Phong tục của tình yêu

Từ lúc mở mắt thức giấc đến lúc tắt đèn kéo chăn lăn quay ra ngủ, mỗi ngày ta làm bao nhiêu việc, trong đấy có những việc thuộc về nếp quen. Những nếp quen có ích dần lan tỏa từ người này qua người khác, từ cộng đồng này qua cộng đồng khác. Nề nếp lan truyền rộng rãi từ vùng này qua vùng khác như vậy được gọi là Phong.

Trong một năm ta thực hiện bao nhiêu việc lễ nghi phép tắc, những việc ấy cha mẹ ông bà đã từng làm y như thế, từ bao đời nay. Những thói quen truyền qua nhiều đời như thế được gọi là Tục.

Phong tục, một khái niệm quen thuộc gần gũi, gắn bó với cuộc sống thường ngày, vậy mà cũng vẻ như ẩn chứa bên trong hai yếu tố: không gian và thời gian.

Có phải chăng bởi con người sinh ra tức là tồn tại trong lòng vũ trụ. Và một phần của Vũ Trụ chính là Con Người.

*

Đứng trước một bức tường khổng lồ, rộng mênh mông và cao vô tận, ta bất chợt nhận ra trước mặt mình một cánh cửa. Bên kia cánh cửa là gì?

Bức tường có bề dày, bằng bề dày của hàng gạch, nhưng so với bề mặt khổng lồ thì bề dày này coi như  mỏng dính. Mở cửa và đặt chân lên ngưỡng, ta như hòa mình vào cái mặt phẳng mênh mông của bức tường, chỉ cần nhích lên một chút dường như ta sẽ “thoát” sang một không gian xa lạ.

Bắt chước Carl Sagan, ta giả định ở mặt tường bên kia là những con người-bò-sát cả đời chỉ bò ngang dọc trên mặt bức tường và chỉ nhìn thấy những gì nằm mặt phẳng ấy. Đối với họ thế gian này chỉ là mặt phẳng hai chiều và họ chỉ nhìn được những gì xuất hiện cái mặt phẳng mênh mông ấy

Thế rồi ta, sau một lúc ngập ngừng trên ngưỡng cửa, đã dũng cảm nhích một chút, và thế là từ bên không gian bên này, ta đột ngột xuất hiện ở mặt phẳng tường phía bên kia. Với ta, đây chỉ là sự dịch chuyển nhỏ trong không gian ba chiều quen thuộc của mình. Còn với những người-bò-sát bên kia, sự xuất hiện của ta tựa như từ trên trời rơi xuống. Những con người bò-sát chỉ biết đến không gian hai chiều ấy sẽ không thể nào hiểu được tại sao ta đột ngột xuất hiện trước mặt họ. Thậm chí ta có thể xuất hiện bất cứ chỗ nào trên mặt phẳng ấy nếu như bức tường tồn tại vô số cánh cửa. Hoặc giả ta có cũng có thể bất ngờ biến mất ngay trước mũi họ như tan biến vào khí quyển vậy.

Ta có thể giải thích với họ: Chúng tôi đến từ chiều không gian thứ ba.

Tất nhiên họ sẽ rất hoài nghi về cái chiều không gian thứ ba ấy. Chiều thứ ba của không gian nằm ngoài nhận thức của những con người-bò-sát.

Với con người bình thường, tức là chúng ta, chiều không gian thứ tư cũng bí hiểm và không thể làm chủ được, y như chiều thứ ba của không gian đối với mấy ông người-bò-sát.

Thượng Đế cho con người cảm nhận được không gian ba chiều và sống ở trong không gian ấy. Thậm chí Thượng Đế còn cho loài người mặc sức di chuyển trong không gian: xuống đáy đại dương, lên cung trăng thăm chú Cuội. Con người có thể đến chỗ mình muốn, ví như một hòn đảo thơ mộng, cả chục lần ở nhiều thời điểm khác nhau trong đời. Thậm chí con người có thể quay ngược không gian trở về nơi xưa cũ để sống cùng  ký ức dịu êm như những ngày thơ ấu.

Nhưng Thượng Đế không cho con người chiều thứ tư của không gian. Bởi nếu có chiều thứ tư như vậy, mỗi khi cuộc sống nặng trĩu mệt mỏi hay khổ đau, con người sẽ vứt tất cả ở lại để mở cánh cửa bất kỳ mà bước qua không gian khác.

Nếu nắm được chiều thứ tư của không gian, con người sẽ để lại phía sau một không gian ba chiều bê bết hỗn loạn và đầy dang dở.

*

Trong các sinh vật sống trên trái đất, thậm chí tính cả toàn vũ trụ, chỉ duy nhất con người được Thượng Đế cho khả năng đặc biệt: ý thức được thời gian.
Con người nhận thức được thời gian, chấp nhận sự trôi đi lặng lẽ và vô tình của nó, bên cạnh và trong suốt cuộc đời mình.

Cùng với sự trôi đi đều tăm tắp và không thể chạm vào được của thời gian là tất cả hạnh phúc và khổ đau, bình an và lo lắng, bay bổng vô ưu hay nặng trĩu lo toan.

Ý thức được, nhưng con người không có cách nào tác động được vào thời gian. Không làm nó chạy nhanh về tương lai, sớm đến cái thời điểm mình mong chờ. Lại càng không quay ngược quá khứ để sống một lần nữa những khoảng thời gian mình thấy lòng bình yên.

Con người tự do bao nhiêu trong không gian thì bó buộc bấy nhiêu với thời gian. Con người chỉ có thể làm chủ được những khoảnh khắc của hiện tại. Những khoảnh khắc ấy tồn tại rất nhanh, lướt qua nhận thức và tri giác, chỉ trong một phần ngàn của tia chớp, rồi trôi về phía sau và trở thành quá khứ.
Thời gian hình thành một sợi dây vô hình ghi lại lịch sử của mỗi con người.

Và ghi lại lịch sử của cả vũ trụ.

Vì con người là môt phần của vũ trụ.

*

Cuối thế kỷ thứ ba có một thanh niên da đen sống đời trác táng ở xứ Hippo Châu Phi thuộc La Mã. Chàng thanh niên này sau đó rũ bỏ cuộc sống đời thường, qua Roma học tập, cải đạo và trở thành một nhà thần học nổi tiếng. Sau này anh được phong thánh. Đó là Thánh Augustine.

Thánh Augustine nghiên cứu sách Sáng Thế Ký, rồi viết hẳn một cuốn sách về Thời gian và Sự vĩnh hằng (thuộc bộ sách Confessions). Trong cuốn sách này ông viết suy nghĩ của mình xung quanh câu hỏi: “Nếu Thượng Đế sáng tạo ra vũ trụ, thì trước khi sáng tạo ra vũ trụ, ông Thượng Đế ấy làm gì?”.

Thánh Augustine lập luận về việc: “Liệu thời gian, như là một đại lượng mà con người nhận thức được, có phải là một phần nằm trong việc sáng tạo ra vũ trụ của Thượng Đế hay không?”. Augustine không đưa ra câu trả lời, nhưng ông viết rằng Thượng Đế đã quyết định, ở bên ngoài thời gian, việc sáng tạo ra Vũ Trụ. Cái “khởi thủy” để bắt đầu cả vũ trụ ấy là một điểm cố định nằm bên ngoài thời gian. Đấy là điểm bắt đầu của vạn vật, và cũng là điểm vạn vật sẽ quay về. Điểm cố định ấy cũng chính là Thượng Đế.

Suy nghĩ này của Thánh Augustine rất giống với quan điểm của vũ trụ hiện đại, về điểm khởi đầu Big Bang, thời gian và sự dãn nở cũng như co lại của Vũ Trụ. Stephen Hawking cũng đã viết một ý, rằng trước Big Bang, không tồn tại thời gian. Và sau này khi vũ trụ co lại và sụp đổ về một điểm (Big Crunch), thời gian cũng sẽ chấm dứt.

Thời gian của vũ trụ có điểm bắt đầu và kết thúc. Có Thủy có Chung.

Thế là vũ trụ cũng giống như con người vậy. Thời gian của con người có thủy có chung. Thời gian của con người bắt đầu khi họ là mầm sống trong bụng mẹ và kết thúc khi nhắm mắt xuôi tay. Thời gian của con người có sinh có diệt. Đời mỗi con người tự có diệt có sinh.

Phải chăng cuộc đời của mỗi con người là hình bóng của Vũ trụ?.

Con người có sự sống và ý thức. Còn vũ trụ, liệu vũ trụ có ý thức bên trong sự sống của mình hay không?

*

Thượng Đế, tức là Tạo Hóa, cho sinh-vật-người khả năng nhận thức thời gian thì Thượng Đế cũng cho con người ưu việt về mặt sinh học hơn tất cả các sinh vật khác. Ngay cả với loài vượn, là loài gần gũi với con người nhất về sinh học nhất, cũng vẫn thua xa con người.

Nhà động vật học Desmond Morris cho chúng ta biết con người là sinh vật duy nhất có quá trình hoàn thiện bộ não kết thúc sau khi dậy thì. Các sinh vật khác, như vượn, bộ óc hoàn thiện rất nhanh, chỉ trong vài năm, trước khi con vượn phát dục rất lâu. Với con người bộ não vẫn tiếp tục được hoàn thiện trong nhiều năm sau khi họ dậy thì.

Phải chăng là do Tạo Hóa biết rằng: để con người nhận thức được thời gian vô hình thì con người phải thấy được lịch sử của chính mình ghi trên sợi chỉ vô hình thời gian ấy.

Con người luôn như “mắc kẹt” ở hiện tại. Con người không thể du hành ngược về quá khứ. Cũng không thể chạy nhanh vào tương lai. Nhưng con người biết ngắm nhìn ký ức phía sau và mong chờ tương lai phía trước.

Để nhìn được ký ức phía sau và mong chờ tương lai phía trước, con người cần một thời gian rất dài để trưởng thành, để học cách cảm nhận thời gian trôi đi trong không gian, để con người hiểu rằng thời gian chỉ tồn tại với từng cá nhân bằng những sự kiện và những sự kiện này lần hồi sẽ trở thành ký ức: Lần đầu tiên được bố dẫn đi uống cà phê, lần đầu tiên đi học, rung động đầu tiên với những thiếu nữ , nụ hôn đầu tiên và những vấp ngã, những đau khổ non dại.

Bằng cách nhìn trở về những sự kiện trong quá khứ mà con người đứng ở hiện tại có thể cảm nhận được: có một thời gian đã đi qua và chắc chắn có một thời gian khác đang đi tới.

Một con người sinh ra, lớn lên mà không có dù một sự kiện trong đời , sợi chỉ vô hình ghi một lịch sử trống trơn, liệu con người ấy có cảm nhận được thời gian?

*

Thượng Đế sắp đặt tất cả như vậy. Rồi Thượng Để bỏ lại vũ trụ ở trong miền thời gian còn mình thì ở bên ngoài và không làm gì cả: một sự lười nhác và thờ ơ của vĩnh hằng. Sau khi làm ra vũ trụ, có lẽ ông Thượng Đế của sáng tạo tuyệt đối ấy chỉ làm một việc duy nhất là chờ đợi. Một sự chờ đợi vĩnh cửu: từ điểm bắt đầu Big Bang khởi sinh Vũ Trụ, đến lúc Vũ trụ bao la sụp đổ về điểm kết thúc.

Trong khoảng thời gian dường như là vô tận ấy, Vũ trụ ấy tự biết cách tung con xúc xắc của Feynman để lựa chọn cho chính mình một lịch sử. Vũ trụ với con xúc sắc trong tay chính là Trời Đất trong lời Lão Tử: “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”.

Hawking cũng đã viết về một Vũ trụ chơi xúc sắc từ ngay sau khi có Big Bang, để gián tiếp bênh vực Einstein khi ông này cứ nhất định không chịu công nhận có một Thượng Đế chơi xúc xắc.

Còn cái ông Einstein ấy lại chính là kẻ đầu tiên cho cả loài người biết rằng: Có một cái không thời gian bốn chiều và thời gian thực là chiều thứ tư bên cạnh ba cái chiều của không gian mà ai cũng có thể nhận thức được.

*

Thượng Đế không cho Vũ trụ chiều không gian thứ tư để con người có thể nhận thức được. Con người không thể mở cánh cửa bất kỳ để bước qua và thoát khỏi không gian của hiện tại mà họ, vì lí do gì đó, đã cảm thấy mệt nhoài hay chán ngán.

Thượng Đế cũng biết trước loài người sinh ra là để …thiếu chín chắn và phạm vô số sai lầm. Trục thời gian ông Thượng Đế trao cho vũ trụ bởi vậy chỉ có một chiều bất biến. Những sự kiện làm nên lịch sử của mỗi cá nhân, là những sự kiện không thể đổi thay.

Con người nhận thức nhưng không làm chủ được  chiều thời gian. Họ không thể quay lại quá khứ để sửa chữa lỗi lầm; hoặc quay lại chỉ để tìm những khoảnh khắc bình yên của cái thời con tim chưa bao giờ thương tổn.

Một cái cười khẩy của Vũ trụ và Thời gian sẽ là bao nhiêu biến cố của loài người: chiến tranh và dịch bệnh, thịnh vượng và suy vi. Con người thật là bé nhỏ như cát bụi trong biết bao nhiêu cuộc bể dâu, trong sự trỗi dậy và suy tàn của biết bao đế chế.

***

Câu thơ Xuân Diệu, “tôi của phút trước sang tôi phút này”, không biết vô tình hay hữu ý đã thể hiện được sự biến đổi của vạn vật theo thời gian. Chỉ thoáng qua một cái là mọi sự đã khác. Đã ở trong thời gian là phải chịu sự biến đổi.

Muốn vĩnh hằng bất diệt, phải tìm cách ở bên ngoài của thời gian. Bởi thế đến nay người ta mới chỉ biết có ông Thượng Đế, tức là Đại Ngã hay còn gọi là Đấng Tạo Hóa, là có khả năng như vậy. Còn con người cũng như vũ trụ, có sinh ra rồi có lúc chết đi. Ở giữa hai cực ấy và vô số các đổi thay diễn ra liên tục, từ tôi phút trước của quá khứ qua tôi phút này của hiện tại. Hiện hữu ở hiện tại ấy, chỉ có ta mới biết được quá khứ khác biệt của chính mình một giây trước đó trong quá khứ mà thôi.

Thánh Augustine cho rằng có ba thực tại trong trí óc: “Sự hiện diện của quá khứ, đó là ký ức; sự hiện diện của hiện tại, đó là sự chú ý quan tâm; sự hiện diện của tương lai, đó là sự kỳ vọng”. Trong một khoảnh khắc rất mỏng của hiện tại, cả ba thực tại ấy cùng tồn tại, như một sát-na của Phật giáo: trong hiện tại có cả quá khứ lẫn vị lai.

Ông cũng viết về sự Vĩnh Hằng: “Nếu hiện tại luôn luôn ở cái ngưỡng mà quá khứ vừa kết thúc còn tương lai chưa tồn tại, luôn luôn có một hiện tại mà không bao giờ bị trượt vào quá khứ, thì hiện tại đó không còn là thời gian nữa, mà là sự vĩnh hằng”.

*

Các nhà vật lý dựa vào Einstein mà giả thuyết rằng: Nếu du hành vào vũ trụ bằng con tàu đi với vận tốc ánh sáng, thì ở trên con tàu đấy thời gian sẽ đứng lại, hiện tại của nhà du hành sẽ là thời gian đứng yên, là thời gian của vĩnh cửu.

Lý thuyết của Einstein cũng cho biết: thời gian càng dãn ra thì không gian càng co lại. Ở vận tốc giới hạn, tức là vận tốc ánh sáng, hạt ánh sáng photon có không gian xung quanh kích thước bằng không. Cái không gian kích thước bằng không ấy, kỳ diệu thay, lại có thể hiểu là chính vũ trụ bao la mà hạt photon bị kẹt cứng đứng-yên-với-vận-tốc-ánh-sáng.

Con người âm mưu lợi dụng khả năng làm chủ không gian, để đi vào vũ trụ, bằng vận tốc của ánh sáng để rồi họ như đứng yên trong ánh sáng tĩnh lặng và bắt hiện tại kéo dài mãi mãi. Trong lúc di chuyển với vận tốc ánh sáng ấy, sợi chỉ thời gian của nhà du hành không ghi được một sự kiện nào của họ, lịch sử cá nhân của họ bị dừng lại. Để đến khi quay trở về nơi họ đã ra đi thì họ vẫn con trẻ như xưa mà thế giới đã đổi thay, bố mẹ đã qua đời, vợ đã già nua còn những đứa con đã lớn, triều đình cũng đã đổi ngôi tới mấy lần.

Có những người khác du hành bằng thiền định. Họ không di chuyển bằng vận tốc ánh sáng. Họ ngồi yên và để ánh sáng đi qua. Họ nhắm mắt nhìn vào vách đá. Mặc kệ thời gian. Tâm trí họ mở toang ra cho sự “trống rỗng”của không gian vũ trụ.

Khác những ai đó mở cánh cửa bước vào căn phòng kín để rồi loay hoay trong căn phòng ấy mà bỏ phí hiện tại cứ trôi đi mà thành quá khứ, người thiền định mở cánh cửa bước vào căn phòng không-có-tường-trần-sàn, một căn phòng chứa cả vũ trụ. Sợi chỉ thời gian của họ cũng không ghi một sự kiện nào. Lịch sử cá nhân của họ trong thời gian nhập định là trống không. Hiện tại như bị kéo dài vĩnh viễn và tâm trí mở đến tận vô cùng. Khi xuất định bước trở lại cuộc đời, ngoài kia bao cây cầu đã được xây, bao đứa trẻ đã trưởng thành, bao vụ mùa đã đi qua, người thiền định như khẽ dịch ra khỏi hiện tại một khoảng mỏng như làn khói mà đã thấy cả vũ trụ tương lai.

Nếu ta chia nhỏ hiện tại thành các khe thời gian mỏng dính, để mà sống-như-thiền-định trong các khe thời gian ấy, tức là sống-thiền trong từng sát na Bát Nhã: Quá khứ và vị lai cùng lúc tụ về khoảnh khắc của hiện tại mà an trú.

Mỗi không gian ứng với một sát na là một mặt phẳng thời-gian-ảo cắt vuông góc trục thời-gian-thực, như mặt phẳng vĩ tuyến cắt ngang kinh tuyến. Trong mặt phẳng ấy không có sự kiện, không có cái gì sinh ra, không có cái gì mất đi, không cái gì đến, chẳng cái gì đi. Trên mặt phẳng ấy, trong khoảnh khắc thời gian lững thững trôi qua như tia chớp, mọi ý niệm của con người đều bị rũ bỏ: không còn hữu, vô, sinh, diệt, không còn giống nhau khác nhau, không thường hằng, không đoạn diệt, không còn quá khứ, không có tương lai.

Sống-thiền được trong mỗi khoảnh khắc ấy con người sẽ trở thành “sự trống rỗng”, mỗi người sẽ không-là-ai cả, không-cả-sự-là ai, là vô thủy vô chung, là vô tận.

Trong cái khoảnh khắc ấy, nhận thức của con người hòa với “tánh không” của vạn vật. Mà vạn vật chính là vũ trụ bao la.

*

Trên đây là những dòng chữ rối rắm và nhàm chán, không có một từ nói đến tình yêu.

Tình yêu ở đâu?

Tình yêu có lẽ giống như Thượng Đế, ở bên ngoài thời gian, nhưng lại là cái “sự trống rỗng” ở bên trong vũ trụ để bắt cuộc sống xoay vần.

Tình yêu là điểm để mọi thứ bắt đầu, cũng là điểm đón chờ mọi kết thúc.

Tình yêu là điểm sinh, cũng là điểm diệt. Đấy cũng là sự vi diệu của cuộc sống nhỏ bé ngắn ngủi trong không gian và thời gian tưởng chừng như bất tận.

Tất cả những gì thuộc về “tình yêu” mà con người nhận thức được, chỉ là phong tục của tình yêu.

***

Đây là bài viết thứ 6 trong loạt bài về Thời Gian. 

1) Deus Sive Natura
2) Con mèo Schrodinger
3) Buổi sáng Heisenberg
4) Hoa hồng nở trong đêm
5) Manifold
6) Phong tục của tình yêu

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong sống và được gắn thẻ , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

4 Responses to Phong tục của tình yêu

  1. Thaothuc Sg nói:

    Em thích bài này! Anh Xu Béo đến cây Bồ đề ngồi thiền đi thôi, đừng tham sân si nữa 🙂

  2. Càfê sữa nói:

    hoang mang nghe như tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới vậy.

  3. Thực ra bài viết này (chẳng qua) là một bài điểm sách. Thay vì điểm sách thì tự chiêm nghiệm và kết nối thành bài viết của mình mà thôi. Các cuốn sách nói đến trong bài là:

    Sách in:

    1. Vượn Trần Trụi (The Naked Ape) và Vườn Thú Người (The Human Zoo) của Desmond Morris. Bản tiếng Việt do Nhã Nam mới xuất bản gần đây.
    2. Lược sử Thời Gian (Brief History of Time) và Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ (The Universe in a Nutshell) của Stephen Hawking. Nhà xuất bản Trẻ.
    3. Vật lý và triết học (Physics and Philosophy: The Revolution in Modern Science)– Werner Heisenberg – Tủ sách Tinh hoa, Nhà xuất bản Tri Thức (Cuốn này và cuốn Lược sử Thời gian đều do chú Thiều dịch).
    4. Vũ Trụ (Cosmos) của Carl Sagan – Nhã Nam.

    Sách mò trên net:

    1. Lịch sử tư tưởng và Triết học tánh không – Thích Tâm Thiện
    2. Tánh Không Luận là gì – Tuệ Sỹ
    3. Đạo Đức Kinh – Lão Tử (đủ các bản dịch khác nhau kèm theo chú giải).
    4. Sách của Osho
    5. Sách Confession, section XI (Time and Eternity) của Augustine (không biết đã có bản tiếng Việt chưa).

  4. Bình Yên nói:

    Cái “sống thiền” mà anh nhắc đến có phải là “chánh niệm” mà Thích Nhất Hạnh từng nói đến không ?

    Nếu bằng “sống thiền” mà có thể làm cho thời gian đứng lại thì tại sao ko có khả năng làm nó quay lại ? Dĩ nhiên ta đang xét trên một cá thể duy nhất chứ ko phải là vũ trụ. Trên phương diện vật lý, sự thoái hóa của vạn vật đánh dấu bước đi của thời gian, vậy nếu xoay ngược quá trình thoái hóa đó thì ko phải đã lật ngược thời gian hở anh ?
    Hơn nữa Yên nghĩ “sống thiền” ko phải là cách duy nhất làm cho thời gian đứng lại, nói theo cách của anh là mở ra cách cửa “trống rỗng” của vũ trụ. Tại sao những phi hành gia trong quá trình bay ko chịu tác động của thời gian ? Có phải là vạn vật quanh họ, vào thời điểm đó đều bất động ko ? Nếu vũ trụ ko có sự chuyển động sẽ ko có đổi thay, nếu ko có đổi thay thì làm sao có thời gian ? Vậy nếu muốn thời gian đứng lại, chỉ cần tiêu trừ đi sự chuyển động của vạn vật quanh mình và chính sự chuyển động của bản thân. Nhưng tạm thời khoa học cũng chưa có cách nào giúp chúng ta làm điều đó… Ma2 nghe ra có vẻ vô nghĩa làm sao ! 😦

    Yên nghĩ lan man nên viết lan man, ko biết có sai sót gì hông ?

    Bref, Yên thik cách diễn giải của anh. Vì vấn đề này Yên cũng ko ngừng nghĩ đến nhưng ko đủ kiến thức để diễn giải nó. 🙂

Đã đóng bình luận.