược Nam Kỳ. Rồi họ quay lại, sau khi Pháp đã rút đi.

PS 1: Nếu ai tinh ý, sẽ thấy trong đoạn kinh Lạy Cha ở phía trên có chữ “Coác”. Có thể đây chính là chữ “Quấc”, mà nay được viết “Quốc”. Cuốn từ điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của, tên là “Đại nam quấc âm tự vị”. Khi còn ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết tên mình là “Ái Quấc”.

Screenshot 2018-09-23 12.11.33

Screenshot 2018-09-23 12.11.55

Còn theo chính tả của Đắc Lộ, hai câu đầu của kinh Lạy Cha được viết gần như chữ hiện nay, nhưng chữ cuấc (quấc) được viết thành cuốc (quốc): “Cha chúng tôi ở tlên blời [trên trời], chúng tôi nguiẹn [nguyện] danh Cha cả sáng. Cuốc [quốc] Cha trị đến.”

PS 2: Araki là samurai gốc ở vùng Higo Kumamoto. Ông chuyển đến Nagasaki và xây dựng dinh thự và công việc thương mại ở đây. Ông được Mạc Phủ cấp Châu ấn thuyền, tức là một loại tàu viễn dương để buôn bán với nước ngoài (châu ấn = được đóng dấu đỏ). Ông đi đi lại lại giữa Nagasaki với Đàng Trong, Cambodia và Xiêm. Ông được chúa Nguyễn gả con gái nuôi năm 1619. Hình vẽ dưới đây là Châu ấn thuyền của Araki, và trích đoạn “Phố Hội An” từ “Giao chỉ mậu dịch độ họa đồ – Bản đồ giao thương với Giao chỉ”. Trong phần khác của bức tranh, có vẽ Dinh Kẻ Chàm. Theo bản đồ này, Kẻ Chàm và Hội An cùng nằm một phía của sông Hoài.

Châu Ấn Thuyền

Giao chi mậu dịch hải đồ

*

Bài 2: Tại sao Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư?

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong đạo và được gắn thẻ , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.