Người truyền cảm hứng cho Ông Cụ

Giành độc lập được mấy hôm, Trần Dân Tiên (theo suy luận của tôi, có lẽ là một nhóm núp sau một bút danh, trong đó có hai vị họ Trần thực sự là Trần Huy Liệu và Trần Ngọc Danh) viết ngay một cuốn sách về cuộc đời “ông cụ”. Cuốn sách này có thể là để phục vụ tuyên truyền đối ngoại, đặc biệt là để làm màu và làm đường cho cuộc gặp lịch sử với Stalin năm 1959,  nên sách được in ở Trung Hoa (thuộc Tưởng Giới Thạch) và Pháp năm 1949.  Sau Điện Biên Phủ, năm 1955 sách mới được in để phục vụ tuyên tuyền trong nước.

(Năm 1946, Trần Ngọc Danh là người cùng Dương Bạch Mai tháp tùng HCM sang Pháp dự  Fontainebleau. Sau đó Trần Ngọc Danh ở lại Pháp luôn.)

*

Chương I của cuốn sách nói về cậu thiếu niên tên Thành. Theo đó, khi mới mười mấy tuổi, anh Thành đã có ý định đi tìm đường cứu nước. Con người ta lúc thành công thường nói rất hay và màu mè về khúc khởi đầu của họ. Ý định xuất dương của anh Thành có thể là do hoàn cảnh gia đình (các biến cố trong gia đình, cuối cùng là người cha mất việc bị biếm đi xứ khác, bản thân anh bị đuổi học) cộng với cảm hứng từ phong trào Đông Du. Có lẽ mục tiêu ban đầu của anh là đi Nhật, hoặc đi Pháp để học tiếp. Thế nhưng khi anh tới Sài Gòn thì Nhật đã cấu kết với Pháp, dập tắt Đông Du. Không còn sự lựa chọn nào khác, anh bèn tính kế đi phượt bằng tàu thủy.

Sau khi học một khóa ngắn hạn tại trường dạy nghề Cơ Khí Á Châu (École des mécaniciens Asiatiques de SaiGon) sau mang tên Cao Thắng/Tôn Đức Thắng, anh Paul Thành (sau này lừng danh qua ngòi bút Trần Dân Tiên với tên gọi anh Văn Ba) đến hãng tàu Chargeurs Reunis đóng trên lầu nhà Grand Hôtel de la Rotonde để xin lên con tàu Amiral Latouche Treville làm rửa bát. (Tòa nhà này nay vẫn còn nguyên. Xem thêm phần Một Góc Phố Đầu Tiên trong Sound of Silence).

Đó là năm 1911. Trần Dân Tiên cho biết anh Ba đi phượt khá nhiều nơi: Pháp, Bồ Đào Nha và các nước Châu Phi thuộc địa. Các sách khác của học giả Mỹ nghiên cứu về “ông cụ” còn cho biết anh sống rất tiết kiệm, dành dụm được cả tiền gửi về cho cha đang lưu lạc Nam Kì (cuối 1911 từ Ceylon và cuối 1912 từ New York).

Quãng 1913-1915 anh sống ở nước Anh. Ở nước Anh, Paul Ba tiếp tục làm nghề lao động phổ thông (khách sạn dành cho khách đi tàu hỏa: The Drayton Court Hotel). Trong thời gian ở Anh, chàng thanh niên thuộc địa, suốt ngày lao động chân tay, đột nhiên biết tiếng Anh, đột nhiên am hiểu tình hình chính trị thế giới, đột nhiên có những nhận định sắc xảo (xem thư Nguyễn Tất Thành từ London gửi cho Phan Chu Trinh ở Paris, cuối 1914). Tôi tin rằng khi ở nước Anh, đã có ai đó vỡ lòng cho anh Ba không chỉ môn tiếng Anh mà còn về Cách mạng Mỹ (thuộc địa Anh giành độc lập, đồng thời xóa bỏ chế độ quân chủ), về quyền con người. Người này có lẽ còn dạy anh Ba nghề báo và hướng anh Ba đi theo con đường hoạt động chính trị chuyên nghiệp.Giai đoạn sống ở nước Anh  rất quan trọng trong chuyển biến tư tưởng của anh Ba. Trước khi đến sống ở Pháp (từ 1920) và gia nhập nhóm của Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, anh Ba  rời nước Anh đến nước Mỹ (1916). Ở Mỹ, anh Ba đã tham dự các hoạt động chính trị của người da màu. Vốn tiếng Anh của anh Ba đã đủ tốt để anh học hỏi các phương pháp đấu tranh và vận động quần chúng từ Marcus Mosiah Garvey. Garvey, một nhà hoạt động nhân quyền cho người da đen đi từ Jamaica đến New York vào tháng 3 năm 1916, thường thực hiện các buổi diễn thuyết trên đường phố New York vào buổi tối. Anh Ba chắc chắn đã đến nghe. Những kỹ năng diễn đạt với công chúng bình dân thu thập từ New York về sau giúp anh Ba rất nhiều trong hoạt động chính trị và làm cách mạng.

Trong thời gian ở Mỹ (1916-1919), Paul Thành (có lẽ) tình cờ đọc tiểu thuyết viễn tưởng rất nổi tiếng lúc bấy giờ là cuốn Looking Backward (xuất bản năm 1888) của Edward Bellamy. Cuốn này nói về một người Boston ngủ gục năm 1887 và tỉnh dậy năm 2000. Ở năm 2000 ấy, các ác mộng bất công phân hóa giàu nghèo cũng như đô thị không quy hoạch do công nghiệp hóa và tư bản hoang dã gậy ra, tất cả đều biến mất. Người dân sống trong các đô thị văn minh, có dịch vụ công và các công trình công cộng tốt đẹp. Người dân chỉ cần ở nhà và mua hàng và nhận hàng qua các đường ống và trả bằng thẻ tín dụng (là cái hồi đó chưa có). Thậm chí là mua cả nhạc chất lượng cao, dồi dào, bao nhiêu người mua cũng được (chính là internet, online shopping và nhạc số spoftify bây giờ.) Đây là cảm hứng để đến tháng 7 năm 1922, anh Thành lúc này đã ở Paris xuất bản truyện ngắn viễn tưởng bằng tiếng Pháp tên là Enfumé. Truyện này nói về năm… 1998, nước Cộng hòa Châu Phi đã thoát khỏi ách thực dân Pháp sau một cuộc cách mạng. Đến năm 1949, ở Việt Bắc, anh sáng tác một truyện nữa tên là Giấc mộng mười năm. Truyện ký tên Trần Lực, do Tổng Bộ Việt Minh xuất bản. Trong truyện, nhân vật Nông Văn Minh đang làm vệ quốc đánh tây, bị thương, tỉnh dậy sau mười năm tức là năm 1958 anh thấy đất nước đã chiến thắng Pháp (tức Điện Biên Phủ 1945), có chính phủ dân chủ cộng hòa, đã xóa mù chữ (Bình dân học vụ), và bắt đầu bắn nhau với Mỹ.

Đang ở Mỹ, nghe tin Cách mạng Nga thành công, anh tìm cách quay về nước Pháp. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Pháp (1919) và gia nhập nhóm Phan Văn Trường, anh Ba đã nỗ lực trở thành một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp và nổi bật. Mấy chục năm sau nữa, dấu ấn của Cách mạng Mỹ và quyền con người đã xuất hiện ngắn ngủi nhưng rõ nét trong Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng Chín năm 1945. Tình cảm với Cách Mạng Mỹ trong lòng anh Ba còn ẩn dấu trong những nỗ lực tiếp cận quân đội Hoa Kỳ ở Côn Minh thời tiền khởi nghĩa (xem thêm Trong Vỏ Hạt Dẻ Phần 2).

Mặc dù tài liệu trong tay chưa đủ lắm, tôi vẫn cho rằng, người vỡ lòng cho anh Thành tiếng Anh, Cách Mạng Mỹ, Quyền Con Người … là một thanh niên miền nam, trạc tuổi anh Ba, giỏi giang và yêu nước. Người thanh niên ấy theo hồ sơ mật thám có tên (giả) là Joseph hoặc Thành, còn tên thật (tôi đoán chắc) là Nguyễn Háo Vĩnh. Không chỉ là một người anh em, một mentor cho anh Ba, chàng trai trẻ Nguyễn Háo Vĩnh còn tìm cách ghi danh cho cả hai (như hai anh em ruột Paul Thành và Joseph Thành ) vào học tại London Polytechnic trên phố Regent (nay là University of Westminster).

Phong trào Duy Tân có hai cơ sở quan trọng ở miền nam là Hội khuyến học Cần Thơ và công ty Minh Tân (Nam Kì Minh Tân Công Nghệ Xã) của nhà tư sản Gilbert Trần Chánh Chiếu (cũng là chủ bút Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn). Công ty Minh Tân tuyển người đưa sang Nhật học nghề, bản chất là đào tạo cán bộ cho Đông Du. Nguyễn Háo Vĩnh sinh năm 1893 có mặt trong nhóm đi Nhật đầu tiên (1905), và là người giỏi nhất. Lưu ý, so với tuổi theo chính sử của anh Ba, thì Háo Vĩnh kém anh Ba vài tuổi. Nhưng theo hồ sơ mật thám, anh Ba sinh năm 1894. Có thể anh Ba khai là em Háo Vĩnh để làm hồ sơ nhập học nên lấy năm sinh 1894. Cũng có thể 1894 là năm sinh thật của anh (như vậy khi rời Sài Gòn lên tàu rửa bát anh mới 17 tuổi). Nếu để ý, ta có thể thấy tên Joseph và tên Paul là tên các thánh. Và nếu tinh ý, ta sẽ thấy ngày sinh nhật đầu tiên của “ông cụ”, ngày 19 tháng 5 năm 1946 là ngày chủ nhật, và cũng là lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, và cũng là sinh nhật của Giáo hội Công giáo.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, cũng là ngày chủ nhật và là ngày Lễ kính chung các chân phước tử đạo tại Việt Nam (các Kitô hữu hôm đó sau lễ ở nhà thờ Cửa Bắc đã đi bộ ra dự lễ Độc Lập, lễ kéo dài quá trưa). Ngày chủ nhật, hồi đó gọi là ngày Chúa Nhật (xem thêm trong Bầu trời chiều ẩn giấu.)

Ở Nam Kì, hoạt động của Trần Chánh Chiếu bị mật thám Pháp phát hiện. Pháp thỏa thuận với Nhật để Nhật trục xuất du học sinh của Đông Du về lại Đông Dương. Bố của Nguyễn Háo Vĩnh cũng là lãnh đạo Đông Du miền nam, nhanh tay rút Nguyễn Háo Vĩnh về Hongkong để tránh bị bắt, đồng thời  cho học tiếp tại Saint Joseph Hongkong. Lúc này hoàng thân Cường Để cũng phải rời Nhật (trục xuất năm 1909). Đi vòng vèo qua Trung Quốc, Hongkong, đến năm 1913 Cường Để bí mật về Nam Kì. Giữa năm 1913 Cường Để trốn qua Hongkong. Chỉ một thời gian ngắn sau đó (tháng 6 năm 1913), cơ sở của Đông Du ở Hongkong bị cảnh sát Anh bố ráp do xưởng sản xuất vũ khí để nổ tạc đạn. Cường Để bị bắt giam vài ngày, sau đó nhờ Nguyễn Háo Vĩnh thuê luật sư mà thoát ra được và đi London. Các đồng chí khác cũng được thả và trục xuất về Nam Kì. Riêng Huỳnh Hưng, chủ nhà mà Đông Du sử dụng làm cơ sở, nhận hết tội về mình nên bị kết án chín tháng tù.

Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Háo Vĩnh dùng tên giả trốn sang London tìm Cường Để. Trong thời gian ở đây anh đã gặp và kết bạn với anh Paul Thành. Năm 1916 khi Thành đi Mỹ. Háo Vĩnh ở lại Anh, sau khi nhận bằng cử nhân ngôn ngữ, Háo Vĩnh trở lại Hongkong, rồi bị bắt ở đây và đưa về Nam Kì. Tòa án Sài Gòn kết Háo Vĩnh án tử hình, sau được tổng thống Pháp ân xá. Háo Vĩnh về quê ở với bố là Nguyễn Háo Văn một thời gian, đến năm 1923 Háo Vĩnh lại ra Sài Gòn làm báo và mở xưởng in. Năm 1928 anh còn bị bắt một lần nữa vì tội in truyền đơn. Cũng thời gian này, Gilbert Trần Chánh Chiếu bị Pháp bắt hai lần, năm 1908 (do có quan hệ với Đông Du) và năm 1917 (do tài trợ cho Phan Xích Long).  Trần Chánh Chiếu cũng tham gia dịch văn học (dịch Dumas) và sáng tác (truyện Lâm Kim Liên).

Từ khi lên Sài Gòn làm báo cho đến cuối đời, Nguyễn Háo Vĩnh làm chủ báo Nam Kì Kinh Tế Báo và Hoàn Cầu Tân Văn; làm chủ xưởng in Xưa Nay. Vốn thạo tiếng Anh, ông đã dịch sang chữ quốc ngữ kịch của Shakespeare (Hamlet, Romeo Juliet …), viết sách khoa học thường thức (Cách vật trí tri, Càn khôn lý học sơ giải …), viết sách lịch sử thế giới (Chuyện vạn quốc). Thi thoảng máu cách mạng dâng cao, ông còn bút chiến. Hà Hương Phong Nguyệt (sách hoa tình khiêu dâm đầu tiên bằng chữ quốc ngữ) bị ông đánh dữ quá nên chính quyền Pháp phải tịch thu mà đốt đi.

Là người yêu nước và yêu Cách Mạng Mỹ, và có lẽ nhớ người bạn tên Thành từ lúc chia tay nhau qua Mỹ, đến lúc này không biết ở đâu, ông Vĩnh đặt tên con gái là Nguyễn Triệu Ẩu và Nguyễn Háo Thạnh Đốn. Nguyễn Háo Vĩnh, nhân vật Đông Du kiệt xuất trong không gian hẹp, chết năm 1941 ở Thủ Đức. Ông chưa kịp biết anh Thành ngày xưa đã dựng nên ĐCS  từ tro tàn của Tâm Tâm Xã, một tổ chức phái sinh của Đông Du bên Trung Quốc. Ông không có cơ hội nhìn thấy ngày Độc Lập và người anh em thời Đông Du xa xưa của mình lên làm chủ tịch nước. Tất nhiên Nguyễn Háo Vĩnh không bao giờ có cơ hội đọc trước tác của Trần Dân Tiên. Một trăm năm sau khi em Vĩnh và anh Thành chia tay nhau ở London (1915-2015), hiện tượng Đông Du Miền Nam gần như đi vào quên lãng.

***

Những du học sinh đầu tiên, cũng là nhóm thanh niên Đông Du Miền Nam đầu tiên,  chủ yếu là con nhà giàu, hoặc cực giàu. Nhiều người là Minh Hương. Hai anh em Lâm Cần, Lâm Tỷ con ông Lâm Bình nhà cực giàu. Lâm Tỷ học tiếng Anh giỏi, sau đi London làm phiên dịch cho đức Cường Để.  Cùng đi còn có Đỗ Văn Y  làm phiên dịch tiếng Đức. Sau cả cả hai phiên dịch cùng qua Đức với Cường Để.

Cảnh sát Anh nhầm Joseph Thành với Lâm Tỷ (Lâm Văn Tú). Sự thực Joseph Thành là Háo Vĩnh, sau bị bắt khi từ Anh trở về Hồng Kông. Năm 1920, khi mật thám Pháp phát hiện ra Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Tất Thành, họ dò lại quan hệ của Thành với Đông Du ở London và đã nhầm Joseph Thành với Lâm Tỷ.

Huỳnh Hưng (Huỳnh Văn Nghi), đồng hương với hai anh em Lâm Tỷ, là người đưa các đồng chí Đông Du qua Hongkong để tổ chức kháng chiến theo kiểu bạo động, dẫn đến vụ nổ tạc đạn tại cơ sở do Huỳnh Hưng đứng tên thuê (là một tòa nhà 4 tầng lớn). Trừ Huỳnh Hưng bị kết án ở Hongkong, các vị còn lại bị đưa về Hà Nội cho Hội Đồng Đề Hình kết án. Nguyễn Thần Hiến chết trong tù Hà Nội.

Cùng quê với Lâm Tỷ còn có Trương Duy Toản. Từ London, Cường Để đi Đức cùng Đỗ Văn Y và Trương Duy Toản để mượn Đức (như từng mượn Nhật) chống lưng đánh Pháp. Từ Đức, Cường Để gửi thư cho chính phủ Pháp, cử Trương Duy Toản và Đỗ Văn Y đi Paris gặp Phan Chu Trinh. Lúc này Pháp Đức bắt đầu đánh nhau. Phan Chu Trinh, Trương Duy Toản, Đỗ Văn Y đều bị bắt, ra tòa và kết án tù.

Một số lá thư của Paul Thành gửi từ London cho Phan Chu Trinh sau khi ông này bị bắt, đã bị mật thám Pháp thu được. Sau 2 năm ngồi tù, được thả tự do, ai về chỗ cũ, Phan Chu Trinh ở lại Paris, Trương Duy Toản và Đỗ Duy Y bị đưa lên tàu chở về Sài Gòn. Sau một thời gian bị an trí ở Cần Thơ, Trương Duy Toản được Gilbert Chiếu đưa trở lại Sài Gòn làm nghề báo.

Trần Thị Quỳ, con gái Trần Phước Định, có thể coi là nữ du học sinh đầu tiên. Cô bị bắt ngay khi về đến Nhà Rồng (từ Quảng Châu, nơi lúc đó Phan Bội Châu đang sống, về Sài Gòn). Không bị kết án nhưng bị nguyệt –điểm (mỗi tháng đến trình diện một lần), cho đến năm 1913 cô tham gia Phan Xích Long thì bị bắt lần nữa. Chồng cô Quỳ là Huỳnh Hữu Chí, cũng là chiến sĩ Đông Du hoạt động ở Quảng Châu và Hongkong.

Trần Phước An đi Nhật theo Đông Du. Lấy vợ Nhật nên khi Nhật trục xuất Đông Du vẫn được ở lại. Khi Nhật đánh Trung Quốc, Trần Phước An đi theo quân đội Thiên Hoàng, tham gia thành lập Kiến Quốc Quân cùng chỉ huy Trần Trung Lập, đánh Pháp ở Lạng Sơn. Sau thất bại, một lần nữa nhờ có quốc tịch Nhật mà Trần Phước An thoát chết. Cuối cùng mật thám Pháp phải tìm cách ám sát Phước An ở Quảng Châu.

Tháng 8 năm 1916, chủ của tờ L’opinion ở Sài Gòn là Lucien Héloury mở thêm tờ quốc ngữ là Công Luận Báo. Cây bút chính của tờ này là Hồ Văn Trung, một phiên dịch công chức, và còn rất nổi tiếng với tên Hồ Biểu Chánh. Sau Hồ Văn Trung, vốn khéo léo tránh đối đầu với chính quyền thực dân và lách kiểm duyệt, cây bút sau sau của tờ báo là Cao Văn Chánh  thường viết bài  chống chính quyền và cứng rắn hơn Trung nhiều.

Cao Văn Chánh ra nhập tờ báo năm 17 tuổi. Cao Văn Chánh và Nguyễn Háo Vĩnh là hai nhà báo chính trị cứng đầu và là cặp bài trùng chống đối chính quyền Sài Gòn vào thời gian này. Khi Công Luận Báo có xu hướng chính trị và cổ súy tinh thần độc lập dân tộc mạnh mẽ hơn, một cây bút chính trị cứng rắn khác vốn chỉ viết tiếng Pháp là Tự Do (Huỳnh Văn Chính) về làm chủ nhiệm báo. Huỳnh Văn Chính vốn có tư tưởng nổi loạn khi còn là sinh viên Đông Dương Học Xá ở Hà Nội và bị đuổi học. Tự Do lập tức đưa Nguyễn Háo Vĩnh lên về làm chủ bút.

Công Luận Báo công khai chống lại thống đốc Nam Kì. Tháng 11 năm 1923, Nguyễn Háo Vĩnh mua lại tờ Nam Kì Kinh Tế Báo của bà Rose Quaintanne, rồi cùng Cao Văn Chánh (lúc này 20 tuổi và làm chủ biên) biến tờ báo thành cơ quan ngôn luận chống thực dân, tẩy chay hàng của người Hoa. Nam Kì Kinh Tế Báo cũng là tờ báo đầu tiên thúc đẩy nữ quyền.

Nguyễn Háo Vĩnh và Cao Văn Chánh là thế hệ nhà báo quốc ngữ thứ hai ở Sài Gòn. Sau Gilbert Trần Chánh Chiếu, Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh), Nguyễn Chánh Sắt và Lê Hoàng Mưu (tác giả Hà Hương Phong Nguyệt), thế hệ Háo Vĩnh bắt đầu từ bỏ đường lối ôn hòa để chuyển qua phản biện chính trị với văn phong trực diện và cực đoan hơn. Đối tượng độc giả mà họ nhắm vào là những người được giáo dục cao hơn , có ý thức chính trị hơn.

Đầu những năm 1920, chính quyền thực dân ở Sài Gòn có ý định cho một tập đoàn Pháp độc quyền đầu tư và khai thác cảng Sài Gòn trong một quãng thời gian 15 năm, hai tờ báo quốc ngữ có liên quan đến Nguyễn Háo Vĩnh và Cao Văn Chánh là Công Luận Báo và Nam Kỳ Kinh Tế Báo đã phản đối quyết liệt. Dự án độc quyền cảng Sài Gòn, còn được gọi là dự án Candelier (theo tên kiến trúc sư trưởng của dự án này) do Hội đồng quản hạt Nam Kì mà thực chất là do thống đốc Nam Kì lúc đó Maurice Cognacq rất tham lam tàn ác đứng bảo kê. Cognacq tham lam tàn ác theo nghĩa đen. Báo Pháp ngữ thời đó gọi tay này là thối nát. Dự án cảng Sài Gòn tóm tắt như sau. Hội đồng thương cảng (Conseil du Port) là một tổ chức hỗn hợp thay mặt nhà nước thuộc địa quản lý cảng Sài Gòn. Hội đồng này  cho một tập đoàn Pháp đầu tư và độc quyền khai thác Cảng và toàn bộ hai con kênh vận tải kết nối Cảng tới vùng Chợ Lớn (Kênh Tàu Hũ, nay chính là trục đại lộ Đông Tây). Toàn bộ chiều dài kênh khoảng gần 20 km (tính cả hai bên bờ sẽ khoảng 40km). Thời gian khai thác là 15 năm. Về cơ bản, nếu được phép đầu tư, tập đoàn Pháp kia sẽ độc quyền xuất nhập khẩu cho toàn bộ nền kinh tế Nam Kì. Báo chí Pháp ngữ và quốc ngữ chia phe chống và ủng hộ. Dần dần leo thang.

Các nhóm xã hội, từ nhà báo, dân buôn, tới trí thức cũng bị chia rẽ thành hai phe ủng hộ độc quyền và chống độc quyền. Chia rẽ lan dần tới giới chính trị. Hội đồng quản hạt Nam Kì cũng bị chia rẽ vì dự án đầu tư này. Cuối cùng luật sư Paul Monin qua Pháp vận động nghị viện Pháp bác bỏ giấy phép đầu tư của Hội đồng quản hạt Nam Kì cấp cho dự án Candelier. Cuộc chiến báo chí dữ dội xung quanh dự án độc quyền Cảng Sài Gòn đã đưa đẳng cấp báo chí quốc ngữ chống đối chính trị (đằng sau kinh tế) của  Sài Gòn lên một đẳng cấp mới. Cùng lúc nó khẳng định phẩm chất chính trị vượt ra khỏi tầm vóc thuộc địa của một trí thức du học Anh quốc trở về: Nguyễn Háo Vĩnh. Đồng thời giới thiệu cây bút trẻ Trần Huy Liệu và một ngôi sao độc đáo: Nguyễn An Ninh và tờ Chuông Rè La Cloche Fêlée (xem Trong Vỏ Hạt Dẻ Phần 1).

Từ một người hoạt động cho hội kín, Nguyễn Háo Vĩnh trở thành nhà báo chính trị ái quốc, chống thực dân bằng ngòi bút. Ở một đẳng cấp rất khác với người đương thời, ngòi bút của Háo Vĩnh chống thực dân không chỉ bằng cách gây dựng tự chủ dân tộc, thoát khỏi cái bóng Trung Hoa và hướng về Thái Tây (tức Châu Âu và trong đó có nước Anh ông đặc biệt ưa thích), mà còn đặt việc chống thực dân ở Annam vào bối cảnh và tầm nhìn chính trị quốc tế rộng lớn. Cây bút trẻ Trần Huy Liệu bắt đầu viết cho Nam Kì Kinh Tế Báo dưới sự dìu dắt của Nguyễn Háo Vĩnh. Khi cứng cáp hơn và nổi tiếng hơn nhờ tính chiến đấu, Liệu vào Sài Gòn và làm chủ bút Đông Pháp Thời Báo (1925). Ông Liệu này với ông Liệu ở đầu bài viết, hai ông là một.

Woodrow Wilson đắc cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1912. Ông là người miền nam, theo đảng Dân chủ, và có đường lối ngược lại chủ nghĩa thực dân mới (đế quốc Hoa Kỳ kiểu mới) của các tổng thống Cộng hòa trước đó(William McKinley, Teddy Roosevelt).

Trước đó các tổng thống Cộng Hòa đã chiếm các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, đánh nhau với dân bản xứ, cai trị họ trực tiếp (như ở Phillipines) hoặc gián tiếp (bằng can thiệp quân sự và ngoại giao pháo hạm) như ở các nước Caribe.

Cùng thời Wilson ở nước Nga là cách mạng của Lenin. Năm 1917, Lenin kêu gọi “giải phóng tất cả các thuộc địa”. Còn Wilson có bài diễn văn Fourteen Points chống lại việc các nước lớn đi chinh phục nước nhỏ làm thuộc địa. Bài diễn văn này nổi tiếng đến mức được sinh viên Trung Hoa thời đó dùng để học tiếng Anh.

Năm 1918, Thế chiến I kết thúc. Bốn đế quốc lớn sụp đổ. Thuôc địa của họ, lần đầu tiên trong lịch sử tự nhiên bơ vơ và được đặt dưới sự “ủy trị” của Hội Quốc Liên. Năm 1919, Hôi nghị Paris diễn ra. Các nước thuộc địa cử đại diện đến để gặp Wilson, vị cứu tinh của các dân tộc thuộc địa. Nhưng bọn tư bản đâu có ngu, từ Gandi (Ấn) đến Sa‘d Zaghlul (Ai Cập) đều bị ngăn cản đến Paris.

Năm 1916, “ông cụ”, sau khi học London Polytechnic, đã chuyển từ Anh qua Mỹ. Đây cũng là  thời kỳ Wilson làm tổng thống. “Ông cụ” ở New York  đến 1919, thì cố gắng quay lại Paris tham gia nhóm Phan Văn Trường. Và thế là, Nguyễn Ái Quốc, trở thành người duy nhất trong các nhà hoạt động cho các dân tộc thuộc đia đến được hội nghị, gặp được trợ lý của Wilson, đưa thỉnh nguyện thư. Tất nhiên Wilson chẳng bao giờ đọc, vì có biết Đông Dương ở quái đâu. Vả lại, Wilson chỉ lên tiếng đòi quyền tự quyết cho “các dân tộc thuộc địa” ở Đông và Nam Âu: Nam Tư, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary.

(Thực ra có một nhà hoạt động nưa gặp được Wilson, nhưng đó là là Jan Smuts, bản chất về sau chính là chính quyền da trắng ở Nam Phi.) Sau 1919, phong trào giải phóng dân tộc không còn là thỉnh nguyện lịch thiệp nữa, mà là bạo lực cách mạng. Đó là Cách mạng Ai Cập 1919. Ấn Độ cũng nổi dậy chống Anh cùng năm với phong trào bất bạo động. Triều Tiên đòi độc lập từ tay Nhật năm 1919 (Tam Nhất Vận Động). Phong trào Ngũ Tứ ở Trung Hoa, bắt nguồn từ thuộc địa của Đức ở Tàu bị trao cho Nhật, cũng nổ ra năm 1919. Mao lúc này còn trẻ lên tiếng chửi các cường quốc ở hội nghị Paris là đảng cướp, chỉ cốt kiếm chác tiền bồi thường chiến tranh và thôn tính đất đai.

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong nhảm và được gắn thẻ , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.