Tại sao chat sex?

Tại sao con người thích chuyện tiếu lâm mặn, trai gái hay buông lời đĩ bợm khi tròng ghẹo nhau, còn các cặp đôi ở xa nhau thì chat sex?

Mười lăm tỷ năm qua
Từ vạn triệu thiên hà
Bây giờ ta mới tới
Gặp lại em hôm qua

[Phạm Công Thiện]

*

Trong thiên văn học có một nghịch lý tên là Nghịch lý Fermi. Nghịch lý này, do nhà vật lý Enrico Fermi, cha đẻ của kỷ nguyên hạt nhân, nghĩ ra.

Các lập luận của Fermi đại thể như sau:

Vũ trụ có hàng tỷ thiên hà, trong mỗi thiên hà (ví dụ dải Ngân Hà của chúng ta) lại có hàng tỷ ngôi sao. Hằng hà sa số ngôi sao trong đó được hình thành từ trước khi Hệ Mặt Trời của chúng ta ra đời hàng tỷ năm. Xác suất rất cao là có nhiều ngôi sao trong số đó giống Trái Đất. Trên vài “Ngôi Sao giống Trái Đất” như vậy, có thể tồn tại sự sống thông minh.

Một số nền văn minh ngoài trái đất như vậy có thể đủ thông minh để thực hiện các chuyên du hành liên-hành-tinh. Dù họ có “đi chậm” đi chăng nữa, thì cũng chỉ cần vài triệu năm để càn quét qua khắp dải Ngân Hà của chúng ta. Rất có thể họ đã từng nhiều lần, hoặc đang, hoặc sắp ghé thăm Trái Đất. Nhưng đến nay chúng ta chưa phát hiện ra dấu vết gì về việc này.

Fermi hỏi: “Vậy tất cả bọn họ ở đâu?”

Đến nay có vô số giả thuyết để giải quyết Nghịch lý Fermi. Giả thuyết hấp dẫn nhất là sinh vật ngoài không gian đã đến thăm trái đất nhiều lần rồi, nhưng không thèm nói chuyện với con người. Giống như con người vào rừng mà đâu thèm nói gì với mấy con thỏ.

Các nhà vũ trụ học đã xác định được vũ trụ (universe) là cực kỳ rộng lớn. Nó chứa hàng tỷ thiên hà (galaxy). Trong hàng tỷ thiên hà ấy, có một thiên hà tên là Ngân Hà (Milky Way). Trong dải Ngân Hà có khoảng 100 đến 400 tỷ ngôi sao.

Ngân Hà có dạng một cái đĩa phẳng khổng lồ. Đường kính của đĩa phẳng này khoảng 100 ngàn, đến 120 ngàn năm ánh sáng. (Gọi là đĩa phẳng nhưng nó cũng có một chút bề dày, cỡ 1 ngàn năm ánh sáng.) (Năm ánh sáng là đơn vị đo khoảng cách trong vũ trụ, nó dài bằng quãng đường mà ánh sáng đi được trong thời gian một năm. Tức là một khoảng cách cực kỳ lớn so với nhận thức thông thường của con người).

Trong Ngân Hà có Hệ mặt trời (Solar System). Hệ mặt trời nằm  cách tâm Ngân Hà khoảng 28 ngàn năm ánh sáng. Ở giữa hệ mặt trời chính là Mặt Trời đang chiếu sáng và sưởi ấm trái đất của chúng ta. Hệ mặt trời có hình cầu, giới hạn của hình cầu được tính từ tâm, tức là từ mặt trời, đến khoảng không gian mà lực hấp dẫn do mặt trời tạo ra là hết tác dụng. Khoảng cách này cỡ 2 năm ánh sáng. Trái đất cách mặt trời khoảng 8.3 phút ánh sáng. Mặt trăng cách trái đất 1.28 giây ánh sáng.

Từ trái đất ta thấy mặt trăng rất xa, mà ánh sáng đi mất có hơn 1 giây là tới. Mặt trời còn xa hơn, mà ánh sáng chỉ đi 8 phút hơn là tới. Vậy mà chỉ riêng hệ mặt trời, vốn chỉ bé xíu trong Ngân Hà, đã có bán kính 2 năm ánh sáng. Còn từ hệ mặt trời đến tâm của Ngân Hà, cách tới 28 ngàn năm ánh sáng. Còn Ngân Hà, cũng chỉ là 1 trong cả tỷ thiên hà khác của Vũ trụ bao la.

Bảy hành tinh có điều kiện cho sự sống mà Nasa tìm ra, cách chúng ta 40 năm ánh sáng. Tức là ở ngoài hệ mặt trời, nhưng vẫn trong cùng dải Ngân Hà. Còn con người chúng ta, là một cái chấm con con trên trái đất. Trái đất là một cái chấm trong hệ mặt trời.

Trích từ “Bầu trời chiều ẩn giấu

*

Khoảng ba mươi năm trở lại đây, các nhà vật lý thiên văn và các tàu thám hiểm không gian đã thu thập được nhiều dữ liệu mới. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong Hệ Mặt Trời có một hành tinh và ba mặt trăng (Sao Hỏa, Europa, Enceladus, Titan) có: nước, ánh nắng, có các nguyên tố để tạo thành hợp chất hữu cơ. Tức là đủ ba yếu tố cấu thành nên sự sống.

Nhà vật lý Freeman Dyson tin rằng ở đâu đó trong Hệ Mặt Trời hẳn phải có sự sống (không nhất thiết phải thông minh, có thể chỉ là các vi sinh vật). Ông cho rằng các sinh vật ấy, vì rất bé, không cần thở, nên dễ dàng phát tán khắp Hệ Mặt Trời, bằng cách đi ké các vụ bắn phá thiên thạch.

Nhà vật lý thiên văn Niel deGrasse Tyson cũng nói về Thuyết Tha Sinh, theo đó rất có thể nguồn gốc sự sống trên Trái Đất là từ microorganism đến từ Sao Hỏa. Sao Hỏa bị thiên thạch bắn phá, các microorganism trên Sao Hỏa bị bắn tung vào không gian, và bằng cách nào đó đã đến được Trái Đất và gieo mầm sự sống ở đây.

Freeman Dyson lập luận rằng, vấn đề không phải là có khả năng tồn tại sự sống trong không gian hay không, mà là khả năng chúng ta có dò tìm ra được các tín hiệu của sự sống ấy hay không.

Sir Martin Rees là nhà vũ trụ học và thiên văn học người Anh rất được kính trọng. Ông có những đóng góp quan trọng cho nghiên cứu tàn tích của Big Bang (CMB Cosmic Microwave Background) và sự hình thành của các cụm thiên hà. Các nghiên cứu của Martin Rees đã giúp chứng minh thuyết Big Bang (theo đó Vũ Trụ có khởi đầu) và qua đó xóa bỏ thuyết vũ trụ tĩnh (là vũ trụ vĩnh cửu và bất diệt, không khởi đầu và không kết thúc). Ông tin rằng rất đáng bỏ công sức ra đi tìm sự sống thông minh ngoài trái đất, giống như chương trình của NASA tên là SETI – Search for Extraterrestrial Intelligence.

*

Nhà vật lý lý thuyết Michio Kaku có lần viết đại ý rằng: “Có nhiều người hỏi tôi về sinh vật ngoài trái đất. Tôi không biết sinh vật thông minh ấy hình dáng như thế nào. Nhưng nếu có sinh vật như thế, thì chắc chắn họ sẽ có ba yếu tố sau: mắt họ nhìn được không gian ba chiều, chi của họ có ngón cái để cầm nắm được, họ có ngôn ngữ. Cho đến nay, con người là loài sinh vật duy nhất trên trái đất có cả ba khả năng này.”

Michio Kaku đúc kết rất chuẩn. Nhờ ba khả năng này mà con người tiến hóa vượt lên trên các sinh vật khác để xây dựng nền văn minh của mình trên Trái Đất. Họ có ký ức, họ biết lưu truyền thông tin và kiến thức, họ biết sáng tạo, họ biết tổ chức xã hội, và họ biết chuẩn bị cho tương lai.

Con người có lục căn (mắt/nhãn, tai/nhĩ, mũi/tỷ, lưỡi/thiệt, da và suy nghĩ) để cảm nhận lục trần (sắc,thanh, hương, vị, xúc, pháp), tức là cảm nhận thế giới khách quan bên ngoài. Cảm nhận được thế giới bên ngoài, con người có được lục thức: : Nhãn thức, Nhĩ thứcTỷ thứcThiệt thứcThân thức và Ý thức. Trong đó Ý thức là cái làm con người khác với các sinh vật khác.

Mắt, Chi và Ngôn ngữ làm con người khác với con vật ngay từ phần bản năng gốc.

Con người có thể có khoái cảm tình dục chỉ bằng cách xem và nghe đồng loại have sex. Không phải vô cớ mà ngành phim sex càng ngày càng lắm khách hàng, đặc biệt là khách nữ giới tăng trưởng mạnh. (Nhãn căn, thính căn cảm nhận được hình ảnh, âm thanh, tức là cảm được pháp thức, từ đó tác động lên ý thức.)

Con người có thể thỏa mãn đối tác của mình bằng tay. Đôi bàn tay con người không chỉ làm ra công cụ lao động và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, mà còn có thể khéo léo thỏa mãn ham muốn của bạn tình. Và của chính mình nữa, tất nhiên. (Ý thức của người này điều khiển pháp thức của người kia.)

Nhưng trên hết, con người có thể dùng ngôn ngữ để giải tỏa bản năng gốc. Họ có thể dùng ngôn ngữ nói để khơi gợi ham muốn tình dục bên trong một người vừa xa vừa lạ (phone sex). Họ có thể dùng ngôn ngữ viết để để thỏa mãn nhau và lên đỉnh cùng nhau (chat sex).

Trong lục dục (六欲) , thì chat sex này là ngữ ngôn dục, nó tác động lên cái thức thứ sáu của lục thức, tức là ý thức. Khi tác động được lên ý thức, sẽ thỏa mãn cái dục cao nhất là pháp dục (thỏa mãn ham muốn trong ý nghĩ).

*

Tôi không rõ việc đi tìm sinh vật thông minh ngoài trái đất cuối cùng có đem lại kết quả tích cực gì cho con người hay không.

Có thể một ngày nào đó, chúng ta và bọn họ gặp nhau. Thế rồi cái sinh vật đến từ nền văn minh cao cấp trong không gian xa xôi kia sẽ ban cho loài người một ân huệ: “Triết lý của chúng tôi là tiết kiệm tối đa thời gian và năng lượng. Với công nghệ tân tiến của chúng tôi, từ nay loài người các bạn chỉ cần làm tình bằng ý nghĩ. Chỉ nghĩ đến nhau một cái là xong.”

Không rõ lúc đó con người sẽ thấy vui hay thấy buồn? Hay toàn nhân loại cùng nhau trở thành các thiền sư, đi tìm sự cực khoái trong tâm tưởng?

*

Thuyết Tha Sinh (Panspermia)

Vũ trụ hình thành từ Big Bang, đến nay được gần mười bốn tỷ năm. Nhưng Phạm Công Thiện làm tròn luôn thành mười lăm tỷ.

Mười lăm tỷ năm qua
Từ vạn triệu thiên hà
Bây giờ ta mới tới
Gặp lại em hôm qua

Có lẽ Phạm Công Thiện không nhận ra bài thơ của mình ẩn chứa ý tưởng của Thuyết Tha Sinh .

Thuyết Tha Sinh là một giả thuyết về nguồn gốc của sự sống trên trái đất . Thuyết này cho rằng sự sống trên Trái Đất có thể đến từ Vũ Trụ.

Trên bề mặt trái đất có nhiều ngàn tấn thiên thạch, trong đó rất nhiều đến từ Sao Hỏa.

Bốn nguyên tố hoạt tính hóa học cao và phổ biến nhất trong Vũ Trụ – hyđrô, ôxy, cácbon và nitơ – là bốn nguyên tố quan trọng nhất làm nên sự sống trên Trái Đất.

Sao Hỏa có thể đã từng rất màu mỡ để các thực thể vi sinh (microorganism) tồn tại.

Các thể vi sinh cực kỳ khỏe. Nó có thể chịu đựng được tia vũ trụ, nhiệt độ và áp suất cực thấp hoặc cực cao. Trong quá khứ rất xa xôi, đã từng có những tiểu hành tinh đâm vào Sao Hỏa, làm bắn tung vào vũ trụ đá Sao Hỏa. Có những tảng đá Sao Hỏa, tức các thiên thạch lao về trái đất. Trái Đất hồi đó chưa có khí quyển, hoặc khí quyển rất loãng, nên thiên thạch đâm xuống nguyên con.

Thế rồi sự sống nhen nhóm. Bắt đầu bằng các sự tự nhân bản đơn giản. Rồi đơn bào. Rồi đa bào. Rồi quang hợp ánh sáng. Rồi từ quang hợp mà khí quyển đậm đặc dần và trở thành lớp áo giáp bảo vệ trái đất khỏi các tia vũ trụ và các vụ bắn phá thiên thạch.

Thuyết tha sinh có gốc gác từ thời Hy Lạp cổ đại. Nhưng đến đầu thế kỷ 20 nó mới có hình hài của một giả thuyết khoa học nghiêm túc. Một trong những người cổ súy Thuyết tha sinh là Sir Fred Hoyle. Hoyle là nhà vật lý thiên văn. Ông là người đề xuất lý thuyết tổng hợp hạt nhân trong các vì sao (Stellar nucleosynthesis). Thuyết này giúp giải thích sự hình thành các nguyên tố hóa học trong các ngôi sao là nhờ phản ứng hạt nhân hợp hạch (nuclear fussion) giữa các nguyên tử trong ngôi sao. Nhưng Hoyle không được giải Nobel cho phản ứng hợp hạch (giải trao cho người khác cũng xứng đáng, nhưng các nhà vật lý cho rằng giải cần phải chia cả cho Hoyle). Hoyle là người ban đầu chống lại thuyết Big Bang. Để chế nhạo thuyết này, lúc đó thuyết chưa có tên, chính ông đặt cho nó một cái tên diễu cợt là … Big Bang.

Phương trình Drake

Năm 1961, nhà thiên văn học Frank Drake đưa ra phương trình ước đoán trong thiên hà của chúng ta (Ngân Hà) có bao nhiêu nền văn minh ngoài trái đất mà vẫn còn đang active và có thể liên lạc được. Phương trình như sau:

N = R_{\ast} \cdot f_p \cdot n_e \cdot f_{\ell} \cdot f_i \cdot f_c \cdot L

Trong đó N là số nền văn minh trong dải Ngân Hà mà có thể liên lạc được.

Tùy theo các giả định ban đầu của phương trình, ta sẽ có các kết quả N (số nền văn minh) khác nhau. Vì có quá nhiều tham số, và quá nhiều giả định, nên dải kết quả N cũng rất rộng. Bản thân Drake tính thì kết quả nằm trong khoảng từ môt ngàn đến một trăm triệu nền văn minh ngoài trái đất. Với các nhà khoa học thận trọng hơn, họ tính toán một hồi thì ra N=0, tức là trong Ngân Hà chỉ có trái đất chúng ta là có nền văn minh. Các kết quả tính toán gần đây cho thấy N rơi vào quãng từ 0 cho tới 15 triệu.

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong nhảm, Uncategorized và được gắn thẻ , , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.