Air America

15vanesobit

Bức ảnh nổi tiếng về sự kiện 30 tháng Tư năm 1975 là bức ảnh có caption “Cuộc di tản bằng trực thăng trên nóc nhà tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn ngày 30 tháng Tư”. Ảnh do Hubert Van Es, lúc đó làm cho United Press, chụp.

Bức ảnh này được chụp khoảng 2h30 chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975. Tòa nhà trong ảnh không phải là tòa nhà đại sứ Mỹ  (nay đã bị phá và xây tòa lãnh sự mới) mà là tòa nhà Pittman Apartments ở 22 Gia Long (nay là 22 Lý Tự Trọng, nằm cạnh trường Trần Đại Nghĩa, đi xuôi Đồng Khởi, rẽ trái độ vài chục mét là tới). Hubert Van Es chụp bức ảnh này từ ban công office của mình trên tòa nhà khách sạn Peninsula Hotel.

Cái máy bay Huey nhỏ trong tấm hình nổi tiếng này cũng không phải là trực thăng của hải quân Mỹ, mà là của Air America, một hãng hàng không tư nhân do CIA bí mật sở hữu.

*

Chỉ trong riêng hai ngày 29 và 30 tháng Tư năm 1975 đã có 7,014 người được đưa ra tàu của hải quân Mỹ bằng máy bay, trong đó Air America được ghi nhận thành tích không vận khoảng hơn 1,000 (có tài liệu nói tới 5,595) người ra tới tàu của hải quân Mỹ, hoặc tới các điểm trung chuyển (tòa đại sứ, cơ sở của DAO ở sân bay Tân Sơn Nhất, ở Cam Ranh). Máy bay của hải quân Hoa Kỳ chủ yếu bay từ sân tennis của tòa đại sứ hoặc từ sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh ra tàu quân sự ngoài biển.

Sân Sứ Quán 294

Những chuyến bay giải cứu của Air America trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn trước khi sụp đổ khá ngoạn mục. Các cú hạ cánh lên nóc nhà trong thành phố (Sài Gòn và Cần Thơ) đều là do Air America dùng trực thăng thực hiện. Phi công của Air America cũng sử dụng máy bay vận tải để di tản người từ căn cứ lớn nhất của họ ở Việt Nam là Đà Nẵng ra Cam Ranh.

Trong số những người di tản bằng trực thăng từ nóc tòa nhà Pittman có Trần Văn Đôn và Trần Kim Tuyến.

*

Đây là lần thứ hai Air America tham gia không vận ở Việt Nam. Năm 1954 họ tham gia cầu hàng không lớn nhất thế giới ở thời điểm ấy, chuyển được khoảng 20 ngàn người di cư từ Bắc Việt vào Nam Việt. Trong các chuyến bay ngược từ Nam ra Bắc họ chở biệt kích, điện đài, súng và thuốc nổ để phục vụ các hoạt động phá hoại miền bắc sau 1954. Các hoạt động này đều liên quan đến Lansdale và Conein. Conein lúc này sử dụng vỏ bọc MAAG và có văn phòng ở Hà Nội và chi nhánh ở Hải Phòng. Nhiệm vụ bề mặt của văn phòng này là giám sát di cư ở đầu miền bắc. Ở Hải Phòng vũ khí được chôn ở nghĩa trang thông qua các đám ma giả. Ở đồng bằng bắc bộ, vũ khí thuốc nổ và điện đài được chôn dọc theo sông Hồng. Mãi đến năm 1964 công an miền bắc mới tìm được vài  kho vũ khí bí mật này. Các điệp viên được gửi ra miền bắc bằng máy bay của Air America, sau khi tới Hà Nội đều sợ quá nên lại… xuống Hải Phòng lên tàu di cư vào Nam cùng những người lính Pháp cuối cùng. Sau năm 1954, những người nhái được đào tạo và thả từ biển vào miền bắc, hoặc biệt kích nhảy dù, đều bị miền bắc bắt và giam đến 1975. Người làm thất bại các chiến dịch phá hoại hậu phương này được cho là Phạm Xuân Ẩn và các bạn của ông.

Phái bộ cố vấn quân sự (Military Assistance Advisory Group – MAAG) đến Việt Nam rất sớm (1950). Trụ sở của họ là tòa nhà rất đẹp và cũng rất nổi tiếng ở vùng Chợ Quán. Tòa biệt thự này vốn là trụ sở (hội quán) của một tổ chức dân sự do những người Việt “elite” thành lập, đó là Hội Đức Trí Thể Dục (Société pour l’Amélioration Morale, Intellectuelle, Physique des Indigènes de Cochinchine – S.A.M.I.P.I.C). Tòa nhà này vẫn còn đến ngày nay, ở 606 Trần Hưng Đạo.

Đến năm 1962, MAAG nhập vào một cơ quan lớn hơn tên là Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (The US Military Assistance Command, Vietnam: MACV). Cơ quan này có trụ sở ở 606 Trần Hưng Đạo, rồi chuyển qua 137 Pasteur (tòa nhà này nay vẫn còn), rồi chuyển ra sân bay Tân Sơn Nhất (khu nhà cũng vẫn còn). MACV là cơ quan có thực quyền lớn nhất ở Nam Việt Nam trước 1973.

*

Air America hình thành khá sớm khi quân đội Hoa Kỳ còn đang phối hợp với quân đội của Tưởng Giới Thạch ở Đại Lục. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện ngày 31 tháng Giêng năm 1947, C-47 bay từ Thượng Hải đến Quảng Đông.  Ngày 24 tháng Chín năm 1948 họ thực hiện chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Côn Minh đến Hải Phòng. Đầu năm 1950 sau khi Tưởng thua Mao và chạy ra Đài Loan, hãng hàng không chính thức thành lập với tên Civil Air Transport (CAT ) ở bang Delaware Hoa Kỳ. Các máy bay của hãng được đăng ký ở Đài Loan. Trước đó, CAT đã được ghi nhận là hãng vận tải hàng không lớn thứ hai trên thế giới.

Tháng Sáu năm 1953 hãng bắt đầu hỗ trợ quân đội Pháp ở Bắc Việt bằng cách tiếp vận cho quân đội Pháp ở biên giới Việt Lào. Đầu tháng Năm, các phi công của CAT được gọi đến (căn cứ) Clark Air Force Base của Mỹ ở Phillippines để học cấp tốc 72 tiếng đồng hồ cách lái máy bay C-119 của quân đội Mỹ. Sau đó họ thực hiện sáu chuyến bay dùng C-119 sơn cờ Pháp tới Gia Lâm. Từ đây họ thực hiện các chuyến bay thả dù tiếp viện cho quân Pháp ở biên giới Việt Lào.

Đến tháng Giêng năm 1954, chính phủ Mỹ lại yêu cầu CAT phục vụ quân đội Pháp một lần nữa. Đến ngày 3 tháng Ba thì quân đội Pháp và CAT ký hợp đồng dich vụ bay. Hai mươi bốn phi công của CAT lái máy bay C-119 từ Cát Bi lên Điện Biên Phủ thả dù tiếp tế. Họ thực hiện 682 lần thả dù từ ngày 13 tháng Ba đến ngày 7 tháng Năm là ngày Điện Biên thất thủ. Bị Việt Minh bắn rơi một máy bay. Hai phi công chết.

Năm 1954, sau khi Geneva được ký, CAT  dùng 12 chiếc C-46 tham gia chiến dịch Operation Cognac để không vận người di cư từ Bắc vào Nam. Từ ngày 22 tháng Tám đến mùng 4 tháng Mười năm 1954, CAT đã không vận 19,808 người, bao gồm cả trẻ em, ra khỏi miền bắc Việt Nam.

Ngày 26 tháng Ba năm 1959 hãng được đổi tên thành Air America, do CIA bí bật sở hữu thông qua một công ty tên là Pacific.

*

Tưởng Kinh Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch, đi theo tư tưởng của cha mình là sử dụng các lực lượng quốc gia ở khắp nơi để ủng hộ thế giới tự do. Do được đào tạo ở Liên Xô, Kinh Quốc xây dựng quân đội theo mô hình xô viết mà trong đó quân ủy đóng vai trò quan trọng.  Ngô Đình Nhu áp dụng mô hình này ở Việt Nam Cộng Hòa để xây dựng quân đội có đảng Cần Lao bên trong và hỗ trợ tài chính để xây dựng các lực lượng bán quân sự ở bên ngoài. Mật vụ miền nam dưới thời Trần Kim Tuyến sử dụng nhiều hỗ trợ của Đài Loan, và một trong những ước mơ lớn của Trần Kim Tuyến là được Đài Loan viện trợ hệ thống do thám sóng vô tuyến hiện đại nhất bấy giờ. Phòng chiến tranh đặc biệt của VNCH xây dựng thời kỳ Ngô Đình Nhu (1960) là phỏng theo mô hình của Tưởng Kinh Quốc.

Các hoạt động của Phòng chiến tranh đặc biệt dính dánh nhiều đến các hoạt động của CIA và tất nhiên là Air America. Đến năm 1965, các hoạt động tình báo của Đài Loan, có tài trợ từ các thương gia Hoa Kiều giàu có, được cho là giúp Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ lên nắm chính quyền.  Đến đệ nhị cộng hòa, Phòng chiến tranh đặc biệt của Tưởng Kinh Quốc còn đề xuất sử dụng Quốc Dân Đảng  của Đài Loan tham gia chính trị ở Nam Việt Nam nhưng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ chối kế hoạch này. Thay vào đó Tưởng Kinh Quốc tài trợ cho một người cũ của quân đội Quốc Dân Đảng là Nguyễn Lộc Hóa xây dựng lực lượng bán quân sự. Trong suốt thời kỳ này, Đài Loan cho phép Air America sử dụng cở sở ở Đài Loan để thực hiện các nhiệm vụ ở Đông Dương. Công ty làm dịch vụ kỹ thuật cho Air America, cũng do chính Air America sở hữu, có tên là Air Asia, có trụ sở chính ở Đài Loan và đặt cơ sở ở sân bay Tainan. Có thời gian Air Asia còn có thêm cơ sở căn cứ không quân Tachikawa (Nhật Bản). Thậm chí China Airlines của Đài Loan còn tham gia vận hành các chuyến bay của Air America ở Nam Việt Nam.

Tháng Tám năm 1959 chủ tịch và phó chủ tịch hãng Air America, đóng văn phòng ở Đài Bắc, nhận được nhiệm vụ cử phi công đi học lái trực thăng ở Nhật và Philippines. Vậy là Air America bắt đầu dấn thân vào các nhiệm vụ bí mật sử dụng trực thăng ở Lào và cao nguyên trung phần ở Việt Nam. Các chiến dịch hỗ trợ (y tế, lương thực) và huấn luyện người thiểu số thành lập lực lượng bán quân sự bắt đầu hình thành.

*

Ngày 9 tháng Ba năm 1961 tổng thống Kennedy chỉ đạo CIA tiến hành cuộc chiến bí mật ở Lào. Các hoạt động của CIA liên quan đến người H’mong, tướng Vàng Pao, … đều sử dụng phi công và máy bay của Air America, chủ yếu cất cánh từ Udorn (Thailand).  Để bay được tới Lào, CIA phải đàm phán để hải quân Mỹ chuyển máy bay UH-34  cho Air America để thay thế máy bay H-19. Ngày 29 tháng Ba, 16 chiếc UH-34 bay từ Bangkok đến căn cứ của Air America ở Udorn, kể từ đây CIA bắt đầu dính líu vào cuộc chiến của người Hmong chống lại Pathet Lào.

Vàng Pao, một người được Lou Conein chọn, chiếm được quyền từ vua Mèo Touby Ly Foung, đã xây dựng lực lượng bán vũ trang có lúc lên đến 9000 người và 4000 người dự bị. Các hoạt động của Vàng Pao chỉ ở vùng núi và lực lượng phải phân tán nên CIA đóng vai trò cực kỳ quan trọng. CIA không chỉ hỗ trợ vũ khí mà còn phải làm công tác tiếp vận, bao gồm cả cứu đói cho các làng thiếu lương thực. Người đứng sau các hoạt động này, một lần nữa là Edward G. Lansdale.

Cùng thời gian này ở Sài Gòn, Air America bắt đầu huấn luyện phi công và kỹ thuật viên cho Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có Nguyễn Cao Kỳ. Đồng thời tham gia các hoạt động của CIA huấn luyện vũ trang cho các nhóm thiểu số ở cao nguyên.

Năm 1961, ở Sài Gòn, CIA dựng một công ty vỏ bọc cho Air America tên là VIAT (Vietnam Air Transport – Việt Nam Không Vận). Máy bay C-47 của Air America được chuyển cho VIAT. Nhiệm vụ của VIAT là thả biệt kích dù ra miền bắc. Trước đó, tháng Năm năm 1961, chuyến bay C-47 đầu tiên do Nguyễn Cao Kỳ lái, bay qua vịnh Bắc Bộ, vào Sơn La và thả toán nhảy đầu tiên có mật danh Castor. Các hoạt động thả biệt kích dù và người nhái ra Bắc việt này về sau rất nổi tiếng với tên Việt là Biệt Kích Sở Bắc (biệt kích của Sở Bắc, tức P45, thuộc Nha Kỹ Thuật).

Nha Kỹ Thuật là cơ quan tình báo do Ngô Đình Nhu thành lập năm 1958, lúc đầu là một đơn vị nhỏ gọi là Phòng 6 thuộc Tổng tham mưu, sau đổi thành Sở liên lạc phủ tổng thống rồi đổi qua các tên: Lực lượng đặc biệt, Sở khai thác địa hình, Nha Kỹ Thuật. Các cơ quan trong Nha Kỹ Thuật  đều sử dụng các tên giả như Sở Bắc, Sở Liên Lạc, Sở Tâm Lý Chiến, Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Cho đến 1963, nha do Lê Quang Tung lãnh đạo nhưng thực tế Ngô Đình Nhu điều hành trực tiếp. Các hoạt động biệt kích dù và thả người nhái ra miền bắc hầu hết là thất bại, nhiều biệt kích bị bắt, có người bị tử hình. Tháng Bảy năm 1961, chiếc máy bay C-47 do Phan Thanh Vân lái thay Nguyễn Cao Kỳ, bay ra bắc thì bị bắn rơi, Phan Thanh Vân bị bắt làm tù binh và Hà Nội đưa tin lên báo chính thống.

Tháng Tám năm 1966 CIA và Air America xây dựng trạm hoa tiêu Tactical Air Naviagtion (TACAN) ở núi Phou Pha Thi (Lào) để hướng dẫn máy bay Mỹ ném bom miền bắc Việt Nam khi chiến tranh leo thang. Trạm hoa tiêu này phía Mỹ gọi là Lima Site 85 còn phía Bắc Việt gọi là trạm radar núi  Pa thí, Sầm Nưa, Lào. Painting_lima85Ngày 12 tháng Một năm 1968, phi đội sử dụng 4 máy bay vận tải An-2 của Phan Như Cẩn (không quân Miền Bắc) cất cánh từ Gia Lâm và bay thấp không dùng radio dẫn đường để bảo đảm bí mật, đã tấn công trạm hoa tiêu này bằng rocket và pháo. Nhân viên CIA gọi Air America đến hỗ trợ. Máy bay của Phan Như Cẩn được cho là bị trực thăng của Air America truy đuổi, bắn bằng súng trường, va vào đỉnh núi khiến phi hành đoàn hy sinh. Xác máy  bay được đưa về That Luong. Các thiết bị radar  của Lima không sao. Ngày 18 tháng Hai, lực lượng bán vũ trang người Hmong do CIA chỉ huy phục kích đặc công Bắc Việt và bắt được kế hoạch tấn công Lima. Ngày 9 tháng Ba đặc công của miền bắc, được bộ đội Việt Nam và Pathet Lào hỗ trợ đã tấn công Lima 85. Quân đội hoàng gia Lào, cảnh sát biên phòng Thái (cũng là một lực lượng vũ trang do CIA đào tạo), và du kích Hmong không giữ nổi Lima 85. Nhân viên CIA gọi không quân yểm trợ để Air America dùng trực thăng di tản người đi khỏi Lima, ngày hôm sau tiếp tục quay lại cứu người chết và bị thương, kể cả lính Hmong. Từ ngày 12 đến 18 không quân Mỹ bắn phá trạm Lima 85, ngày 19 ném bom trạm này, phá hủy hoàn toàn trạm radar.

*

Từ tháng Ba năm 1965, Không lực Đài Loan viện trợ ngầm cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng dùng vỏ bọc là Air America, bằng cách thông qua China Airlines cho Air America mượn máy bay vận tải và tổ lái.

Sau 1965, Air America hoạt động mạnh ở Nam Việt Nam. Air America, vì là hãng dân dụng, đã mở tuyến bay tới hầu hết các tỉnh, bao gồm cả cao nguyên trung phần, để tham gia các chiến dịch kiểu chiến dịch Phượng Hoàng. Air America chở cả tù chính trị ra Côn Đảo. Sau Sài Gòn, Air America mở cơ sở ở các sân bay: Đà Nẵng, Nha Trang và cuối cùng là Cần Thơ. Air America đôi khi tham gia hoạt động quân sự, như cứu hộ trận Khe Sanh hay đưa biệt kích dù vào khu phi quân sự. Các phi công của Air America chắc đã thuộc lòng địa hình miền nam, một kinh nghiệm rất hữu ích khi họ bay để di tản người khỏi miền nam Tháng Tư năm 1975.

Thẻ ra vào phi trường Tân Sơn Nhất của nhân viên Air America

Sau hiệp định Paris, Air America đóng cửa các căn cứ của mình ở Udorn, chấm dứt các chuyến bay phi pháp từ nước này qua nước khác ở Đông Dương, nhưng vẫn hoạt động ở Nam Việt Nam cho đến 1975.

Ngày 23 tháng Ba năm 1975, Air America bắt đầu dùng trực thăng di tản các nhân vật quan trọng từ Huế và Quảng Trị vào Đà nẵng, trên đường bay bị chính quân đội VNCH bắn nhưng không rơi.

Ngày 7 tháng Tư năm 1975, Air America đi khảo sát 37 tòa nhà trong nội đô Sài Gòn để tìm chỗ đáp trực thăng khẩn cấp. Họ tìm được 13 căn nhà có thể làm landing zone trong đó có nhà 22 Gia Long và tất nhiên là cả tòa nhà trá hình của CIA là khách sạn Duc Hotel (nay là khách sạn Victory). Air America cũng lên kế hoạch di tản, chuẩn bị sẵn máy bay, xăng và đặc biệt là duy trì hệ thống liên lạc riêng của mình, đồng thời yêu cầu kết nối với trực thăng của hải quân Mỹ.

Tháng Hai năm 1979, khi Trung Quốc tấn công biên giới phía bắc Việt Nam. Ba trong bốn quân đoàn chính quy của Việt Nam đều ở chiến trường Cambodia. Lập tức quân đội Liên Xô bí mật đặt sở chỉ huy tiền phương ở khách sạn Duc Hotel (khách sạn Victory hiện nay). Từ ngày 27 tháng Hai đến 4 tháng Ba, không quân Liên Xô sử dụng máy bay An-12 không vận toàn bộ Quân đoàn 2 từ chiến trường Cambodia ra Bắc Giang. Liên Xô cũng bí mật cung cấp pháo BM-21, pháo phản lực rất hiện đại lúc bấy giờ, cho Việt Nam. Ở Việt Nam, pháo này phổ biến hơn với tên gọi Ca-chiu-sa (Katyusha/Катюша). Ngày 5 tháng Ba, một ngày sau khi Quân đoàn 2 tập hợp đủ lực lượng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký lệnh tổng động viên,  thì Trung Quốc tuyên bố rút lui.

Trước đó mấy ngày, chuyên viên phân tích của CIA là Frank Snepp lái xe trong đêm đưa tổng thống Thiệu đã từ chức ra sân bay và bay bằng máy bay C-118 của không quân Mỹ qua Đài Bắc. Chiếc máy bay này vốn là của tổng thống Mỹ tặng cựu đại sự Bunker để thời gian ông này làm việc ở Sài Gòn có cái để đi thăm vợ làm đại sứ ở Nepal.

Cuối tháng Tư năm 1975, Air America tham gia chiến dịch Frequent Wind. Chiến dịch này dùng trực thăng  di tản khỏi Sài Gòn, Đà Nẵng và Nha Trang  51,888 người, trong đó Air America di tản 45,125 người. Các phi công của Air America bay liên tục từ đất liền ra hạm đội, đổ xăng rồi bay tiếp.

Từ năm 1995 đến năm 1998 tôi sống ở khu số 7 Nguyễn Thị Minh Khai. Trong căn phòng tôi ở có những thùng sách cũ. Sách đều đóng dấu của một thư viện rất kỳ lạ: Đài tiếng nói tự do – Voice of Freedom. Sau này tôi mới biết khu nhà số 7 chính là đài phát thanh bí mật của CIA, có tên là “House Seven”. Tòa nhà Pháp rất đẹp này mới bị phá cách đây vài năm để xây trụ sở VOV/VTV.

Ở đây CIA đặt các đài phát thanh để phát các chương trình tuyên truyền tới Lào, Cambodia, Trung Quốc và tất nhiên là cả Bắc Việt Nam. Các chương trình mà thanh niên nhà giàu Hà Nội hay nghe hồi đấy như Sinh Bắc Tử Nam, Gươm Thiêng Ái Quốc đều được sản xuất từ khu nhà số 7  này (con đường lúc đó mang tên đường Hồng Thập Tự ). Chương trình Đài Mẹ Việt Nam nhắm vào binh lính VNCH cũng được sản xuất ở đây. Họ có các tiểu ban để phát tin tức giả, gọi là ban Lừa Địch.

Đài này thành lập năm 1964, sử dụng các nhân viên Tâm Lý Chiến của VNCH rồi do VOA đào tạo. Lúc đầu chưa có đài phát sóng, băng ghi âm được đưa ra Hạm Đội 7 để phát. Sau có đài phát ở Cồn Tè (Huế) thì phát đặt tại đây.  Trung tâm phát tuyến Cồn Tè có máy phát mạnh nhất ĐNA lúc đó.

Ngoài sự cộng tác của  các nghệ sĩ nổi tiếng hồi đó từ Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, gia đình Phạm Duy, Đài Tiếng Nói Tự Do có một chương trình nhạc quốc tế tên là “Nhạc tuyển bốn phương” được thanh niên Hà Nội rất thích. Nhạc hiệu của chương trình này là bản A Taste of Honey do ban nhạc Tijoana Brass chơi. Bài nhạc này ai thích nghe Beatles đều biết. Còn một chương trình nữa chuyên dạy nhạc, có Đoàn Chính con trai Đoàn Chuẩn dạy hát.

Đài Mẹ Việt Nam phát muộn hơn, có lẽ sau Paris 73, phát trưa hằng ngày. Đài này có chương trình Tứ quái Giao chỉ gồm có Nguyễn Dương (giọng Nam), Ngọc Thu (giọng Bắc rất quyến rũ), Mai Thi (giọng nam) và một người nữa. Chương trình này có chuyện hài và giới thiệu âm nhạc Mỹ, Pháp. Họ còn một chuyên mục nhắm vào lính Bắc Việt, có hai anh bộ đội nói chuyện với nhau, một trong hai anh này có người yêu là Cô Mận rỗ huê. Hình như Thanh Hoài đóng một trong hai vai người lính ấy.

Đài tự do phát cả tin chiêu hồi. Anh Dân phố Thuốc Bắc hồi đó nghe đài này mê quá, đi bộ đội, trốn vào Nam, lên đài này phát biểu, thế hệ 5x nhà giàu Hà Nội hồi ấy xôn xao. Anh này có em gái hình như là diễn viên múa Thu Ba nổi tiếng.

Bề ngoài Đài Tiếng Nói Tự Do thuộc Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu. Bên trong thực sự họ dùng tiền của MAAG và do nhân viên CIA lãnh đạo. Nhân viên CIA tên là Charle Eugene Taber làm việc ở đài này trong bốn đêm liền kể từ đêm 21 tháng 4 đã cùng Air America vận chuyển 144 nhân viên của Đài tiếng nói tự do và hơn 1000 người thân của họ từ Sài Gòn ra Phú Quốc. Từ Phú Quốc, nhân viên CIA này tổ chức cho họ đi Guam bằng tàu biển.

*

Ngày 30 tháng Sáu năm 1976 hãng Air America đóng cửa. Công ty mẹ, sở hữu Air American và Air Asia cũng đóng cửa vào năm 1979.

Slogan của hãng nay gần như đi vào quên lãng: “Anything, Anywhere, Anytime, Professionally”.

Trong thời gian còn hoạt động, Air America được mệnh danh là hãng hàng không bị bắn nhiều nhất thế giới. Các phi công của hãng chủ yếu là các tay lái điêu luyện. Hơn 230 người chết trong lúc làm việc, nhưng không được ghi công và không được ghi tên lên bức tường lính Mỹ tử trận ở Việt Nam bởi họ là các phi công ký hợp đồng dân sự và bay nhiều chuyến bay bí mật.

*

Khi Mỹ rút quân khỏi Kabul tháng Tám 2021, RFI có bài dài phân tích sự kiện này, trong đó nhắc lại 30 tháng Tư.

Việt Nam tháng Tư 1975 : Cuộc di tản ngoạn mục từ Cần Thơ

Về vấn đề di tản, trong bài viết « McNamara, vị lãnh sự Mỹ không bỏ rơi ai ở Việt Nam », Le Figaro cho biết ở tuổi 93, nhà cựu ngoại giao theo dõi thảm kịch Afghanistan và nhớ lại cuộc phiêu lưu lịch sử của mình. Tháng Tư năm 1975, chống lại chỉ thị của cấp trên, Terry McNamara, lãnh sự Mỹ ở Cần Thơ, đã cứu hàng ngàn người Việt bị Việt Cộng đe dọa, đưa các cộng sự ra đi bằng đường thủy.

Trong chiến dịch tấn công của quân Bắc Việt mùa xuân năm ấy, các thành phố lớn của Miền Nam lần lượt thất thủ, thủ đô Sài Gòn bị đe dọa. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thiếu đạn dược trầm trọng, hỗ trợ về logistic và tài chính của Hoa Kỳ không còn, dù được cam kết khi ký hiệp định hòa bình năm 1973.

Người Mỹ âm thầm vạch ra kế hoạch di tản « Frequent Wind » (Gió Lốc), nhằm đưa tất cả công dân Mỹ khỏi Việt Nam, nhưng không báo cho các cộng sự người Việt. Đối với Cần Thơ, ba chiếc trực thăng được dành cho việc di tản 18 nhân viên lãnh sự trong đó có các nhân viên USAID, CIA và 6 thủy quân lục chiến. Nhưng Terry McNamara phản đối, nói với đại sứ Graham Martin ở Sài Gòn là sẽ đưa tất cả mọi người ra đi.

Bằng quan hệ, McNamara tìm được hai chiếc xà lan đổ bộ có sườn chống đạn chắc chắn, loại Mike Boat hay LCM (Landing Craft Mechanized), đưa về Cần Thơ, thận trọng cho đậu cách xa nhau. Cả hai được đổ đầy nhiên liệu, trữ lương thực và đạn dược. Trong suốt tháng Tư, ông lặng lẽ đóng cửa dần 16 chi nhánh ở đồng bằng sông Cửu Long, gởi từng nhóm người Mỹ và Việt ra đi ở Tân Sơn Nhứt theo những chuyến bay của Air America – biệt danh của công ty hàng không được CIA tài trợ, dành cho các hoạt động ở Đông Nam Á. Tổng cộng có 3.000 người, có những gia đình ra đi toàn bộ. Song song đó, ông liên lạc với Hải quân để có được điểm hẹn với một chiến hạm chỗ cửa sông đổ ra biển.

Những « boat people » đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa

Sáng 29 tháng Tư, đài phát thanh quân đội phát ra thông điệp mã hóa về việc di tản khẩn cấp công dân Mỹ « Nhiệt độ ở Sài Gòn là 105 độ và đang tăng lên », cùng với bài hát I’m Dreaming of a White Chrismas (Tôi Đang Mơ Một Giáng Sinh Tuyết Trắng). Ở Cần Thơ, những loạt đại bác bỗng nã vào trung tâm thành phố. Terry McNamara ra khỏi nhà, để nguyên tất cả đồ đạc để tránh nghi ngờ, cùng với những xấp đô la trong bao thư như đền bù cho những người phục vụ. Tại Tân Sơn Nhứt, nhiều trực thăng bị Việt Cộng bắn rơi, hai thủy quân lục chiến tử thương vì đạn moọc-chê.

Lãnh sự Cần Thơ gọi cho Jake Jacobson, người điều phối chiến dịch di tản, báo rằng sẽ ra đi bằng đường sông cùng với nhiều người Việt, không dùng đến ba chiếc trực thăng được phân bố. Dù bị phản đối kịch liệt, rốt cuộc ông thuyết phục được cấp trên. Khi khởi hành, ông ra lệnh tước tất cả vũ khí của hành khách, để tránh những cảnh như đã xảy ra ở Đà Nẵng, Nha Trang.

Rắc rối đầu tiên : Hai khinh hạm của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa áp sát đòi cho quay lại vì nghi ngờ hai chiếc Mike Boat chở lính đào ngũ, nhưng rốt cuộc được ra đi nhờ một cấp trên của họ can thiệp qua bộ đàm. Đi qua một nhóm đảo, rốc-kết của Việt Cộng bắn ra như mưa, thủy quân lục chiến Mỹ bắn trả, may mắn là mưa lớn ập xuống khiến hai bên không còn thấy nhau ở cách 10 mét.

Ra đến điểm hẹn, không có chiến hạm nào chờ đợi : Hải quân Mỹ đã quên họ. Những « thuyền nhân » đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa quyết định vẫn ra khơi. Đến tối, họ được chiếc Pioneer Contender vớt, đây là chiếc tàu được CIA gởi đi di tản nhân viên ở Đà Nẵng. Terry McNamara được coi như người hùng, nhưng ông bị Washington khiển trách vì bất tuân thượng lệnh. Nay thì chuyện cũ với bộ Ngoại Giao đã qua, nhưng không ai tham vấn ông về việc di tản khỏi Afghanistan. Nhà cựu ngoại giao mỉm cười : « Tôi hiểu. Ở Kabul, không cần đến nhà hàng hải ».

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong nhảm và được gắn thẻ , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.