Một ngày đàng …

Lâu lâu đi làm những việc không phải việc của mình. Tự nhiên học thêm được nhiều điều lạ. Đúng là đi một ngày đàng học vài sàng khôn.

1. Nói chung là ở Việt nam thì gần như ai từ bé tí đến lúc lớn tướng kiểu gì cũng đọc báo nghe đài về Israel khá nhiều lần. Tôi cũng thế. Nhưng gần đây mới có bạn người Israeli. Thật bất ngờ là có nhiều điều về đất nước này mà mình hoàn toàn không biết, mà toàn là điều rất đơn giản. Ví dụ như weekend của họ là thứ 6 và thứ 7 và họ bắt đầu một tuần mới vào chủ nhật. Những người mang hộ chiếu Israel thì đương nhiên là không được vào các nước hồi giáo, kể cả Malaysia. Nhưng vào Indonesia thì lại được. Họ cũng phân biệt rất rõ Jewish và Israeli. Ví dụ như Einstein thì họ bảo là Jewish nhưng không nhận ông ấy là Israeli. Họ cũng bảo Bill Gates và Lenin là gốc Do thái. Họ hoàn toàn mù tịt về cây lúa nước của Việt nam.

2. Từ bé tôi đã đi Chùa Hương. Lúc còn bé tí đã được gặp động chủ Chùa Hương là hòa thượng Thích Thanh Chân. Cụ xoa đầu tôi và cho một quả chuối tiêu. Lúc đó Chùa Hương rất nghèo. Lớn lên một chút tôi lại hay được gặp thượng tọa Thích Viên Thành là học trò cụ Thanh Chân. Lúc đó thượng tọa còn là một thanh niên gầy gò, mắt sáng mũi cao, nhìn thoáng đã biết là cực kỳ thông minh. Lúc thượng tọa còn sống, mùng 3 Tết lên Thiên Trù bao giờ tôi cũng đến thăm thượng tọa. Phật tử xếp hàng dài ở cửa để được vào gặp thượng tọa, nhưng chỉ cần nhìn thoáng thấy tôi ở cửa sổ, thượng tọa vẫy tay cho vào trước.

Thượng tọa Thích Viên Thành theo phái mật tông, rất giỏi ấn chú. Cái này tôi biết từ trước rồi. Hôm bố tôi mất, thượng tọa biết tin sớm nhất và đến nhà tự tay lập bàn thờ. Hôm 35 ngày bố tôi, thượng tọa cử hai đệ tử giỏi nhất của mình là sư ông Giá và sư ông Kết đến làm lễ. Thượng tọa còn rất giỏi phong thủy. Có một cư sỹ là học trò ruột của thượng tọa về phong thủy nay rất nổi tiếng. Anh này nhận tôi làm …anh.

Thế nhưng hôm nay mới biết thượng tọa mấy năm cuối đời trình độ phật pháp đã lên tới đỉnh cao. Thượng tọa có thể gọi được thổ địa mảnh đất mình đang đứng lên nói chuyện phải trái. Về nguyên tắc thì phật pháp vô biên, thổ thần hay thủy quái mà có làm gì sai thì có thể quở trách ngăn cấm. Nhưng với lũ ma quỷ độc ác thì mỗi lần trấn trạch, người làm lễ trấn trạch có thể bị tổn thọ. Trước khi làm các lễ lớn trấn trạch cho cầu Hàm Rồng, sông Tô Lịch và đường Láng Hòa Lạc, Thượng Tọa biết làm các lễ này sẽ ảnh hưởng sức khỏe rất nhiều nhưng vẫn làm vì đây là việc đất nước. Sau đó vài tháng Thượng Tọa ốm nặng, hai năm sau thì mất.

—————

Mấy hôm nay dư luận lại ồn ào về việc sông Tô Lịch. Liền viết thêm một đoạn sau đây nữa về Mật Giáo và việc Hàn long mạch của Thượng Tọa Thích Viên Thành.

Mấy hôm nay thiên hạ xôn xao về vụ Trấn Yểm sông Tô Lịch, trong đó có nhiều ý kiến khác nhau về cố Thượng Tọa Thích Viên Thành. Vậy nên chỉ xin lưu ý mọi người một chi tiết thế này: Thượng Tọa không chỉ là sư trụ trì Chùa Hương mà còn cả Chùa Thầy nữa.

Chùa Thầy là chùa của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Chùa Thầy thực chất là một thảo am nhỏ của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sau khi ông hóa thì được upgrade lên thành chùa lớn.

Từ Đạo Hạnh vừa là tăng, vừa là pháp sư, vừa là Vua (Lý Thần Tông), vừa là Phật. Ông còn là tổ sư của nghề múa rối nước. Bản thân bức tượng cốt của ông ở chùa Thầy hiện nay cũng có hệ thống dây để cử động. Tuy Từ Đạo Hạnh không phải là Sư tổ của Thiền Tông Giao Chỉ nhưng cũng qua tận Tây Trúc để học phép. Khi về Việt nam, ông đọc 18 vạn lần câu kinh “Đại Bi tâm kinh đà la ni” thì Trấn Thiên Vương hiện lên ra mắt. Có khả năng là Từ Đạo Hạnh là một trong những lứa pháp sư đầu của phái Thiền tông Giao Chỉ.

Có thuyết nói Sư tổ của Thiền Tông là Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitarusi, Diệt Hỉ) người gốc Tây Trúc, tu ở chùa Dâu (Bắc Ninh). Vậy nên Thiền tông Việt nam còn có các tên gọi khác như Thiền Nam Phương hay Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi. Mọi người để ý là tượng Phật và tượng La Hán trong chùa Việt nam có nhiều vị mắt to, râu quai nón, da đen (rất khác mặt mũi dân Giao chỉ nhà mình). Cũng có thuyết nói thiền sư tu ở chùa Pháp Vân, Cổ Châu, Long Biên, Hà nội, nên có tên gọi là Thiền Pháp Vân

Thiền Tăng Tì Ni Đa Lưu Chi (Diệt Hỉ) tu ở chùa Dâu vào thế kỷ thứ 6. Trong khi thiền phái Mật Tông (gốc gác ở Tây Tạng) được người Ấn mang đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8 (sau chúng ta tới 2 thế kỷ).

Như vậy có khả năng phái thiền Mật Tông mà Thượng Tọa Thích Viên Thành là pháp sư đỉnh cao nhất gần đây KHÔNG PHẢI ĐẾN VIỆT NAM QUA CON ĐƯỜNG TRUNG QUỐC. Mà là đến trực tiếp từ Tây Trúc thông qua thiền sư Diệt Hỉ và thiền sư Từ Đạo Hạnh. Do Mật Tông không sử dụng kinh viết mà chỉ có làm lễ, ngồi thiền, niệm thần chú … cho nên chúng ta sẽ khó có thể biết Thượng Tọa học phép thuật như thế nào. Nhưng xác suất cao là có một cách bí mật nào đấy để truyền thế nào đấy từ thời Từ Đạo Hạnh đến nay. (Thượng Tọa có xuất bản một số sách, ai có điều kiện mà muốn tìm hiểu thì cũng nên đọc).

Thậm chí, nếu gạn lọc truyền thuyết, thì Mật Tông đã vào Việt Nam chúng ta từ thời Vua Hùng. Cặp vợ chồng nổi tiếng Chử Đồng Tử – Tiên Dung là những vị á thần có màu sắc Mật Tông rất nhiều.

Còn Cao Biền đến Hà nội là thế kỷ thứ 9. Có thể đoán là Cao Biền thời điểm đấy tuy là cao thủ ấn chú và phong thủy của vua Đường nhưng đến Việt Nam vẫn là trẻ con so với các pháp sư Giao Chỉ nhà mình, bị các cụ nhà mình lừa. Bản chất của việc lừa này là dùng một pháp sư Trung Quốc đóng cọc xây kinh đô cho triều Lý nhà mình về sau này. Việc đóng cọc trấn yểm xây thành này tất nhiên là mang tai họa cho người trấn yểm, các cụ lừa cho một chú Tàu khựa đóng hộ. Thật là cao tay. Cao Biền lúc về lại TQ báo cáo lên vua Đường. Vua vỗ đùi và bảo: chú ngu lắm, bị lừa rồi, anh dặn chú mãi rồi mà vẫn tinh tướng không nghe lời anh, anh khép chú tội chết. Nói xong sai tướng quân Tư Ngạn chém bép một cái. Hết đời thằng phù thủy.

Truyền thuyết có nói là Cao Biền cười diều giấy đi trấn long mạch của nước mình. Đến núi Tản bị Tản Viên Sơn Thánh tát cho mấy cái đuổi đi. Có thể sự thật là thế này: các pháp sư Giao Chỉ nhà mình hồi đấy hay họp ở Đền thờ Sơn Tinh. Cao Biền biết trình mình kém nên lọ mọ lên đấy xin học lóm, các cụ nhà mình biết tỏng bụng dạ nham hiểm của Cao Biền, liền tát cho mấy cái đuổi đi. Truyền thuyết bơm vá lên thành Sơn Tinh hiện lên tát.

Khi Cao Biền nhà Đường ở An Nam muốn yểm những nơi linh tích bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật đó. Biền đem thuật đó để tiến đại vương núi Tản Viên, thấy Vương cưỡi ngựa trắng ở trên mây nhổ nước bọt vào mà bỏ đi. Biền than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Cái vượng khí đời nào hết được!”Về mặt công việc thì Cao Biền chắc có trình độ thật. Cao Biền là người đầu tiên xây dựng đô thị đầu tiên ở Việt Nam (thành Đại La). Chính sách cai trị khá ổn. Lại còn lấy vợ bản địa (người Hà Đông) rồi truyền nghề dệt cho vợ. Vợ lại truyền cho dân. Dân mình hồi đó gọi Cao Biền là Cao Vương là vì thế, đại khái thấy người tàu mà tốt bụng, nên gọi là Vương cho nó thích. Còn các cụ pháp sư nhà mình có vision ác hơn, gí ngay cho quả trấn yểm Tô Lịch để xây thành Đại La, sau thành thủ đô của nhà Lý.Đến gần đây, dân xây dựng vốn ẩu, lúc thi công đúng đoạn trấn yểm, liền nhổ mẹ nó cọc trấn yểm lên. Thượng Tọa Thích Viên Thành phải ra tay hàn long mạch. Hàn xong thì Thượng Tọa ốm rồi mất. Chi tiết đại khái như sau: “Trấn trạch sông Tô Lịch là mùa hè 2001. Cao Biền giết 19 người, trói vào 19 cái cọc, để làm bùa. Để trấn trạch sông Tô Lịch, Thượng Tọa phải quy tụ mấy trăm sư về chùa Thầy tụng kinh 21 ngày. Sau đó mới ra Tô Lịch lập đàn thất tinh. Trước khi lập đàn, vẫn còn tai họa. Một người mang cá ở Chùa Thầy ra sông Tô Lịch để phóng sinh, trên đường đi bị xe ô tô đâm chết. Cái ô tô này còn đâm thêm mấy người nữa. Công an ra lập biên bản, bị xe khác đâm chết luôn. Hôm lập đàn thì Thượng Tọa và sư ông Thủy làm lễ. Ông Minh Bạo tính bát quát. Làm lễ xong thì bát quái tính vào cung Cấn. Thượng Tọa thấy bào cung Cấn biết là mình đoản thọ (vào cung Khảm thì sống). Sau đó Thượng Tọa mất. Ông Minh Bạo ốm đếnn hè vừa rồi mới khỏi. Sư ông Thủy hiện vẫn ốm nặng. Cuối năm vừa rồi tôi lên Chùa Thầy không gặp được ông vì ông nằm mệt ở trong nhà.”Lần cuối tôi vào thăm Thượng Tọa là ở bệnh viện. Thượng Tọa nằm quay lưng ra ngoài, tôi không được nhìn mặt. Lần cuối cùng gặp mà có nói chuyện là ở chùa Đỏ. Thượng tọa, theo thói quen, nhìn qua cửa sổ thấy tôi, vẫy tay bảo: anh vào đây. Nhưng cả buổi hôm đấy gần như không nói được gì với Thượng Tọa vì thượng tọa đang bận lớp Hạ.Có nhiều người nói Thượng Tọa có hai cái Mercedez. Tôi thấy buồn cười. Vì Thượng Tọa chỉ có một xe, và là Toyota lọai tốt chứ không phải loại sành điệu. Thượng Tọa có rất rất nhiều tiền , nhưng là tiền của Chùa Hương, Thượng Tọa không bao giờ dùng vào việc riêng.Không biết ông Cường xây dựng kia tự nhiên đăng báo một loạt là có mục đích gì. Nhưng nó là sự kiện để chúng ta quan tâm hơn đến phong thủy của Hà nội. Nó cũng làm chúng ta lờ mờ nhận ra một điều là người Việt Cổ của chúng ta đã sớm đón nhận và tiếp thu Thiền và Mật Tông sớm hơn Trung Hoa và Nhật Bản rất nhiều. Trình độ của các pháp sư người Việt cổ cũng cao hơn Trung Hoa nhiều. Đáng tiếc là thiền phái nổi tiếng nhất (trong 8 phái Thiền Tông ở Việt Nam) cho đến nay lại là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vốn là một thiền phái bị ảnh hưởng nhiều từ các pháp sư Trung Quốc. Không biết nhân sự kiện trấn yểm sông Tô Lịch và sự hy sinh của Thượng Tọa Thích Viên Thành có làm chúng ta quay lại nghiên cứu và tái phát triển một thiền phái Giao Chỉ tinh tuyền của người Việt cổ (tức là Thiền phái Pháp Vân của sư tổ Tì Ni Đa Lưu Chi ) hay không.

* Chú thích:

Các pháp sư Giao Chỉ tại sao phải lừa Cao Biền, và lừa như thế nào:

Cao Biền là con nhà dòng dõi, văn võ song toàn, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, quan hệ rộng với giới trí thức lúc bấy giờ.Ông được vua Đường cử làm Tiết độ sứ cai quản đất Giao Châu trong 9 năm.Đất Giao Châu khi đó đang ở thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ 2. Rất may mắn là trước đó chúng ta đã trải qua một thời kỳ tuy ngắn nhưng rực rỡ của nước Vạn Xuân – Lý Nam Đế. Chúng ta đã có nước riêng, bờ cõi riêng, và vua của riêng mình.Trong thời kỳ bắc thuộc lần thứ 2, tuy là sống ách nô lệ, nhưng khát khao xây dựng một thủ đô riêng cho chính mình, nơi ấy có long mạch vượng được cả ngàn năm, vẫn là khát khao âm thầm mà mãnh liệt trong lòng trí thức đỉnh cao hồi đấy. Mà trí thức đỉnh cao hồi đấy thì rõ là các pháp sư ảnh hưởng mạnh của phái Mật Tông rồi.Đặc biệt là thời kỳ trước khi Cao Biền qua làm Tiết Độ Sứ, quân Nam Chiếu hàng chục năm trời tấn công hòng chiếm đọat Giao Chỉ từ tay nhà Đường. Lưu ý Nam Chiếu, tiền thân của vương quốc Đại Lý, là một vương quốc mà từ trên xuống dưới theo Phật Giáo Mật Tông.

Tức là Nam Chiếu hẳn đã nhìn thấy đất Giao Chỉ có địa linh nhân kiệt, phong thủy cực đẹp, nên mới kiên trì đánh chiếm như thế.

May mắn là sau đó Cao Biền đánh bại được Nam Chiếu. Đánh xong Nam Chiếu, chắc ông cũng nhận ra lý do tại sao Nam Chiếu có tham vọng chiếm Giao Chỉ. Và ông âm thầm xây dựng một cái gì đó cho riêng mình. Chính cái mộng chiếm đọat Giao Chỉ đã bị lây từ Nam Chiếu vào lòng Cao Biền như vậy. Sau tham vọng này bị lộ, Cao Biền bị gọi ngược về Trung Hoa, để lại một lực lượng quân đội đang xây dựng dở dang mà sau này được truyền thuyết hóa thành đội quân âm binh Cao Biền dậy non.

Trong 9 năm ở đất Giao Chỉ, Cao Biền đã có hành vi ứng xử tốt với dân sở tại. Dạy dân làm nghề. Trừng trị tham nhũng. Xây dựng đô thị. Giấc mộng làm vương đất Giao Chỉ của ông đã được hiện thực hóa một phần khi dân Giao Chỉ gọi ông là Cao Vương.

Tất nhiên là những gì Nam Chiếu và Cao Biền nhìn thấy ở Giao Chỉ thì các pháp sư Giao Chỉ cũng thấy, thậm chí còn thấy rõ hơn, xa hơn.

Các pháp sư của chúng ta đã nhìn thấy đất Thăng Long có địa thế đẹp thế nào, Bạch Long, Thanh Hổ ra sao. Các pháp sư của chúng ta quyết định phải xây dựng một đô thị mới ngay trên đất Thăng Long ở bên này sông Nhĩ Hà (thời Vạn Xuân kinh đô của chúng ta ở bên kia sông Hồng) thì mới trường tồn được.

Thế là các cụ nghĩ ra cách mượn sức Cao Biền để thực hiện ý mình. Hằng ngày các cụ pháp sư họp ở đền Tản Viên. Cao Biền có biết các cụ họp, nhưng tưởng chỉ oánh tổ tôm xóc đĩa, nên thi thoảng ghé qua chơi để khoe trình pháp thuật và học mót các cụ. Các cụ toàn đuổi Cao Biền đi. Sau này truyền thuyết hóa thành Đức Thánh Tản mắng chửi Cao Biền.

Thành Đại La trước thời Cao Biền đã có, nhưng nhỏ và dở dang. Cao Biền tự mình cũng nhận ra đây là đất đẹp nên quyết tâm xây cho hoàn chỉnh. Các cụ pháp sư nhà mình quyết không để cho Cao Biền tự xây theo ý mình. Cao Biền xây đến đâu đêm các cụ cho người phá đến đấy. Cao Biền lo lắng đến tột đỉnh. Thế là các cụ đóng kịch, giả làm thần Bạch Mã, cưỡi ngựa trắng chạy đi chạy lại theo đúng vết quy họach theo ý các cụ. Cao Biền cứ thế xây theo, các cụ không sai người phá nữa (đúng ý rồi mà). Thế là xây được thành Đại La, lại còn thêm được đền thờ thần Bạch Mã (chính là thờ các cụ). Mọi người thấy các cụ giỏi chưa.

Sau đó các cụ thấy đất Đại La vẫn còn bị thoát khí. Phải trấn yểm để giữ vượng khí ở lại trong vùng đất giữa sông Tô Lịch và sông Nhị Hà, cụ thể là tụ vào khu Hoàng Thành. Các cụ tính toán một hồi thấy phải trấn yểm vào đúng chỗ sông Tô Lịch mà báo chí đang um lên mấy hôm nay. Tuy nhiên các cụ không tự ra tay trấn yểm được. Nên lại dùng mưu, rình một hôm Cao Biền đang đi thuyền du lịch trên sông Tô Lịch, các cụ lại đóng kịch làm thần Long Đỗ hiện ra. Thế là Cao Biền lại dựng đền thờ Long Đỗ và đóng cọc trấn yểm.

Sau này Cao Biền ngồi nghỉ ngơi uống rượu, bỗng trong óc có cái đèn dầu lạc lóe ra một phát, vỗ đùi đứng dậy than là bị các pháp sư Giao Chỉ mượn tay mình làm lợi cho người. Cay lắm, mới đi trấn yểm để phá. Nhưng Cao Biền phá thì các cụ hóa giải. Việc này sau truyền thuyết hóa thành bà cụ già đốt béng 100 nén hương của Cao Biền trong một ngày.

Sau này vua Lý, vốn được phái trí thức Mật Tông hậu thuẫn, đã ra chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

Lưu ý là vua Lý Thái Tổ sinh ra ở Chùa Cổ Pháp, được sư Lý Khánh Văn nhận nuôi, đặt tên là Lý Công Uẩn. Sau này anh của Lý Khánh Văn là sư Vạn Hạnh hậu thuẫn cho vào triều đình làm quan triều Lê. Sau Lê Long Đĩnh tàn ác, sư Vạn Hạnh hậu thuẫn Lý Công Uẩn lên làm vua.

Sư Vạn Hạnh là một trong những thiền sư mật tông dòng Tì Ni Đa Lưu Chi nổi tiếng nhất thời kỳ đó. Danh tiếng của ông về sau này ngang ngửa với thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Sau khi lên làm vua, Lý Công Uẩn cho người xem lại phong thủy của Thăng Long. Thấy cần lập trận đồ bát quái một lần nữa để tái trấn yểm cửa Tây thành Thăng Long. Đúng vào chỗ Cao Biền trấn yểm ngày xưa. Việc trấn yểm này có thể dùng cả hiến sinh người sống nên sau này được truyền thuyết hóa thành truyện ông Dầu bà Dầu. Chính có lễ trấn yểm lần hai mà giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhầm nên cho rằng đây là trận đồ của nhà Lý chứ không phải của Cao Biền.

Xem tiếp:

+ Phần II: Thiền Tông Giao Chỉ

+ Phần III: Phong Thủy Thăng Long

+ Phần IV: Nguồn gốc của Phong Thủy và Kinh Dịch.

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong đạo và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

9 Responses to Một ngày đàng …

  1. When nói:

    Đọc bài này em thấy sướng quá! Em rất rất thích những chủ đề trong bài viết của anh, từ kinh dịch, phật pháp, cho đến những sự kiện thật sự nằm sau các truyền thuyết, trải dài theo dòng lịch sử của tổ tiên ta. Tiếc là em kiến thức nông cạn, chưa tìm hiểu đc nhiều, và cũng ko thực sự biết phải bắt đầu từ đâu.

    Anh có thể cho em biết anh tìm hiểu về những điều này qua những nguồn tài liệu nào đc ko ạ? Theo em đc biết thì ko phải sách sử nào cũng đang tin cậy, chưa kể nhiều bộ sử ngày nay còn bị ảnh hưởng nhiều của Tàu, họ thay đổi nó đi vì mục đích của riêng họ. Mà cũng có thể, nên đọc từ tất cả các phía, rồi tự rút ra cho riêng mình? Nhưng như vậy em lại quay lại với câu hỏi phải bắt đầu từ đâu, vì bây giờ sách sử là vô vàn.

    Bài viết của anh tạo cảm giác khách quan, đáng tin cậy, kiến thức sâu và mở ra thêm nhiều hướng kiến thức mà em thực sự quan tâm. Vì vậy em cũng muốn đc đọc những tài liệu anh đã đọc, hay hơn nữa, học đc cách anh tiếp thu kiến thức.

  2. cảm ơn anh về bài viết 🙂

  3. Có chỗ em chưa hiểu lắm, là Phật giáo lịch sử bắt đầu từ Thích Ca Mầu Ni, khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Thời vua Hùng của chúng ta Nhà nước Hồng Bàng 2879 TCN-258 TCN, mà Mật Tông thì xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 5-6 Sau CN. Mà anh nói Mật Tông có thể xuất hiện từ thời Vua Hùng, chỗ này anh giải thích cho em được không?

  4. NH Công nói:

    Em chỉ có một thắc mắc nhỏ, TS Từ Đạo Hạnh mất năm 1116, còn Vua Lý Thần Tông thì năm đó mới sinh?

  5. Hạnh Nguyễn nói:

    Thầy tôi là 1 nhà sư và hiện nay vẫn bắt ma chữa tà để cứu người. Nhưng xung quanh chuyện đó có rất nhiều quan điểm và nhiều bàn tán. Tôi luôn muốn tìm tài liệu xung quanh vấn đề này để tìm hiểu thêm (ko dám nói là hiểu hết) về mật tông và tôi đọc được blog của bạn. Tôi thât khâm phục khối kiến thức và cách viết ngắn gọn và logic của bạn. Tôi đã copy nguyên cả chuỗi 4 entry và in ra cho Thầy tôi đọc. Tôi đã biết bạn là ai và biết bạn rất bận, nhưng nếu như 1 ngày nào đó bạn có thời gian, tôi muốn mời bạn gặp Thầy tôi và chúng ta cùng trò chuyện.

    Bạn có thể cho tôi xin tên 1 vài đầu sách về Mật tông mà bạn đã đọc qua và thấy đáng tin cậy để tôi đi tìm mua ko?

    Cảm ơn bạn rất nhiều.

  6. Xu béo sợ nhất có người bảo “biết 5xu là ai rồi nhé”. Cứ như là gián điệp bị lộ.

    Contact của Xu ở đây, bạn Hạnh Nguyên có thể liên lạc: https://5xublog.wordpress.com/contact/

  7. Hạnh Nguyễn nói:

    Một câu hỏi rất muốn bạn trả lời giúp, bạn có thể cho tôi biết bạn có nghiên cứu về CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỮA TÀ TRONG MẬT TÔNG ko? Những gì có thể xảy ra khi chữa TÀ? Tôi rất chờ thông tin từ bạn. Xin cảm ơn.

  8. Cua Hồng nói:

    tế sống à? vậy các vị ấy tu cái gì nhỉ?

Đã đóng bình luận.