Không ổn

Dịch diễn thì biến liên tục, cách chống dịch, nói đúng hơn là cách tiếp cận cứng nhắc và không theo kịp dịch.

Lúc đầu dịch, bùng phát lốm đốm, phát hiện F0, truy vết F1, F2, cách ly tập trung, thì còn ổn.

Nhưng dịch kéo dài, nguồn lực chống dịch có hạn, nhân lực chống dịch có hạn, hệ thống chỗ yếu chỗ kém. Mỗi ngày cả ngàn ca F0, mà vận dụng nguồn lực đang kiệt sức dần, để làm một công việc có khối lượng tăng dần. Và cũng bất khả thi. Vài ca F0 mỗi ngày thì truy vết được, chứ hàng ngàn ca thì truy vết làm sao. Vài trăm F1 thì cách ly tập trung được, chứ hàng vạn F1 thì phải cách ly phân tán chứ. Chưa kể các định nghĩa về F1 quá mơ hồ, hai người lạ vô tình đi qua nhau, người kia F0 người này trở thành F1.

Tiêm chủng cần ưu tiên, làm nhanh nhất trong khả năng, chứ không cần thần tốc. Xét nghiệm diện rộng, tự nó đã bao hàm phải có rất nhiều điểm xét nghiệm trên địa bàn rộng. Chứ không phải xét nghiệm diện rộng là kéo “diện rộng” đến vài điểm xét nghiệm tập trung. Cái gì hệ thống (hạ tầng, nhân sự, logistics) không làm tốt được, thì đừng làm còn hơn. Xét nghiệm để ai biết mình vẫn còn âm tính thì phải tiếp tục giữ gìn, và đi kiếm ăn nếu có thể. Ai dương tính mà chưa có triệu chứng (vì có triệu chứng thì cần quái gì xét nghiệm diện rộng) thì tìm các mà tự cách ly, ít nhất là không để lây cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác. Cho đến khi có triệu chứng thì đi “cấp cứu”. Bệnh viện là tuyến cuối, không phải tuyến đầu, cho nên cần bảo vệ tối đa, nhưng không được vì vài ca F0 là phong tỏa. Tuyến cuối mà lại phong tỏa thì bệnh nhân đi đâu?

Hô hào 4.0 bao lâu, mà mobile payment chả thấy đâu, vẫn dùng tiền mặt, quá kinh. Truyền thông 4.0 vẫn chỉ là nhắn tin, và xin tiền đóng góp. Lưu thông hàng hóa và lao động là máu của nền kinh tế, mà nay phải có giấy thông hành như thời chiến, thậm chí có tỉnh cấm ra cấm vào. Khoảng 70-80 triệu người hàng ngày phải đi làm (từ công nhân đến bán rau), không đi làm là chết. Mà đi làm của người lao động, là phải đi nhiều cây số từ nhà đến chỗ làm (chỗ bán rau). Càng cản trở việc này, càng rối ren, tiêu cực,… càng không hiệu quả chống dịch (chưa kể còn mục tiêu kép nữa mới mệt).

(Chưa kể chống dịch như chống giặc, biến F0 thành việt gian, kẻ thù, F1 là tiếp tay cho địch, phải bắt, phải hốt, phải cách ly khỏi cộng đồng,… bất chấp họ cũng là người dân lao động, hiền lành như bao người dân khác.)

*

Cập nhật thêm vài ý

*

Tĩnh tọa thường tư kỉ quá

Nhàn đàm mạc luận nhân phi

靜坐常思己過

閒談莫論人非

Ngồi một mình ngẫm xem mình có sai trái gì không Buôn dưa lê đừng nhắc đến lỗi của người vắng mặt

Hôm nay ngồi một mình, đọc bài anh Giang Lê (rất đáng đọc, share phía dưới), và ngẫm về người luôn vắng mặt là cp.

Hai hôm nay triển khai chống dịch ở HN có những cái sai lầm y như HCM cách đây vài tuần?

Tổng kết thử những sai lầm chính.

1. Dịch bệnh là một dạng thảm họa thiên nhiên. Không ai chiến thắng được thảm họa thiên nhiên. Chỉ có chống đỡ sao cho tổn thất ít nhất.

2. Chống dịch chỉ có một cách: tin vào khoa học công nghệ. Từ khoa học công nghệ chế ra vaccine, đến khoa học quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

3. VN có hơn một năm, nhờ nỗ lực và may mắn, gần như thoát dịch. Thế mà không dùng thời gian đấy để chuẩn bị. Không có một khoản ngân sách nào để dành riêng ra đùng cho mua vaccine, mua vật tư y tế, đào tạo hệ thống y tế dự phòng.

4. Không đàm phán, vận động mua vaccine. (Đến nay vaccine về VN chủ yếu là viện trợ khẩn cấp của Mỹ, Nhật). Thuốc điều trị, là cái tương đối dễ mua, cũng không mua. Nay đợi lô Vingroup mua tặng.

5. Không chuẩn bị hạ tầng tiếp nhận vaccine, hạ tầng phân phối vaccine. Không có kế hoạch tiêm chủng. Không có tập huấn tiêm chủng.

6. Hệ thống y tế lẽ ra phải là tuyến cuối, không được để vỡ, thì lại bắt lên làm tuyến đầu. Hơn một năm trời y tế làm tuyến đầu, họ kiệt sức, đến lúc bùng dịch thì hoàn toàn không còn sức để cứu dân. Toàn bộ sức lực và vật tư y tế tung vào việc truy vết, cách ly. Hơn một năm trời phá sức của lực lượng “tuyến đầu” như thế.

7. Nếu là chống ngoại xâm, mất nước thì ai cũng mất, quan cũng mất và dân cũng mất. Còn chống dịch nó khác, nhân viên y tế lây nhiễm, dân phòng lây nhiễm, cán bộ phường quận lây nhiễm, người dân lây nhiễm (và chết). Giới “chiếu trên” tiêm vaccine, an toàn rồi, ngồi phòng máy lạnh hô hào nhân dân chống dịch. Chống dịch bằng sức khỏe (và tính mạng) người khác?

8. Giai đoạn đầu chống dịch may mắn thành công, thì ngạo nghễ, nhận công về mình. Tâm lý chủ quan, quá nhiều hoạt động đông người diễn ra, bất chấp quy định giãn cách y tế. Lúc toang thì đổ lỗi cho nhân dân thiếu ý thức, đổ lỗi cho địa phương, đổ lỗi cho tư bản giành mua hết thuốc, đổ lỗi cho tất cả những gì ở dưới, ở xa, ở ngoài hệ thống.

*

Các nhà nhân học (anthropologist) và các nhà đô thị học (urbanist) từ lâu đã phê phán các nhà quy hoạch và các chính quyền đô thị ở một điểm: họ nhìn toàn bộ cư dân đô thị như một khối đồng nhất (homogeneous). Dân đô thị là đa dạng, phức tạp nhất, thiên hình vạn trạng. Nên chính sách, nhất là chính sách lúc nguy nan, phải cực kỳ linh hoạt, thay vì quá cứng nhắc và nhất quán áp dụng cho mọi đối tượng.

Đô thị hóa, nghĩa là người dân ở quê kéo ra thành phố kiếm ăn. Họ thuê cái nhà bé tí, hoặc ở chung. Cả ngày họ ở ngoài đường để kiếm ăn. Nôm na là dân quê ra đô thị để ở ngoài đường, chứ không phải ra để nằm nhà. Nằm nhà là chết đói. Giãn cách là nằm nhà, mà vẫn phải trả tiền thuê, tiền điện, tiền ăn. Nên họ buộc phải tìm cách về quê. Vậy thôi.

Trong cuốn binh pháp Ngũ Luân Thư, kiếm thánh Musashi nói cần phải biến mình thành kẻ địch, để hiểu nó.

Chống dịch ở VN có những cái hơi dị, thay vì đặt mình vào con virus để xem nó sẽ làm gì. Thì lại cứ nghĩ là con virus nó giống mình. Virus nó lây nhiễm hoàn toàn không theo địa giới hành chính; nhưng chống dịch lại theo địa lý hành chính hehe. Phường bị nhiễm thì quây cả quận, bất kể việc cái phường này nó nằm sát quận hàng xóm, và xa các phường khác của quận nhà hehehe. Đây là ví dụ về tư duy hành chính ăn quá sâu trong suy nghĩ của chính quyền và tác hại của nó.

Trước mắt, bộ tâm linh nên chỉ đạo toàn dân cầu trời khấn phật, thổ thần thổ địa… để không có lũ lụt (và các thiên tai khác) xảy ra trong những tháng tới. Chứ Covid tan hoang thế này, ăn thêm quả lũ lụt nữa, thì chỉ chết dân nghèo.

*

1) Bao giờ ông từ chức?

2) Theo các lý thuyết của các nhà nghiên cứu xã hội học về complexity [tính đa phức] của xã hội hiện đại, trong đó các đô thị đa phức [complex city] là một “cơ thể” có sự vận hành và tự tiến hóa, tự sắp xếp rất phức tạp. Nó còn có kết nối vùng miền và quốc tế rất chặt chẽ. Cái lợi của xã hội kiểu này thì rõ rồi. Nhưng cái hại là hệ thống này nó liên kết chặt chẽ và tương đối tối ưu, nên khi có biến động mạnh là đứt gãy. Vậy nên các nước như Mỹ họ phân ra lực lượng lao động thiết yếu cần được bảo vệ và duy trì: lái xe tải, shipper, thợ điện, thợ nước, nhân viên y tế cấp thấp, cứu hỏa…. Vậy HCMC và VN có cái này chưa. Nếu chưa thì bao giờ có?

3) Nếu coi đây là cuộc chiến chống lại virus thì cần rất nhiều người có kinh nghiệm thực chiến, thực địa để tham mưu cho chính quyền. Ít ra để tránh cách mệnh lệnh, quy định,… tự mình gây khó cho mình. Vậy thành phố, chính phủ, đã mời những ai ở những lĩnh vực nào tham gia.

Câu hỏi đầu tiên hoàn toàn không phải câu hỏi khiêu khích. Lần nào được đặt vấn đề “gửi câu hỏi cho lãnh đạo” mình luôn có câu hỏi này. Nó rất nghiêm túc. Giống như là mình suy nghĩ nghiêm túc về cái chết, thì mình mới sống tử tế được. Lãnh đạo suy nghĩ nghiêm túc về việc lúc nào và tại sao họ phải từ chức, thì họ mới làm việc tử tế được.

*

Ngôi nhà của Matryona (Матрёнин двор)

“…nếu không có những con người ấy thì chẳng làng mạc nào, chẳng thành phố nào, thậm chí cả thế gian này, có thể tồn tại được”

Báo chí đưa tin về những phụ nữ miền nam tương đối xoàng xĩnh (làm ăn buôn bán), kiếm tiền ngày nào, chiều đem phát hết cho đồng bào chạy dịch, dù không quen không biết không đồng hương không đồng cảnh.

Truyện ngắn “Ngôi nhà của Matryona” đại khái kể về những người phụ nữ như vậy. Người dẫn chuyện, là một người đàn ông, vì lý do gì đó bị đi đày ở Gulag, ra tù, anh xin việc làm thầy giáo ở một vùng quê hẻo lánh. Lúc đó là hậu chiến, làng quê đó là vùng mỏ xa xôi, gần như bị gạt ra bên lề của nước Nga Xô Viết.

Anh đến ở trọ nhà của bà già Matryona. Đó là một bà nông dân nghèo, sống một mình, lâu lâu trái gió trở trời lại ốm đau. Con cái bà chết hết vì ốm đau dịch bệnh. Chồng vào Hồng Quân và không trở về. Bà hết tuổi đi làm Nông trang, ở cái vùng khỉ ho cò gáy ấy, bà cũng bị gạt ra bên lề của bên lề. Không lương hưu, không trợ cấp, không tiêu chuẩn lương thực, chất đốt. Bà sống như thế qua mọi mùa đông.

Bà nông dân Nga ấy nghèo đói nhưng mạnh khỏe về cả thể chất và tâm hồn. Bà con, nông trang, bạn bè, hàng xóm đều là dạng tiểu nông tham vặt, ranh ma; họ lợi dụng bà đi làm không công cho họ việc gì đó. Bà làm hết, và làm hết mình.

Dần dà, bà Matryona bộc lộ cho anh chàng ở trọ kia những phần khác của tâm hồn, bà từng là thiếu nữ đẹp, có tình yêu đẹp, có mọi thứ. Rồi Thế chiến 1 đi qua, Thế chiến 2 đi qua, rồi chính trị xã hội đi qua. Riêng bà vẫn thế, một phụ nữ nông thôn chân chất, già đi theo năm tháng, và bị gạt ra bên lề.

Cuối cùng bà chết, một cái chết thảm thương. Người thân đến nhà chia buồn với khách trọ, và khuân nốt những gì còn lại, dù toàn thứ xác xơ.

Cuối truyện, mọi người đến đây có thể đoán ra, tác giả là Aleksandr Solzhenitsyn, viết:

“… làm việc không công cho thiên hạ một cách ngốc nghếch, bà chẳng tích cóp được gì cho bản thân đến tận ngày nhắm mắt. Một con dê cái dơ dáy, một con mèo què quặt, và mấy chậu cây…”

“Tất cả chúng tôi, những kẻ sống bên bà và đã không hiểu được rằng chính bà mới là người thánh thiện nhất, như cách ngôn vẫn nói, nếu không có những con người ấy thì chẳng làng mạc nào, chẳng thành phố nào, thậm chí cả thế gian này, có thể tồn tại được.”

Aleksandr Solzhenitsyn gửi Ngôi nhà của Matryona đến tạp chí Thế giới mới năm 1961. Một năm sau nó mới được đăng, cùng với “Một trường hợp ở ga Kochetova”, dưới tên chung là “Hai truyện ngắn”. Một trăm ngàn bản của số tạp chí này được bán sạch (tất nhiên rồi).

Năm 1989, Ngôi nhà của Matryona được đăng lại trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ. Số này, 3.4 triệu bản đã được bán hết (cũng tất nhiên thôi).

“Một trường hợp ở ga Kochetova” trước năm 1975 đã có bản dịch, có lẽ là Ngọc Thứ Lang (sách để ở HN nên chưa kiểm tra được).

“Ngôi nhà của Matryona” dịch năm 2011, cùng với “Một trường hợp ở ga Kochetova” và xuất bản gầm bàn với tên “2 truyện ngắn”

*

Hôm trước đã nói về giáo sư SEAL, giáo sư nói logistics là quan trọng nhất. Nay nói thêm về năng lực đặc biệt này của Hoa Kỳ. (Operation Warp Speed mà Trump khoe, thực ra là di sản của năng lực thời chiến của Mỹ). Tút hơi dài, nhưng đảm bảo đáng đọc.

Sau thế chiến 2, Mỹ chiếm Nhật. Thái thú của Mỹ trên đất Nhật là MacArthur.

Việc đầu tiên là Mỹ tiêm chủng cho 80 triệu dân Nhật, tất cả các bệnh, riêng đậu mùa còn tiêm hai mũi. Sau đó là in lại toàn bộ hàng trăm triệu sách giáo khoa cho học sinh Nhật.

Tiếp đó MacArthur yêu cầu Nhật viết hiến pháp. Cứ viết là ông xé vì không hài lòng. Cuối cùng ông tự lập tổ viết. Hiến pháp Nhật đọc thoáng qua như Hiến pháp Mỹ. Nhưng Văn Minh hơn. Là do tổ viết hiến pháp của Thái thú có một thiếu nữ Do Thái 22 tuổi tên là Beate Sirota. Cô gái này đưa vào hiến pháp Nhật rất nhiều thứ văn minh hơn hẳn hiến pháp Mỹ: cấm chiến tranh, cấm phân biệt chủng tộc, đảm bảo tự do học thuật, cấm tra tấn, và cho tất cả công dân quyền thụ hưởng “ở tiêu chuẩn tối thiểu một cuộc sống trọn vẹn và có văn hóa.” và “bình đẳng trong hôn nhân và cấm phân biệt giới tính”.

Sức mạnh quân sự Mỹ nằm ở hậu cần. Mười người Mỹ phục vụ chiến tranh, chưa tới một người thấy tên bay đạn nổ. Hầu hết họ làm sản xuất, văn phòng, kho vận…

Trong thế chiến, ngoài hàng núi đô la viện trợ, Mỹ cung cấp đạn dược vũ khí cho tất cả các nước đồng minh và không đồng minh (chỉ cần không là phe Trục). Họ cấp cả máy bay cho Liên Xô. Ở VN thì có thể search “hãng Air America” để biết Mỹ làm gì. Để tránh ràng buộc pháp lý, Mỹ nghĩ ra đủ cách: cash and carry, lend and lease, đổi chiến hạm lấy thuê căn cứ…

Triển khai thì họ còn giỏi hơn nữa. Năm 1941, đế quốc lớn nhất khi đó là Anh ở ngưỡng cửa bị Phát Xít hạ gục. Tất cả thuộc địa của họ toang. Vì Đức chiếm bắc Phi, từ đó khống chế toàn bộ các cơ sở hạ tầng thuộc địa (nguồn cung vật liệu của Anh): mỏ dầu Iraq, tổng kho Ai Cập, kênh đào Suez (vốn kết nối Anh với thuộc địa Ấn Độ, Úc, New Zealand, Malaya, Miến Điện, và Singapore.).

Anh toang đến đít. Thì Mỹ gí vào. Họ cho Anh rất nhiều vũ khí và thiết bị chiến tranh hạng nặng (xe tăng, máy bay, bom, đạn…)

Nhưng của cho không bằng cách cho. Họ đưa tất cả ra tiền tuyến luôn cho nhanh.

Hồi những năm 193x, Mỹ chả quan tâm và chả biết gì về Trung Đông, Bắc Phi. Nhưng để giúp Anh, họ tung quân ra…xây dựng. Họ xây xí nghiệp lắp ráp, cảng biển, kho bãi, bệnh viện dã chiến, xưởng sửa chữa vũ khí, doanh trại, sân bay ở Trung Đông và Ai Cập. Rồi máy bay, xe tải sản xuất ở Mỹ được tháo ra và chở bằng tàu biển đến đây. Giữa năm 1942 họ làm xong hết các việc này. Cơ sở của họ có thể vận chuyển và tiếp nhận hàng chục ngàn binh sĩ một lúc, có thể chữa bệnh cả ngàn người. Tổ chức sản xuất cũng cực kỳ giỏi: “Những nhà máy ở Palestine chế tạo ắc quy, ở Iran làm chất chống đông, và nhà máy đóng hộp ở Ai Cập sản xuất khẩu phần ăn cho binh lính. Nửa phía bắc của châu Phi, vốn gần như là vùng không được biết tới với Hoa Kỳ, giờ chi chít các căn cứ, cảng, nhà máy lắp ráp, doanh trại, và nhà kho của Mỹ.”

Chưa yên tâm về đường biển, họ làm luôn cả cầu hàng không. Công binh của Hải quân Mỹ (seabees) xây dựng căn cứ ở hàng loạt đảo chơ vơ ở Nam Thái Bình Dương. Cực nhanh và tốt. Từ Miami, qua Brazil, Tây Phi, Sahara, Cairo. San lấp đầm lầy, phá núi, làm sân bay. (Cầu hàng không ở VN, có thể search Operation Cognac và hãng Air America, năm 1954).

Sau hơn nửa năm xây dựng toàn bộ hạ tầng từ số 0, Mỹ đã đưa máy bay, xe tăng, xe tải, đạn dược từ hậu phương (Mỹ) ra tận tiền tuyến (Ai Cập). Quân Anh phản công bằng trận El Alamein, đẩy quân Đức của Rommel ra khỏi Ai Cập. Sáu tháng sau Đức bị đánh văng khỏi châu Phi. Đế quốc Anh thoát chết.

Churchill viết về trận Alamein: “Trận đánh đánh dấu sự xoay chuyển của ‘bản lề số phận’. Thậm chí có thể cho rằng, Trước Alamein chúng ta chưa bao giờ có một chiến thắng nào. Sau Alamein, chúng ta không bao giờ thất bại nữa.”

Nước Mỹ sau thế chiến đã vẽ lại bản đồ thế giới, cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Theo nghĩa đen, bản đồ vẽ trái đất (hình cầu) lên mặt phẳng hình chữ nhật, đã bị thay đổi thành bản đồ hình tròn. Đây là phát minh lớn của bản đồ học, do Richard Edes Harrison nghĩ ra. (Không hiểu sao VN không dùng bản đồ này, có lẽ VN chưa bao giờ có tư duy global). Một sĩ quan tình báo tên là Donal McLaughlin đã dùng bản đồ này để vẽ logo cho… Liên Hiệp Quốc.

Thế từ global từ đâu mà ra. Tất nhiên nó có từ lâu, nhưng người cổ xúy từ này đầu tiên là MacLeish. Còn tổng thống Mỹ đầu tiên dùng từ này là Franklin Delano Roosevelt. Ông dùng nó lần đầu tháng Chín năm 1942. Ngày nay từ Toàn cầu hóa đã quá phổ biến, nó đã thay thế một từ phổ biến trước đó là “quốc tế hóa”. Mỗi khi nghe đến toàn cầu hóa, nên nghĩ đó là tư duy của một nước Mỹ siêu cường. Trước Mỹ, người duy nhất hiểu tư duy này nhưng lại dùng để chống Mỹ là… Joseph Goebbels.

Câu chuyện Mỹ đến Bắc Phi nói trên là bối cảnh cho bộ phim English Patient. Hôm nào sẽ tìm lại đoạn viết về phim này hầu quý vị. Ai chưa xem rất nên xem, đó là câu chuyện tình hay của rất hay.

*

Tâm lý số đông là mua vé số, đánh con lô, chơi con đề… là cứ chơi đi dù vận may là hiếm hoi nhưng kiểu gì cũng đến lượt mình. Nên lô đề doanh thu khủng. Flip side của tâm lý này là dịch bệnh nguy hiểm lắm nhưng nó chừa mình ra. Nên đường vẫn đông và ngại tiêm vắc-xin.

Phường nhà mình hôm qua có đội bưng loa karaoke kẹo kéo đi vào từng ngách nhỏ alo mời tất cả những ai chưa tiêm cầm cmnd ra phường tiêm, không cần giấy hẹn gì.

*

Một chút: lịch sử, phim, và chống dịch

1.

Mọi người hay nói Đông và Tây Hùng Vương như hai thế lực song trùng. Một bên thường được ví với vua, bên kia là phủ chúa. Có điều, 100% là nhầm vai. Tất cả đều cho rằng bên văn phòng cp (của ttg) là phủ chúa. Bề ngoài có vẻ đúng. Nhưng thực ra về bản chất là sai. Đúng ra là phải NGƯỢC LẠI. Chúa (Trịnh) dựng nhà Lê (chính danh), thắng một cuộc nội chiến rất dài (với nhà Mạc), chống cự tương đối lâu với Đàng Trong, và thao túng triều đình (chính phủ). Chúa Trịnh đặt ra “tham tụng” và “bồi tụng” để bên Chúa kiểm soát Lục Bộ (chính phủ). Sau bên phú Chúa đặt ra Lục Phiên để làm đỡ việc của triều đình (chính phủ). Rồi đặt Ngũ Phủ, làm thay triều đình luôn. Hệ thống hai nhà nước, song trùng, có từ hồi đấy. Còn Triều đình, tức Chính phủ (nội các) là cái mà quốc gia và thể chế nào cũng có luôn từ lập quốc, và nó luôn Chính Danh.

Nhà Trịnh cực kỳ mạnh. Họ dựng lại nhà Lê, đánh tan nhà Mạc, cầm cự bất phân với nhà Nguyễn. Ngay cả khi nhà Tây Sơn nổi lên chiếm vào đến Bình Thuận (của nhà Nguyễn), nhà Trịnh còn đem quân vào đánh nhà Nguyễn mất Phú Xuân rồi vào đến tận Hải Vân. Thế nhưng nó sụp đổ cực nhanh, không chỉ vì Nguyễn Huệ quá giỏi, mà nó quá mục. Thứ nhất nó không chính danh, thứ hai là nó kiêu ngạo xa hoa, thứ ba là xã hội mà nó cai trị có mâu thuẫn cao độ. Thứ tư là dịch bệnh đói kém, mở đường cho Tây Sơn ra bắc.

2.

Các cuộc cách mạng có tên gọi “mùa xuân” gần đây sử dụng mobile nên người ta quên đi cách mạng mùa xuân đầu tiên: Mùa xuân châu Á.

Trước 1945 các thuộc địa ở các châu lục “da màu” Á Phi Mỹ-Latin cam chịu việc da trắng thượng đẳng là cai trị, da màu là bị trị. Cho đến khi có một bọn da vàng khác, tức Nhật, cai trị khắp châu Á. Sau Thế Chiến II, 1945, Nhật thua, các dân tộc châu Á bỗng nhiên nhận ra, mình cũng da vàng mà, sao lại để thực dân quay lại. Mùa xuân châu Á rất mạnh, nó chống lại các cường quốc thực dân, đòi độc lập cho thuộc địa. Cường quốc lớn nhất lúc đó là Mỹ, họ tiên phong trong phong trào chống thực dân bằng cách họ “giải thuộc địa” cho chính mình. Họ từ bỏ thuộc địa của chính họ (sáp nhập một số thành tiểu bang, như Alaska, Hawaii, hoặc cho dân thuộc địa có tư cách công dân như Guam), và đặc biệt là trả lại độc lập cho thuộc địa lớn nhất của họ là Philippines.

3. Thế chiến 2 là bối cảnh của English Patient (copy lại từ Instagram)

Hồi bé tôi ở với bác ruột ở Lệnh Cư, Khâm Thiên. Bác rể làm thợ may. Cả phố Khâm Thiên hồi đó hình như ai cũng là hiệu may. Lúc đó tôi chừng sáu tuổi. Xung quanh phòng, là các cuộn chỉ nhỏ, thước, phấn màu, vải và máy may.

Những cái đê khâu nhỏ bằng nhôm, lăn lóc trên bàn thợ. Bố tôi chỉ cho tôi cách dùng đê khâu. Mãi về sau này tôi mới biết, khi còn bé bố tôi ở với anh chị ruột. Cậu bé ấy giúp anh rể mình vắt sổ, trên ngón tay là cái đê khâu.

Phim English Patient ra đời năm 1996. Năm nay, sau 23 năm nó ra đời, tôi mới xem lần đầu.

Chàng là quý tộc nghèo đi kỹ thuật và viết khảo cứu, đem lòng yêu một nàng thượng lưu. Nàng thuộc lòng Herodotus và có thể đọc ra một cách tự nhiên và quyến rũ, chàng cũng thế. Ở Cairo xa xôi, chàng dẫn nàng đi chơi chợ trời, mua tặng nàng một cái đê khâu. Rồi nàng chia tay chàng để về với anh chồng phơi phới.

Lúc lâm chung, chàng bế nàng trên tay, mới nhìn thấy cái đê khâu nàng đeo lên cổ, nơi cái hõm cổ mà chàng rất yêu. Nàng bảo chàng, cái đê khâu ấy nàng vẫn đeo, và sẽ mãi đeo.

Tôi mới đọc Diệp Ẩn (葉隱: Hagakure), một cuốn sách “cấm” viết hồi đầu thế kỷ 18 về triết lý và lẽ sống của samurai Nhật. Nó ca ngợi sự chết, nhất là chết trong bạo lực, của những samurai quả cảm. Hoặc chết vì seppuku (tự mổ bụng), hoặc tự mình nhảy vào cơn “cuồng tử” (Shigurui) chém giết kẻ thù. Mỗi ngày, một samurai chân chính sẽ phải nghĩ đến việc mình sẽ chết, và chết như thế nào. Chỉ khi đó họ mới hiểu và thực hành hết tấm lòng nghĩa vụ phụng sự xã hội, phụng sự đất nước. Họ cần phải sống, như là đã chết.

Trong tình yêu, samurai ca ngợi “tình yêu thầm kín”, tình đơn phương. Tình yêu cao quý nhất, với họ, là mối tình câm, mà khi họ gục xuống chết đi mối tình sẽ hóa thành khói bay lên.

4.

Vua thì không nói đùa. Mọi người thường nói vậy. Bên kia, tức phủ Chúa thực, có thể nói đùa, tiền bạc là phù du chết không mang theo được. Nhưng bên này thì không.

Khóa trước có ttg lên TV nói: không bắn chỉ thiên nữa. Sau đó có vụ các đồng chí bắn vào đầu nhau ở Yên Bái. Ngài còn hô đi cứu Su, rơi luôn cái Casa. Khóa trước quên dành tiền mua vaccine, quên chuẩn bị hậu cần chống dịch, bắt tuyến phòng ngự (là y tế) lên làm tuyến đầu và vắt kiệt sức của họ để đổi lấy ngạo nghễ (của khóa trước hic), nay đang phải trả giá. Còn khóa này, bác đương kim thì đầu năm lên TV hô tấn công dịch, tổng phản công dịch. Sau đó dịch nó tẩn ngược lại cho vỡ mặt. Mới đây ngài lại bảo tháng Chín tự sản xuất vaccine. Xin đừng nói TRƯỚC nữa. VN có câu nói trước bước không qua. Người thường còn thế, nữa là vua.

Các sai lầm của chính phủ, tút trước đã nói. Nay nói thêm, hai ý này cũng nhiều người nói rồi. Đó là cái gọi là 4.0 coi như thất bại (khóa trước cũng hưởng hết sóng 4.0 hic); và đến nay chưa ai lên TV tiêm vaccine Tàu làm gương, từ lãnh đạo đến bác sĩ đến chuyên gia y tế (?!).

Ảnh là chụp hiệu cắt tóc (hớt tóc) ở làng nổi của người Việt ở Biển Hồ Siêm Riệp. Một vấn đề nhức nhối. Không biết nhà nước đã lo cho người Việt ở Biển Hồ chưa?

*

Taliban trong tiếng Pashto có nghĩa là “Sinh viên”. Tiếng Pashto là ngôn ngữ thứ nhất ở Afganistan. Dù là first language, nhưng chỉ có tầm 55% dân số nói tiếng này.

“Sinh viên” ở đây không có nghĩa là các sinh viên đại học, mà có thể hiểu là “chủng sinh”, học ở các “chủng viện”, nhưng là Islamic chứ không phải Christian/Catholic. (Ngày nay, xu hướng không dùng từ Hồi giáo/Đạo hồi mà dùng Đạo Islam. Kinh Koran/Cô-ran nay cũng viết là Qur’an).

Taliban đã từng nắm quyền ở Afghanistan từ 1996-2001.

Sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979 thì có vô số các nhóm mujahideen (chiến binh hồi giáo thánh chiến/jihad) mọc lên chống Liên Xô. Họ là các nhóm du kích, được Mỹ, Ả rập Saudi và Pakistan tài trợ (bao gồm cả tài trợ học hành ở các chủng viện). Taliban là một nhóm như vậy, mọc lên với mục đích lật đổ chế độ do Liên Xô bảo hộ.

Năm 1992, chính quyền do Liên Xô hậu thuẫn sụp đổ. Afghanistan rơi vào hỗn loạn, các nhóm vũ trang tranh giành quyền lực chính trị.

Taliban sinh ra từ một nhóm “sinh viên” ở thành phố Kandahar cuối năm 1994.

Năm 1996, Taliban thắng thế, chiếm thủ đô Kabul và xây dựng nhà nước có tên Islamic Emirate of Afghanistan.

Thời gian đầu, Taliban được lòng dân, do họ giữ được trật tự và an ninh. Nhưng các biện pháp giữ an ninh của họ rất hà khắc, chủ yếu là hành hình. Sau đó các chính sách tôn giáo và văn hóa của họ bắt đầu tàn nhẫn. Các bé gái trên 10 tuổi bị cấm đến trường. Phụ nữ bị cấm đoán đủ các thứ. Trường học kiểu phương tây (tức là các trường học bình thường) bị đóng cửa. Bạo lực (đánh bom) sắc tộc chống lại người Hindus và Sikhs, bạo lực tôn giáo chống lại người Kitô. Họ phá phách các di sản văn hóa, tôn giáo của chính đất nước mình. Có những thứ tồn tại cả ngàn năm họ phá luôn. Cấm nghe nhạc, cấm rạp chiếu phim, cấm tất.

Trước và sau 11/9, Taliban chứa chấp Al-qaeda và Bin Laden. Từ chối nộp Bin Laden cho Mỹ. Mỹ đưa quân vào Afganistan. Năm 2011 chính quyền Taliban sụp đổ.

Đầu năm 2020 Mỹ ký thỏa thuận với Taliban.

Tuần này Taliban chiếm gần hết Afghanistan, có lẽ sắp chiếm nốt thủ đô Kabul.

PS: Tuần rồi là sinh nhật của Erwin Schrödinger, một trong các founding fathers của cơ lượng tử. Đặc biệt là ông này có rất nhiều ý tưởng có ảnh hưởng về sinh học trong chuỗi bài giảng What is life. Trong đó có ý tưởng entropy và sự sống. Hai nhà khoa học đoạt giải Nobel sinh học do tìm ra DNA là James Watson và Francis Crick từng viết thư cho Schrodinger ( (nhân sinh nhật 66 tuổi của ông này) để cám ơn. Hôm qua là sinh nhật của Louis de Broglie, một sinh viên khoa văn sau này đoạt nobel Vật lý, và cũng là một trong các founder của cơ lượng tử. Công trình ông này tóm gọn trong phương trình ngắn tũn ở trong hình kèm theo.

*

Về so sánh Kabul vs Sài Gòn, nhiều người hơi nhầm lẫn một chút, đó là can thiệp quân sự trực tiếp/chính thức của Mỹ vào Việt Nam chỉ có 8 năm, từ 1965, sau khi chế độ Diệm sụp đổ, đến hiệp định Paris 1973. Trước đó và sau đó là can thiệp gián tiếp.

Đồng thời, Việt Nam Cộng Hòa có tới vài thể chế nối đuôi nhau. Thời Diệm là Đệ nhất cộng hòa (1959-1963), thời Thiệu là Đệ nhị cộng hòa (1967-1975). Hai nền cộng hòa này có hiến pháp, quốc huy, quốc khánh khác nhau; còn quốc kỳ và quốc ca giống nhau. Giữa hai nền cộng hòa này là ba thể chế khác nữa. Mỹ đưa quân đội vào là năm 1965, tức là vào giữa hai nền cộng hòa này.

*

Phương pháp của Descartes là nghi ngờ tất cả, rồi dùng suy luận diễn dịch để lần đến chân lý. Mà nghi ngờ tất cả, thì phải có ít nhất Một cái gì đó đi nghi ngờ (tất cả) chỗ còn lại kia. Cái mà đi nghi ngờ đó, nó là “tôi” đang tư duy để nghi ngờ, vậy nên: “tôi tư duy nên tôi hiện hữu”.

Thế còn “tôi đang yêu” thì có hiện hữu không? Theo nhị nguyên luận Descartes, thì yêu thuộc phần mind and soul, nó tách biệt khỏi body, nó không thuộc về thế giới vật chất, và không hiện hữu trong không gian, và bất khả hủy hoại. Tuy nhiên, vì nó thuộc cõi mind and soul, nó có lý tính, và nó biết nghi ngờ. Và nó có thể biết đau.

Bộ đội đã hiện hữu trong làng, canh cho dân ngủ ngon, nhưng cũng có dân vì thế mà thao thức. Có một project/band ở Sài Gòn tên là Studio Party/Lê Thanh Tâm. Thi thoảng có bài rất hay, như bài dưới đây. Bài hát này có tên liên quan đến chủ đề Descartes hôm nay: Tự làm mình đau.

*

Hôm nay bạn nhận xét: dự báo dịch của bác Nhân (hôm nay các báo đều đăng) không nói gì đến Delta và mật độ dân số. Mà delta và mật độ dân số tác động nhiều đến kết quả.Đọc thử mấy cái nghiên cứu, thì có vẻ như: mật độ dân số không có tương quan (correlation coefficient) mạnh với bùng phát dịch, nhưng nó làm phân tán dữ liệu mạnh (r-squared), tức là phía chống dịch rất dễ có nhận định sai lầm.

Các quận nội thành cũ của HN rất bé. Hoàn Kiếm là quãng 5km vuông. Các quận còn lại đều dưới 10km vuông. Mật độ cao nhất lần lượt là: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà. Quận Đống Đa thậm chí theo wiki thì còn hơn 40 ngàn người/km vuông. Mấy hôm nay các điểm dịch bị phong tỏa đều là Đống Đa và Thanh Xuân. Trước đó là Hoàng Mai, Hoàng Mai mật độ trung bình thì thấp (do đất rộng), nhưng mật độ khu dân cư như HH Linh Đàm thì lại quá cao.

Chiều nay chủ tịch HN và phó giám đốc CDC Hà Nội khi nói về ổ dịch ở Thanh Xuân Trung, đều bảo đó là “lỗ hổng” vùng đỏ. Trên website Bộ Y Tế, chủ tịch HN nói: “Liên quan đến việc xét nghiệm, ông Chu Ngọc Anh đánh giá, từ căn cứ khoa học, việc lấy mẫu ở một số nơi chưa “quét” trúng “vùng đỏ”, “nhóm đỏ” nên đã xảy ra bùng phát ổ dịch.”

Vấn đề là, như ở London, ngưỡng bùng dịch là 15 ngàn dân/km2. Mà chắc vấn đề sinh hoạt, vệ sinh của họ tốt hơn ta. Các quận nói trên toàn trên 15 ngàn cả. Như Đống Đa và Thanh Xuân là trên 30 ngàn dân/km2. Nên cứ theo r-squared mà nói, thì rất dễ “quét” sai. Hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm thấp hơn, nhưng cũng đều gần 30 ngàn cả.

Số liệu mật độ dân số các quận Hà Nội, hôm nay phải hỏi ThangPM. Nhìn dữ liệu gốc và con số mật độ Thắng đưa, chắc chắn phải qua công đoạn tự ngồi tính một chút hehe.PS: (R-squared chắc là phương sai, lâu quá quên hết, suýt nhầm qua độ lệch chuẩn.)

+ Sáng nay (26 tháng Tám), thêm ổ dịch ở Giáp Bát (quận Hoàng Mai).

+ Sáng nay (27 tháng Tám), con số ở hai ngõ Thanh Xuân Trung là: “Riêng ngày 26/8, khu vực này ghi nhận 37 ca nhiễm, nâng tổng số ca mới phát hiện từ 23/8 đến nay qua lên 110. Thanh Xuân là quận có “nguy cơ rất cao” khi 10/11 phường đã xuất hiện ca nhiễm. Hai con ngõ này nằm giữa các khu tập thể cũ có khoảng 700 hộ và 2.000 người sinh sống. Diện tích ngõ chật hẹp, nhiều ngách nhỏ có thể là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm lớn.

*

Bộ đội về làng, ngoài giữ cho thành phố tuyệt đối cấm túc, họ còn giúp dân các nhu cầu “thiết yếu”. Nếu diễn đạt ra tiếng Anh, đại khái sẽ là bộ đội giúp dân lo những cái mà dân lo lắng cho bản thân (self) và giúp dân fullfill các nhu cầu vị kỷ (selfish needs).

Những từ này rất quen thuộc trong tư tưởng của Hobbes (thế kỷ 16,17), và nó được đưa vào Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ. Khác với Descartes, Hobbes cho rằng phần hồn (mind and soul) là các hoạt động vật lý ở trong não (thuộc phần xác/body) mà ra. Nói chung con người là cỗ máy, vũ trụ là cỗ máy, tuân theo các định luật vật lý. Nên con người có các nhu cầu vật lý, để phục vụ cỗ máy vật lý (ăn, uống, thở). Và con người là ích kỷ, chỉ lo cho bản thân, nên cần có tổ chức xã hội, nhà nước pháp quyền, để có trật tự, người dân được bảo vệ. [Còn phần hồn, phần tư duy là các hoạt động vật lý trong não gây ra, gần đây vật lý lượng tử đang làm sáng tỏ dần.]

Hôm nay thấy trong group bạn bè, có chị reo lên “bộ đội đến nhà em rồi”. Chị này ở thảo điền nhà giàu, chụp ảnh lên thấy bộ đội bưng đồ từ cổng vào nhà, đi qua cái sân vườn. Ngoài đường, là xe Mẹc trắng. Hóa ra bộ đội không biết lái xe, có một cô lái, bộ đội đi giao hàng cùng. Xe chắc của chủ siêu thị. Định trêu là khu đó toàn người nước ngoài, phải Marine đến mới đúng, mà thôi, hehe. Đến chiều thì hẻm nhà mình có bộ đội đến. Hẻm nhỏ nên 4 chú bộ đội, 2 chú đoàn phường, 1 chú dân quân đi giao. Kéo cái xe đẩy lọc cọc đi trong ngõ bé tí. Chú dân quân từ ngày có dịch là đầu mối duy nhất kết nối cả xóm với nhau, và với phường. Hai chú đoàn phường một chú thu tiền mặt, một chú thì ai chuyển khoản ebanking, chú rút máy ra ốp luôn.

Các phường khác nhau mua đồ theo combo khác nhau (có phường còn không có combo). Có phường combo nhìn thấy cả “xương gà nguyên con, 1kg”, mình cứ buồn cười, bảo phường này ăn uống cầu kỳ quá. Sau mới biết dân phường đó kêu ầm lên là các phường khác combo có thịt có rau, phường mình toàn…xương.

[Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ có tư tưởng của Thomas Hobbes, John Locke và Russeau. Cái câu mà Tuyên ngôn độc lập VN có, “ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc” có gốc gác là của John Locke.]

*

Trong clip, Springteen mặc cái áo đẫm mồ hôi, giống áo thủ tướng nước ta mặc đi thị sát chống dịch quá.

Springteen hát về giới cần lao tỉnh lẻ nước Mỹ hậu công nghiệp và trước toàn cầu hóa, giới trẻ làm công ăn lương, thất nghiệp và nghèo đói. Là nghệ sĩ cánh tả, nhưng nhiều bài hát của anh lại được ứng viên cộng hòa dùng cho chiến dịch tranh cử.

Bài hát dưới đây nói về một thành phố tàn lụi về suy thoái kinh tế, mọi người bỏ đi. Lời đại khái như sau:

“Hôi tôi tám tuổi chạy, tay nắm đồng 10 xu chạy vào bus stop mua cho ông già tôi tờ báo. Ngồi trên đùi ông, sau tay lái con xe Buick to đùng cũ kỹ, ông lái vòng quanh thị trấn. Lùa những ngón tay vào tóc tôi, ông bảo: “Nhìn xung quanh đi con trai, đây là thị trấn quê hương con.”

Rồi những năm 1965 căng thẳng, ở trường cấp ba có nhiều vụ choảng nhau, da trắng và da đen, mà ta không làm được gì. Hai con xe dừng đèn đỏ đêm thứ bảy, ghế sau có súng, lời qua tiếng lại, đạn hoa cải bùng nhoáng lên. Thời rối ren và phiền muộn đã đến thị trấn quê hương tôi.Người ta quét vôi trắng lên cửa sổ kính phố Main. Và những cửa hàng trống rỗng. Dường như không còn ai muốn đến nơi đây. Họ đóng cửa xưởng dệt vải bên kia đường tàu. Người gác dan thở dài: “Việc làm đang bỏ đi, mấy nhóc thấy không, công việc sẽ chẳng bao giờ quay lại thành phố quê hương chúng mày nữa.

Đêm qua Kate với tôi ôm nhau trên giường, bàn chuyện ra đi. Thu gói đồi đạc, chắc đi về phương Nam. Tôi ba lăm tuổi, gia đình tôi có một nhóc trai. Đêm qua tôi để bé lên đùi, sau vô lăng và nói: “Con trai, nhìn kỹ xung quanh, đây là thành phố quê hương con.”

*

41 shots

Mọi người thử nghe bài này!

Bản ghi âm bài này có Tom Morello chơi guitare. Nhưng trên youtube cái clip có Tom Morello chơi live thì chất lượng hơi kém (nếu xem, thì Tom làcái anh ôm guitar điện và đội mũ lưỡi trai). (Có thời mình thích anh này đến mức nhân vật Thales trong Ai Ky có bóng dáng của anh ấy.)

Bruce Springteen nổi lên khi chiến tranh VN mới qua. Born to Run là năm 1975. Còn Born in the USA (1984) là bài ca yêu nước được Reagan lấy để tranh cử. Thế nhưng ngay cả với ca khúc sục sôi ái quốc này, lời bài hát vẫn nói về những thanh niên Mỹ măng tơ chưa biết mùi đời bị nhét súng vào tay và đưa qua Việt Nam bắn nhau với Việt Cộng. Rồi khi giải ngũ họ đi làm công nhân và vật lộn với cuộc sống ở tầng đáy xã hội. Ngay cả khi đó, họ vẫn nhớ tới những người anh em của mình: “Bắn nhau với Việt Cộng ở Khe Sahn, việt cộng còn đó mà anh thì tàn đời, trước đó anh có người yêu, một cô gái Sài Gòn, tôi đã thấy ảnh anh, trong vòng tay của cô.” (Trước đây Mỹ toàn viết là Khe Sahn, thay vì Khe Sanh.)

Cuộc đời nghệ thuật của Springteen rất dài, và gắn bó với các đề tài chính trị xã hội.Năm 1999, bốn cảnh sát New York bắn chết một thanh niên da đen 22 tuổi ở Bronx. Anh này là tình nghi, bị cảnh sát bao vây, anh thò tay vào túi, bị bắn chết (hóa ra là anh lấy ví, chứ không có súng). Bình luận của cảnh sát New York là : fatal shooting (41 shots). Springteen lấy đó làm chủ đề bài hát. Bài hát, tất nhiên có nhiều ý kiến trái chiều. Springteen nhận xét: “The song pushed “a lot of buttons in America”. Khi hát bài này ở New York, khán giả bắt đầu hát theo, Springteen nói vào micro: đề nghị yên lặng.

Khi ghi âm bài hát này, Springteen mời Tom Morello. Morello là siêu nhân chơi đàn guitar có lập trường thiên tả. Anh là thành viên của Rage Against The Machine. Rồi là thành viên của superband tên là Audioslave (tồn tại đâu đó 3 năm mà ra toàn bài hay, đặc biệt bài nào cũng có một đoạn guitar rất chất.) Audioslave được Cuba cho qua diễn. Sau này Morello có một band riêng, đậm chất cánh tả Mỹ Latin tên là Nightwatchman. Có một bài tên là “Đoàn Kết” rất đúng tinh thần cánh tả cổ điển Che Guevara.

Cha đẻ của hiện tượng học, Edmund Husserl, nói ý thức thời gian là cái căn bản nhất của con người. Ông đưa ra khái niệm chuỗi thời gian “quá khứ-hiện tại-tương lai”, và dùng âm nhạc để diễn giải. Mỗi nốt nhạc mình vừa nghe, là khoảnh khắc hiện tại. Các nốt nối tiếp nhau, cái hiện tại trở thành quá khứ, và khoảnh khắc hiện tại mới hiện ra ngay, trong lúc ta có ý thức về một “hiện tại” nữa đang tiếp nối đến (tức là tương lại). Các đoạn solo đỉnh cao của Tom Morello, nếu nghe thật nhiều (youtube có rất nhiều Audioslave, cả studio lần live) là một ví dụ tốt để chiêm ngẫm ý tưởng của Husserl, ngay cả trong những bài hát đậm chất chính trị xã hội, như 41 shots.

Hơi dài rồi. Springteen có biệt danh là The Boss. Là nghệ sĩ đứng về phía cần lao, anh lúc đầu ghét cái biệt danh này. Sau này ko thấy ghét nữa, chắc nghe mãi cũng quen tai. Vả lại, theo các thuyết hiện sinh tiếp nối theo hiện tượng học, như thuyết “tha thể” của Sartre, thì việc mình bị người khác nhìn như thế nào, là cái mình sẽ phải vượt qua, để có tự do cá nhân tuyệt đối.

Status bốc phét về hiện tượng học, hiện sinh, và đấu tranh xã hội bằng âm nhạc, đến đây kết thúc.

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.