Chuyện Bố Già

BOGIA_WEBKhi Tập Cận Bình thịt nốt thượng tướng Quách Bá Hùng, các nhà phân tích bắt đầu soi mói vào điểm yếu dường như bây giờ mới lộ của Tập Béo: không có  nhân lực tiếp quản những khu vực Tập xuống đao lấy mạng đầu lĩnh.

Hơi khập khiễng, nhưng vẫn có lý, Tập kém xa nhân vật Don Michael của The Godfather. Ngay sau khi giết caporegime Tessio, Don Michael lập tức sai Rocco Lampone tiếp quản băng của Tessio. Trước đó Michael cho phép gã Lampone này bí mật lập băng riêng của mình, mà ngay cả Tom Hagen cũng không biết. Bố Già Michael hình như còn hơn Tập ở chỗ: “không để một ai biết mình nghĩ gì”.

Bạn đọc có thể thích hoặc không thích cuốn tiếu thuyết về thế giới ngầm The Godfather của Mario Puzo. Nhưng rất nên đọc cuốn sách này. Đọc nó như đọc như một cuốn sách dạy về quản trị, về chiến lược, về đầu tư, thậm chí cả về đắc nhân tâm nữa.

Trước khi tiến hành cuộc chiến đẫm máu tàn sát tất cả các gia đình mafia khác để thống lĩnh giang hồ, Michael Corleone đã đa dạng hóa đầu tư của gia đình mình, vốn chỉ ở mảng bảo kê và bảo tiêu ở miền đông, qua thêm một lĩnh vực rất mới mẻ là casino ở một vùng đất khác là Las Vegas.

Khi bắt đầu cuộc chiến, Michael giết luôn đối tác ruột của mình ở Las Vegas là Moe Greene để trực tiếp kiểm soát toàn bộ khoản đầu tư của gia đình trong các sòng bạc ở đây. Thậm chí trong phần 3 của loạt phim Godfather, Michael còn nỗ lực cải cách thể chế của gia đình để cập nhật với văn minh nước Mỹ (hợp pháp hóa hoạt động ngầm của gia đình mafia này). Không chỉ khống chế chính trị gia, Michael còn tác động được đến cả tòa thánh Vatican. Điều kỳ diệu chỉ có trong tiểu thuyết ấy tất nhiên hoàng đế đỏ Tập Cận Bình không thể làm được.

***

Ông Lê Duẩn từ Nam ra chỉ mất ba năm là cầm chịch miền bắc, đưa các đối thủ chính trị sừng mỏ tưởng như không thể chạm tới đi vào nơi cô quạnh. Thời bao cấp, người ta chế diễu lãnh đạo là “chỉ được cái đi tù nhiều” rồi cứ thế quên đi chi tiết Lê Duẩn là người đi tù lâu nhất. Một người tù Côn Đảo đã từng cưỡi lên đầu được bọn tù hình sự, vượt qua các vụ giết chóc tàn nhẫn trong tù (mà trung tướng Nguyễn Bình từng thoát được với giá là mất một con mắt) thì ngán gì các đối thủ chính trị vốn chỉ biết cầm bút với vẽ bản đồ.

Tù chính trị có thể được bọn thường phạm bày tỏ lòng tôn trọng nhất định, nhưng không có nghĩa tù chính trị nghiễm nhiên ăn trên ngồi chốc. Đọc Papillon (Người tù khổ sai) có thể hiểu được nhà tù Côn Đảo. Dù là tù chính trị, vẫn bị cuốn vào các vụ tranh chấp mà cuối cùng luôn được giải quyết bằng bạo lực. Có lẽ vì vậy mà thứ bậc xác lập trong tù sau này vẫn được tôn trọng ngoài đời. Địa vị của Hai Thắng thời làm cặp rằng cầm trịch hầm xay thóc Côn Đảo sau khi Bảy Tốt bị dân anh chị trong tù làm thịt đã xác lập địa vị ổn định cho đến cuối đời của Tôn Đức Thắng.

Don Michael cũng có sư khác biệt trong giai đoạn trưởng thành y như thế. Không như bọn mafia khác sống giang hồ đô thị cả đời, Michael đi lính Mỹ và là anh hùng chiến tranh của Hoa Kỳ  trước khi bước chân vào chốn giang hồ. Ngoài đời có khi còn hơn tiểu thuyết, một lãnh đạo đã từng bước qua bom đạn chiến tranh, thoát khỏi cái chết cận kề, hẳn là phải là thanh niên cứng hơn các chính trị gia mài đít quần trên giảng đường đại học.

Không chỉ đối nội mà việc đối ngoại của đại bàng cũng khác chim sẻ công quạ vớ vẩn. Sau tháng 4 năm 1975, hai lãnh đạo và cùng là cựu tù Côn Đảo là Ba Duẩn và Sáu Búa qua Cambodia vui vẻ thăm nom đội Pol Pot và Ieng Sary để cám ơn đội này đã giúp miền bắc Việt Nam đánh Mỹ. Một thời gian ngắn sau đấy, thấy Việt Nam khó khăn, lại bị tàu khựa xúi đểu, Pol Pot (vốn chỉ là du học sinh Pháp về) cà khịa hỗn láo, ông Ba Duẩn không một chút ngần ngừ cho quân qua Cam bem đội Khmer Rouge tan nát. Không khác gì Moe Greene giúp gia đình Corleone lúc khó khăn, thế nhưng khi Michael Corleone qua Las Vegas thăm Moe Greene, anh này tưởng gia đình Corleone suy yếu, nghe xúi bẩy mà tỏ thái đội hỗn láo, Michael cho sát thủ Al Neri bem cho Greene một phát phọt óc luôn.

Đọc Bố Già và tìm hiểu ông Ba Duẩn (mong ông không dỗi khi phân tích tác phẩm lại tham chiếu ông với ông trùm trong tiểu thuyết hehehe) sẽ thấy Don Michael cực kỳ có lý khi dạy cháu ruột mình: “Giữ người thân ở gần bên mình, nhưng phải giữ kẻ thù ở gần hơn thế“. Hay lời Michael nói với anh ruột Fredo: “Đừng bao giờ đứng về phía người ngoài đi ngược lại quyền lợi của gia đình. Đừng bao giờ“.

*

Nhà Đông A Books gần đây tái bản Bố Già (Godfather) của Mario Puzo, bản dịch của Ngọc Thứ Lang.

Tiểu thuyết Godfather của Mario Puzo, bộ ba phim Godfather của Francis Coppola, và bản dịch tiếng Việt của Ngọc Thứ Lang: tất cả đều đã trở thành huyền thoại.

Bố Già, có thể đọc và hiểu, không chỉ là một tiểu thuyết hấp dẫn viết về thế giới ngầm ở New York, mà còn là một cuốn sách quản trị hay hơn bất cứ cuốn sách quản trị nào khác. Kiến thức khởi nghiệp, dựng nghiệp, chiến lược, nhân sự, cạnh tranh, giao dịch nội gián … đều có trong cuốn sách này.

Phàm là đàn ông, rất nên đọc Bố Già hehe. Đọc nó lúc mới bước vào đại học. Đọc lần nữa khi tốt nghiệp. Phải đọc lại khi quá tuổi 30. Và khi nào qua 40 lại càng nên mở Bố Già ra thưởng thức thêm lần nữa.

*

Lẽ thường là những điều mà con người ta có thể cùng nhận thức, cùng đồng ý với nhau, chỉ bằng các lý luận thông thường. Với những “lẽ thường” hình thành nên những nguyên tắc cơ bản chi phối hoạt động của con người và xã hội. Common Sense (Lẽ Thường) cũng là tên một tác của Thomas Paine. Tác phẩm này đóng góp một phần quan trọng giúp Cách Mạng Mỹ thành công, nước Mỹ giành được Độc Lập.

*

Cuốn truyện Bố Già đến tay chúng tôi lần đầu tiên vào cuối những năm 1980. Lúc đấy đầu óc chúng tôi còn non nớt, xã hội Hà Nôi lúc đó còn đơn sắc và nghèo nàn, nhưng tôi đã lờ mờ nhận ra: nhiều chuyện đời đã được viết sẵn, thậm chí còn được giải thích, trong cuốn sách về thế giới mafia của những người Ý nhập cư ở New York.

Nếu Ngũ Luân Thư là một “binh pháp” để rèn rũa con người trong cuộc đời và dạy chiến binh trong quyết đấu thì Bố Già có thể dùng để “học” cách suy nghĩ, phán đoán và ra quyết định trong hoàn cảnh khắc nghiệt bằng cách sử dụnng các nguyên tắc bảo vệ giá trị cốt lõi. Bố Già dễ học hơn Ngũ Luân Thư vì nó “dạy” bạn đọc bằng cách kể một câu chuyện li kỳ, tô điểm bằng những câu thoại bình dân với triết lý giang hồ về cuộc đời, về cách đối nhân xử thế, về hành vi của mỗi con người. Bạn đọc có thể học và áp dụng, hoặc hiểu hơn những chuyện xảy ra trong cuộc đời này, từ chuyện nhân sự trong cơ quan, chuyện cạnh tranh của các doanh nghiệp, chuyện đấu đá chính trường, và phần nào cả chuyện chính trị quốc tế.

Cuối đời, Don Vito dạy Michael, rằng sai lầm là cái phụ nữ, trẻ em được phép mắc phải, còn đàn ông thì không. Vụ án cảnh sát Phan Lê Sơn bị giết ở Hải Triều đã dẫn đến sự sụp đổ của đế chế tội phạm Năm Cam. Sự cố này cũng giống như ông trùm Vito Corlenone mười năm liền sống trong “hòa bình” và thịnh vượng đã để mất bản năng thận trọng của mình, suýt nữa đưa đại gia đình mafia này vào vực thẳm.

Chính trị gia đỉnh cao cũng không được phép sai lầm, nhất là khi đang ở đỉnh cao quyền lực. Ông trùm trẻ Don Michael học được điều ấy rồi ứng dụng nó trong bối cảnh mà ngôn ngữ quản trị ngày nay gọi là môi trường “coopetition” vừa hơp tác vừa cạnh tranh giữa các đại gia đình mafia bị đẩy đến giới hạn siêu cạnh tranh (super competition). Để chiến thắng, Don Michael tàn nhẫn không chỉ với đối thủ mà còn với người trong chính tổ chức của mình. Để làm được như vậy, Michael tuân thủ sắt đá nguyên tắc bảo vệ các giá trị cốt lõi của tổ chức (the family) và nguyên tắc bảo mật “không để ai biết suy nghĩ của mình”. Để bảo vệ quyền lực, trong các nhà nước phong kiến, hoặc ở các nước độc tài, người đứng đầu luôn có các cuộc thanh trừng đẫm máu mà nạn nhân có cả người trong gia tộc. Hitler, Mao, Kim Jung Un, Tập Cận Bình, Mahathir đều làm như vậy.

Có lần đi dự đám cưới, bỗng nhiên cả phòng tiệc xôn xao rồi phụ nữ ào về một bàn để chụp ảnh chung với một khách đến trễ. Đó là một ngôi sao ca nhạc được giới bình dân ưa chuộng và phong chức “ông hoàng”. Thật là thú vị khi, một việc như vậy, truyện Bố Già cũng nói đến. Bố Già gọi ngôi sao ca nhạc Johnny vào phòng để hỏi chuyện. Một trong những chuyện Bố Già quan tâm, đó là gã đàn ông nổi tiếng và đào hoa kia có dành thời gian cho gia đình không. Giá trị cốt lõi mà ông trùm xây dựng thành nguyên tắc: đàn ông phải dành thời gian lo cho gia đình. Lo cho gia đình theo nghĩa hẹp, và gia đình (tổ chức) theo nghĩa rộng.

Để lo cho tổ chức, người đàn ông ấy phải có năng lực điều hành một bộ máy, giám sát được mọi cá nhân liên quan đến tổ chức của mình. Chàng trai trẻ Enzo được Bố Già giúp đỡ tránh quân dịch, lơ ngơ đến thăm Bố Già trong viện để tỏ lòng biết ơn, rồi rơi vào tình huống hiểm nghèo: sát thủ tới bệnh viện để giết Bố Già. Enzo rất sợ nhưng ráng ở lại giúp Michael canh gác. Hành vi can đảm bé nhỏ ấy của Enzo vẫn được Tom Hagen, consigliere (mưu sĩ), của Bố Già ghi nhận thành tích.

Chỉ sau khi bị đại úy McCloskey đấm vỡ mặt, Micheal mới tự nguyện tham gia vào công việc của “gia đình”, một công việc mà một cựu chiến binh như anh vốn không chấp nhận. Đây cũng là một triết lý mà các nhân vật ưa lịch sử La Mã và Châu Âu hiện đại trong Bố Già luôn lấp lửng nói đến: phải đặt cá nhân mình vào mọi cuộc đối đầu, ngay cả Hitler và các đối thủ của ông ta cũng thành hay bại nhờ việc đặt cá nhân mình (personal) vào trong công việc (business). Đây là một triết lý giản đơn nhưng không phải ai cũng để ý, việc có thành hay không chỉ khi ta coi đó là việc của riêng mình, chứ không phải việc của chung, hay của người khác.

Khi đã đặt cá nhân mình vào mọi cuộc đối đầu, thì ngay cả việc rất khó nhằn như thương thuyết cũng trở nên đơn giản hơn nhờ đưa lý trí cá nhân vào trong việc nói chuyện lý lẽ (mà Ngọc Thứ Lang dịch rất hay là nói chuyện phải quấy). Tất nhiên chuyện phải quấy của Bố Già đôi khi kết thúc bằng việc hung thần Lucas Brasi chĩa súng vào đầu kẻ cứng đầu để “đưa ra một đề nghị không thể từ chối”.

Đúc kết từ kinh nghiệm đặt cá nhân mình vào mọi cuộc đối đầu, Don Michael dạy cháu ruột: “đừng căm ghét kẻ thù, vì điều ấy ảnh hưởng đến phán đoán của mình”. Ngay cả lúc căng thẳng nhất, cái nhau nổ trời với vợ, Michael lúc này đã là ông trùm cũng nói với vợ: mình sẽ nói mấy chuyện lẽ đời (common sense) với nhau.

*

Sống và đối xử với nhau bằng lý lẽ thông thường có lẽ là cách sống đơn giản và lành mạnh nhất.

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong sách, đời và được gắn thẻ , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.