Phục hồi kinh tế và complexity

Đọc các ý kiến, giải pháp, đề xuất về “phục hồi kinh tế”, thấy nặng về hành chính, quy trình, bước nọ bước kia, sở này làm cái này, sở kia làm cái kia… trong khi lại không ai nói gì đến complexity và complex system.

Một thành phố lớn, đa dạng, và năng động như thành phố HCM, là một hệ phức hợp (complex system). Xét riêng kinh tế của thành phố, nó cũng là một complex system.

Mặc dù complexity mới trở thành một nhánh nghiên cứu chỉ vài chục năm qua, nhưng nó rất được quan tâm, vì nó rất thiết thực. Chỉ cần search một chút qua internet, ta sẽ thấy có complexity science, complexity economics, complexity theory…

Complex system có một vài đặc điểm chính, trong đó có self-organization. Tức là, để hồi phục một complex system như thành phố HCM, bao gồm cả kinh tế, xã hội, thì thay vì chăm chăm vào các biện pháp hành chính, chỉ thị, ra lệnh, kiểm soát, áp đặt,… thì nên tìm vài cái van tổng nào đó rồi vặn ra, sau đó cứ để complex system tự hồi phục, tự vận hành. Đó có thể là cái van tổng của chuỗi nguyên liệu-sản xuất-hoàn thiện-xuất khẩu; có thể là van tổng của chuỗi cung cấp dẫn đến hệ thống siêu thị, hoặc là chuỗi chợ đầu mối dẫn vào các chợ truyền thống.

Cứ mỗi tuần, mười ngày lại mở thêm một cái van, điều chỉnh tốc độ xả của nó tăng dần, còn thì complex system sẽ tự làm nốt phần còn lại.

*

Complexity theory có nguồn gốc từ Chaos theory, nhưng nó bắt đầu định hình từ công trình của nhà hóa lý gốc Nga tên là Ilya Prigogine. Lý thuyết, mà sau này mang đến cho Prigogine giải Nobel Hóa học, là về cấu trúc hao tán (dissipative structure) trong hệ nhiệt động học không có điểm cân bằng (Non-equilibrium thermodynamics). Về sau ứng dụng của nó rẽ sang các nhánh khác khá bất ngờ, như nghiên cứu giao thông, mạng lưới đô thị, thời tiết,… Lý thuyết này góp phần xây dựng các lý thuyết về hệ tự tổ chức (self-organization) và đặt nền móng cho complexity theory.

Một đóng góp nữa, là của Edward Norton Lorenz, nhà toán học và khí tượng học. Các mô hình dự báo thời tiết và khí hậu của ông cho thấy kết quả của hệ động và phức hợp rất nhạy cảm với điều kiện ban đầu (initilal condition); thay đổi điều kiện đầu vào một chút, kết quả sẽ rất khác. Một hành động nhỏ ban đầu có thể trở thành snowball và tạo ra cascade (nhưng điều này có cả tích cực và tiêu cực, chứ không chỉ là tiêu cực.)

Một đóng góp khác nữa là mô hình phân tách (model of segregation) của Thomas Schelling, một nhà kinh tế đoạt giải Nobel về lý thuyết trò chơi. Mô hình này được sử dụng trong social dynamics. (Dynamics là động học, tức là nghiên cứu các hệ có biến động theo thời gian, ngược với tĩnh học. Tĩnh học là các định luật kiểu như định luật Archimedes, động học là như phương trình chuyển động của Newton. Thành phố HCMC là một hệ động – dynamical system, để nghiên cứu nó phải dùng động học, chứ không phải dùng các thuật toán đa biến giải bằng phương trình vi phân đơn giản theo kịch bản này kịch bản kia.)

Complexity có ứng dụng rất lớn trong vật lý, hóa học, sinh học, não học, trí tuệ nhân tạo, thời tiết,… nói chung là vô vàn. Stephen Hawking nói: “Thế kỷ này là thế kỷ của Complexity”.

Một trong những lý do gần đây Complexity phát triển mạnh là vì dù chưa có lý thuyết toán đủ tốt để chống đỡ, bù lại có thể dùng máy tính để chạy giả lập, mà năng lực tính toán của máy tính thì mấy chục năm gần đây phát triển như vũ bão.

*

Complex system là một hệ, đại khái như sau: nó là một hệ động (dynamic system) có vô vàn các cá thể, các các thể tương tác qua lại và kết nối với nhau, các cá thể không độc lập mà phụ thuộc lẫn nhau, hệ có tính kết nối (connectivity) rất cao.

Các ví dụ về complex system hay được liệt kê ra, luôn có ví dụ về thị trường chứng khoán và dịch bệnh. Trước khi có Covid, ví dụ hay được đưa ra là bệnh SARS ở Hồng Công. Bệnh xuất hiện ở Hồng Công mà người bị lây xuất hiện ở tận Canada (như là hiệu ứng cánh bướm, vì thế giới có tính kết nối cao.)

Complex system là hệ có có ba đặc điểm chính: có kết nối qua lại giữa các cá thể và các phần khác nhau trong hệ (interconnectedness), không điểu kiển hay kiểm soát được (uncontrollable), cũng không dự báo được (unpredictable); nhưng có thể nhận biết cái gì sẽ xảy ra và tạo điều kiện cho nó xảy ra theo hướng tích cực. Vì:

Complex system là một hệ self-organization over time, nó tự vận hành, tự thử sai, tự sắp xếp, tự tối ưu hóa, tự tiến hóa, dù rất dễ đổ gãy (do tính kết nối chặt chẽ cao) nhưng lại có thể tự phục hồi. Nó có khả năng tạo ra nhiều điểm cân bằng (multiple equilibria), các điểm cân bằng này tự shifting theo thời gian.

Nó cũng là hệ emergence over scale, tức là từ nội tại của hệ sẽ đột ngột xuất hiện (đột sinh) các cấu trúc mới khi quy mô đủ lớn (Amazon, Grab,… và cả cách mạng Mùa xuân Ả rập cũng là cái đột sinh này).

*

Đại khái như vậy, nên việc phục hồi kinh tế ở HCMC sẽ không ai, dù là cá nhân nào, lãnh đạo nào, nhóm nào…, có thể chỉ đạo, ra lệnh,… cho nó phục hồi được. Cũng chẳng tính toán hay dự báo gì được, vì năng lực nghiên cứu và máy tính ở VN quá yếu, dữ liệu quá kém, giả định mà sai một tí, kết quả sai vô cùng, xem Lorenz ở trên. Tương tự như vậy, đề án phục hồi và mệnh lệnh hành chính đi kèm với nó đúng đắn hay sai lầm, sẽ dẫn đến các kết quả rất khác nhau. Ví dụ, một hệ phức hợp như nền kinh tế của thành phố HCM chắc chắn không có phân vùng địa lý hành chính. Việc “mở lại và hồi phục” nền kinh tế, nếu mở theo địa lý hành chính (các quận xanh mở trước), thay vì mở theo chuỗi giá trị, có thể sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Vậy nên, sẽ là hợp lý hơn nếu từng bước thả theo từng chuỗi giá trị, ở quy mô thành phố và liên tỉnh, cho nó tự hồi phục, tự tái tổ chức/sắp xếp… Vả lại, theo Occam’s Razor thì “giải pháp đơn giản nhất thường là giải pháp đúng đắn nhất.”

Từ phía chính quyền, lựa chọn không làm gì (chỉ buông tay) cũng là một lựa chọn. Chọn không hành động gì, cũng là một hành động. Và như thế có thể tốt hơn, thậm chí là tốt nhất. Bởi thành phố HCM, xét như một đại đô thị có kinh tế xã hội đa dạng, phức tạp và năng động, đã là Complex System từ lâu rồi, không ai giúp được nó, cứ thả nó ra để nó tự giúp mình, mới là lựa chọn tốt.

***

Thuyết “Không làm gì” của Lão tử

Từ đầu thế kỷ 20, triết gia Trung Hoa Phùng Hữu Lan và các đồng nghiệp đã cổ xúy việc đưa tuyệt chiêu của triết học phương Tây là môn “logic học” vào triết Trung Hoa. Dưới đây là cách Phùng Hữu Lan dùng logic (có lẽ là logic phân tích của Bertrand Russell) để phân tích triết học của Lão tử. Nhân việc hết HCMC sai lầm chi chít, lại đến HN mắc đúng ác sai lầm đó, chép lại cách phân tích này của Phùng Hữu Lan (và một vài diễn giải riêng), để mọi người đọc tham khảo cho vui.

Thái Nhất (太一), Hữu (有), Vô (無), Thường (常)
Thái Nhất là Đạo. Đạo sinh Nhất.


Lão tử viết:

Đạo khả đạo phi thường Đạo.
Danh khả danh phi thường danh.
Vô danh thiên địa chi thủy
Hữu danh vạn vật chi mẫu.

Thường là “thường hằng”, là bất biến, và cũng là khả biến. Vạn vật lúc nào cũng có thể biến đổi, nhưng vạn vật cũng mãi là như thế. Đây là quy luật tự nhiên.

Đạo mà gọi được, thì không bất biến, không phải là “thường” Đạo
Danh mà gọi được thì không phải là “thường” danh.

Vô danh là cái có trước cả trời đất (vũ trụ).
Hữu danh, tức là cái danh mà gọi được, là khởi đầu của vũ trụ, của vạn vật.[1]

Vạn vật, cũng gọi là vạn hữu. Như vậy vạn vật sinh ra từ hữu. Còn Hữu thì sinh ra từ Vô. Nhưng vạn hữu thì bắt đầu bằng Nhất. Đó là ý của Lão tử khi nói: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị Sinh Tam. Tam sinh vạn vật”.[2] Vô danh là mẹ của trời đất, Hữu danh là mẹ của vạn vật”.

Như vậy, hai câu đầu là về cosmology (vũ trụ luận), qua câu sau đã là ontology (bản thể luận). Rất gần gũi với Nhất nguyên luận và Bản thể luận của triết gia cổ đại Parmenides.

Lão tử còn nói thêm: “Thiên địa vạn vật sinh ư Hữu, Hữu sinh ư Vô“. Tức là vạn vật sinh ra từ Hữu, Hữu sinh ra từ Vô.

Rồi Lão tử nói: “Đạo thường, vô danh, phác[3] tức là: Đạo là giản dị, là mộc mạc, là chất phác nhất  (樸: phác).

Lão tử giải thích sự vận hành của Đạo: “Phản giả Đạo chi động“, nghĩa là “Trở về là cái động của Đạo”. Rồi còn nói: “Thệ viết viễn, viễn viết phản” nghĩa là “Đi là xa, xa là trở lại”. Đây là nguyên lý cốt lõi của Đạo. Ứng với cách nói dân giã của người dân Trung Hoa là “vật cực tắc phản”.

Nguyên lý cốt lõi này dẫn ra nhiều cách cai trị xã hội, điều hành đất nước.

Ví dụ như là phải biết “thường”.
* “Biết “thường” mới sáng suốt” (“Tri thường viết minh”).
* “Biết thường thì sẽ khoan dung. Khoan dung là công bình, Công bình thì bao quát. Bao quát thì lớn. Đó là Đạo. Đạo thì trường cửu. Dù thân có mất cũng chẳng hại gì.”[4]

Biết Thường cũng là “minh”. Lão tử nói là phải “tập minh:” tức là luyện tập sự sáng suốt; cách tập này phải bắt đầu từ những gì tương phản (như thời nay là nghe ý kiến lề trái, phản biện). Bởi: “Họa là nơi phúc dựa. Phúc là nơi họa nấp. Chính trở lại thành tà. Thiện trở qua thành ác”. [5] “Khiếm khuyết sẽ vẹn toàn. Cong sẽ thẳng. Trũng sẽ đầy. Cũ sẽ mới”.[6] “Bớt là thêm, thêm là bớt”. Những lập luận này rất giống particle/anti-particle.

Ví dụ nữa là “vô vi”. Lão tử nói “Lấy thiên hạ phải luôn dùng vô vi. Hữu vi không đủ để lấy thiên hạ.” Lão tử cũng nói: Thiên hạ đại loạn không phải vì có nhiều việc chưa được làm; mà là vì có quá nhiều việc được làm”.

Vậy nên “Thuyết vô vi” cho rằng “không làm gì, nhưng cái gì cũng được làm”, vì “Đạo không làm gì, mà qua nó cái gì cũng được làm. Vì đạo sinh ra vạn vật, nhưng nó không phải là vật. Nó không làm gì”.

Vô vi không phải là không làm gì, mà làm rất hạn chế, và phải “phác”. Tức là chỉ làm cái gì cần phải làm, và làm theo cách “thường”, tức là phải thuận theo quy luật của Đạo.

Làm vua (và biết “thường”, tức là “minh”) thì không làm gì, nhưng phải để dân làm những cái họ làm được.

Đây cũng là cái khác cơ bản về trị quốc của Nho gia và Đạo gia (giống như Dân chủ vs Cộng hòa). Nho gia chủ trương nhà nước làm tất. Đạo thì cho rằng nên làm ngược lại.Cách nhìn này rất giống cách nhìn hiện đại, nhà nước làm rất ít, chỉ làm những gì dân không làm được. Những gì dân/tư nhân làm được, để họ làm.


[1] Như là thăng giáng lượng tử, phải tình có một thăng giáng đã, thì sinh ra Big Bang, từ đó có không gian, thời gian, có vũ trụ, có vạn vật.

[2] “Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa.” Nghĩa là: “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa.” (Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ)

[3] “Đạo thường vô danh, phác. Tuy tiểu, thiên hạ bất cảm thần. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự tân. Thiên địa tương hợp, dĩ giáng cam lộ, dân mạc chi lệnh, nhi tự quân”. Nghĩa là: “Đạo thường không tên, mộc mạc. Tuy nhỏ, dưới trời không ai bắt được nó phải thuần phục. Nếu bậc vương hầu giữ được nó, vạn vật sẽ thuần phục; trời đất hòa hợp làm cho móc ngọt rơi xuống. Dân không phải sai khiến, mà chia đều nhau.” (Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ)

[4] Tri thường dung. Dung nãi công. Công nãi vương. Vương nãi thiên. Thiên nãi Đạo. Đạo nãi cửu. Một thân bất đãi.

[5] Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục. Thục tri kỳ cực. Kỳ vô chính.  Chính phục vi kỳ, thiên phục vi yêu.  Nhân chi mê, kỳ nhật cố cửu.

[6] Khúc tắc toàn; uổng tắc trực; hóa tắc doanh; tệ tắc tân; thiểu tắc đắc; đa tắc hoặc.

***

Nền văn minh Islam/Muslim

Trong chống dịch ở Việt Nam, nảy sinh rất nhiều vấn đề mà nếu ở phương Tây sẽ gây tranh cãi về đạo đức, luân lý. Bài này nói sơ qua về đạo đức và luân lý và logic. Ở cuối bài là một bài test xem trình độ logic của mọi người đến đâu.

Hôm nay là ngày kỷ niệm 20 năm nước Mỹ bị tấn công (nước Mỹ chưa bao giờ bị tấn công cả) và cũng là năm mà cuộc chiến 20 năm của Mỹ được cho là kết thúc. Câu hỏi mà người ta vẫn hỏi, liệu đó có phải là một cuộc chiến chính nghĩa (just war) hay không, cũng như người ta đã từng hỏi như vậy về cuộc chiến ở Việt Nam.

Để trả lời cuộc chiến chính nghĩa là gì, người ta cần dùng đến một bộ môn gọi là logic học, và kết hợp với morality và ethics (đạo lý và luân lý). Đạo lý, luân lý, đến lượt nó lại vận dụng rất nhiều logic. Một hành động thế nào là phải, là trái, là có đạo đức, là đúng luân lý, nó đòi hỏi rất nhiều biện luận logic.

Thế nào là một cuộc chiến chính nghĩa, cho đến nay người ta có rất nhiều quy định ở tầm quốc tế, thế nhưng về gốc gác, nó vẫn phải dựa vào lý luận của Thánh Thomas Aquinas (thế kỷ 13). Ông Thánh này có rất nhiều lập luận logic về nhà nước và chiến tranh (và về Thượng đế, tất nhiên). Ông nói: “Ta không tìm kiếm hòa bình để chịu cảnh chiến tranh, ta tiến hàn chiến tranh để có hòa bình”. Chiến tranh chính nghĩa, theo kết luận (logic) của ông Thánh này cần phải có vài tiêu chí, trong đó có tiêu chí đó phải là cuộc chiến có ngã ngũ (tức là đã đánh là phải thắng).

Cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông bị gọi là sa lầy, tức là hàm ý không chính nghĩa. Do đó khi nói về quyết định rút quân, người ta vẫn nói rút quân là ý chí (will) của lưỡng đảng và quốc hội Hoa Kỳ, và người dân Mỹ, nên không mấy ai phản đối. Họ chỉ phản đối cách rút quân. Địa danh liên quan đến rút quân là Kabul.

Các lập luận logic về chiến tranh của Thánh Thomas Aquinas là dựa trên logic học của một triết gia Islam tên là Avicenna (thế kỷ 10-11). Avicenna là tên latin hóa của tên ông này trong tiếng Arab là Ibn Sina. Ông này sinh ra ở Uzebekistan và sống cả đời ở… Afganistan và Pakistan. Cuối cùng thì các lập luận của học giả Afganistan này đã dẫn đến cuộc rút quân của Mỹ ở Kabul.

Avecinna không chỉ có ảnh hưởng đến logic học của Aquinas, mà còn đến Occam. Ai nhớ đến Occam’s Raze không, nó là phép logic rất quan trọng để gạt bớt các giả thuyết. Không chỉ gây ảnh hưởng ở Châu Âu đến môn logic, Avecinna còn là cha đẻ của y học hiện đại. Sách giáo khoa y học và phương pháp y khoa của ông được sử dụng ở châu Âu cho đến thế kỷ 18.

Nền văn minh Islam/Muslim (văn minh hồi giáo) có ảnh hưởng rất lớn đến Phục Hưng ở châu Âu, và ảnh hưởng đến làn sóng khoa học và triết học Paris thế kỷ 13.

Ngoài tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm” (cũng như các phong cách nghệ thuật tiểu họa) để lại dấu vết chi chít ở văn học nghệ thuật phương Tây, thì nền văn minh Islamic còn có những cải biến lớn về công nghệ. Thuốc súng và giấy là hai trong “tứ đại phát minh” của Trung Hoa. Nhưng chỉ đến khi được các nhà khoa học Arab cải tiến nó thành những thứ dễ sản xuất, dễ phổ biến, tác động nó mới lan ra ở tầm châu lục và sau đó là toàn cầu. (Thế giới hồi giáo thời kỳ vàng son từ thế kỷ 8-12 nó rất rộng lớn, nó bao phủ cả Bắc Phi và kéo lên tới tận Tây Ban Nha của Châu Âu. Sau khi nó suy tàn thì đến lượt đế chế Mông Cổ toàn cầu hóa bằng vô số cuộc chiến và sau đó là thông thương và hội nhập văn hóa.)

Ngoài công nghệ, thì toán học, hóa học, y học là những cống hiến rất lớn của thế giới Islam.

Chữ số ta đa đang dùng hiện nay (1,2,3,4…) trong tiếng Anh được gọi là chữ số Arab (Arabic numrals). Bởi nó thay thế số La Mã (VI, XII…: Roman numerals) mà châu Âu dùng trước đó. Gần đây người ta chứng minh được là gốc của nó là từ Ấn Độ, các nhà toán học Arab vay mượn, phát triển và du nhập nó vào châu Âu, nên nay nó được gọi là số Hindu-Arabic numerals.

Algorithm (Thuật toán). Từ này là phiên âm qua chữ latin của tên nhà toán học Islam tên là al-Khwārizmī (thế kỷ 8-9). Ông này cũng sinh ra ở Uzebekistan, và là cha đẻ của Đại số. Mặc dù đại số có gốc gác rất xa xưa, có thể là từ Cuốn 2 trong bộ Element của Euclid đến công trình Diophantus, nhưng ông al-Khwārizmī mới là người chính thức khai sinh ra nó bằng một cuốn sách giáo khoa về đại số. Tên cuốn sách này (cũng như tên các học giả Islam/Muslim thường rất dài) có từ “al-jabr”.

Chữ Al trong tiếng Arab, là mạo từ xác định như chữ The trong tiếng Anh. Rất nhiều thuật ngữ tiếng Anh hiện nay là từ Arab. Nó hay có chữ Al ở đầu (như Algorithm ở trên). Dưới đây thêm vài ví dụ.

+ Algebra (Đại số) chính là latin hóa chữ “al-jabr” nói trên.

+ Alchemy/Chemistry (Giả kim/Hóa học) là từ Al-Kemia chuyển thành Al-Chemy.

+ Alcohol (cồn/rượu) là từ Al-Kuhl

+ Admiral (Đô đốc) là từ Al-Miral

+ Magasin là từ Mahzan

+ Cafe/Coffee là từ Qahwah

+ Guitar là từ Quitar

+ Sugar là từ Sukkar

+ Traffic là từ Trafrik

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Kabul thì dấy lên vấn đề về việc chính phủ Mỹ tiếp nhận refugee từ Afganistan. Anh Hạo-Nhiên có lên BBC nói về việc tổng thống Mỹ thời 1975 (Gerald Ford) và sau đó (Jimmy Carter) tự quyết định tiếp nhận người tị nạn Việt Nam. Họ quyết định nhận, thay vì từ chối, dù nếu họ có từ chối thì dân chúng Mỹ có lẽ cũng không phản đối gì.

Quyết định của tổng thống Mỹ khi chọn phương án tiếp nhận người tị nạn thuộc về Đạo lý và Luân lý, xét theo nghĩa triết học logic của từ này. Và món này lại đòi hỏi rất nhiều logic học. Vì các lựa chọn, hành động và sự kiện phần nhiều là gây tranh cãi về đạo đức (làm thế là đúng, hay sai; động cơ hành động là đúng, hay sai; hệ quả của nó là đúng, hay sai).

Các vấn đề nóng trong xã hội hiện đại như: có nên trợ tử, có nên nhân bản vô tính, quyền động vật có hay không, quyền tự do ngôn luận có nên bị giới hạn, quyền tự do tín ngưỡng nên dừng ở đâu, quyền privacy được mở rộng đến cỡ nào… đều là các vấn đề luân lý và đạo đức. Để bàn sâu về nó, lại cần dùng đến logic học.

Tuy nhiên, chắc chắn một điều, khi lựa chọn một hành động, đó là lúc con người mới thực sự có cái gọi là “Free will/Ý chí tự do”. Các hành động và lựa chọn đúng đạo đức, hợp đạo lý sẽ được ý chí chung của nhân dân chuyển hóa thành luật. Ví dụ như Luật tị nạn Indochinese refugees của Hoa Kỳ hình thành sau quyết định của tổng thống Gerald Ford. Và nhà nước với hiến pháp, luật pháp, chia sẻ quyền lực nếu được xây dựng trên các cơ sở về Đạo lý và Luân lý được biện luận và biện minh chặt chẽ bằng logic, sẽ là nhà nước vững chắc.

Ở chiều ngược lại, như John Locke đã lập luận, quy luật đạo lý phải ngầm là nền tảng cho luật pháp và nhà nước; luật pháp và nhà nước mặc định phải bảo vệ cho các quy luật đạo lý; nếu luật pháp được ban ra, hoặc thực thi mà vượt quá quy luật đạo đức, người dân có quyền nổi dậy để chống lại. Ở Mỹ các phong trào đòi hỏi bình quyền nó nằm trong các lập luận logic như kiểu của John Locke.

Để tự kiểm tra suy luận logic của mình, mọi người thử làm bài tập này xem sao (tôi làm sai mất 1 câu): https://global.oup.com/us/companion.websites/9780199890491/student/chapter4/true_false/

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.